Bộ Y tế: Cập nhật chẩn đoán và điều trị sởi


Ảnh minh họa

Theo hướng dẫn, bệnh sởi là bệnh truyền nhiễm gây dịch lây qua đường hô hấp do virus sởi gây nên. Bệnh chủ yếu gặp ở trẻ em dưới 5 tuổi, hay xảy ra vào mùa đông xuân, có thể xuất hiện ở người lớn do chưa được tiêm phòng hoặc đã tiêm phòng nhưng chưa được tiêm đầy đủ.

Bệnh sởi có các biểu hiện đặc trưng là sốt, viêm long đường hô hấp, viêm kết mạc và phát ban, có thể dẫn đến nhiều biến chứng như viêm phổi, viêm não, viêm tai giữa, viêm loét giác mạc, tiêu chảy… có thể gây tử vong.

Bệnh sởi nặng hoặc các biến chứng của sởi có thể gây ra do virus sởi, do bội nhiễm sau sởi thường xảy ra ở trẻ suy dinh dưỡng, đặc biệt trẻ thiếu vitamin A, trẻ bị suy giảm miễn dịch do HIV hoặc các bệnh khác, phụ nữ có thai. Hầu hết trẻ bị sởi tử vong do các biến chứng.

Hiện, bệnh sởi vẫn không có điều trị đặc hiệu, chủ yếu là điều trị hỗ trợ. Những người bệnh mắc sởi cần được cách ly để ngừa lây nhiễm, phát hiện và điều trị sớm biến chứng để giảm bớt những hậu quả do sởi gây ra. Với việc điều trị hỗ trợ, cần tiến hành vệ sinh da, mắt, miệng họng (không sử dụng các chế phẩm có corticoid); tăng cường dinh dưỡng; hạ sốt bằng các biện pháp hạ nhiệt vật lý như lau nước ấm, chườm mát, dùng thuốc hạ sốt paracetamol khi sốt cao; bồi phụ nước, điện giải qua đường uống; bổ sung vitamin để tăng cường sức đề kháng cho trẻ… Điều trị các biến chứng bao gồm: Viêm phổi do virus, viêm phổi do vi khuẩn mắc trong cộng đồng, viêm phổi do vi khuẩn mắc phải trong bệnh viện, viêm thanh khí quản, viêm não màng não cấp tính.

Trong hướng dẫn, Bộ Y tế cũng phân rõ tuyến điều trị. Đối với tuyến xã, phường tiến hành tư vấn chăm sóc và điều trị người bệnh không có biến chứng. Tuyến huyện tư vấn chăm sóc và điều trị người bệnh có biến chứng hô hấp nhưng không có suy hô hấp. Tuyến tình chăm sóc và điều trị tất cả các người bệnh mắc sởi có biến chứng. Tuyến trung ương chăm sóc và điều trị người bệnh có biến chứng vượt qua khả năng xử lý của tuyến tỉnh.

Và để phòng bệnh sởi cho trẻ cha mẹ cần thực hiện tiêm chủng 2 mũi vaccine cho trẻ trong độ tuổi tiêm chủng theo quy định. Các bác sỹ cần tiến hành cách ly người bệnh theo nguyên tắc cách ly đối với bệnh lây truyền qua đường hô hấp. Tăng cường vệ sinh cá nhân cho trẻ, sát trùng mũi họng, giữ ấm cơ thể, nâng cao thể trạng để tăng cường sức đề kháng. Đồng thời sử dụng Immune Globulin (IG) tiêm bắp sớm trong vòng 3 – 6 ngày kể từ khi phơi nhiễm với sởi cho các bệnh nhi đang điều trị tại bệnh viện. Không dùng cho trẻ đã được điều trị IVIG trong vòng 1 tháng hoặc đã tiêm phỏng đủ 2 mũi vaccine sởi.

linhly
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Nghiên cứu - Sản xuất