Bộ Y tế chỉ đạo vụ trẻ tử vong sau tiêm dự phòng ở Cà Mau

Bệnh viện Sản Nhi Cà Mau - Ảnh: BVCC

9 phương pháp điều trị tự nhiên cho bệnh nhân giang mai

Infographic: 4 giai đoạn của bệnh giang mai

Bộ Y tế dâng hương tưởng niệm các Đại danh y của nền y học nước nhà

Theo đó, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) đề nghị Bệnh viện Sản Nhi Cà Mau thực hiện theo quy định tại Điều 100 và Điều 101 của Luật Khám bệnh, chữa bệnh để kết luận về việc xác định người hành nghề có hay không có sai sót chuyên môn kỹ thuật, làm cơ sở để giải quyết tranh chấp (nếu có).

Cục đề nghị Sở Y tế, Giám đốc Bệnh viện liên hệ, tổ chức gặp gỡ, động viên chia sẻ đối với gia đình người bệnh, phối hợp với cơ quan bảo hiểm và các đơn vị liên quan có phương án giải quyết hợp tình, hợp lý nhằm bảo đảm quyền lợi cho người bệnh cũng như người hành nghề và Bệnh viện. 

Khẩn trương thành lập Hội đồng chuyên môn rà soát tất cả các quy trình kỹ thuật chuyên môn, quy trình chăm sóc đã thực hiện trên người bệnh từ lúc nhập viện đến khi xảy ra tai biến gây tử vong, đặc biệt trong chẩn đoán xác định và chỉ định điều trị giang mai bẩm sinh theo Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh giang mai đã được Bộ Y tế ban hành tại Quyết định số 5186/QĐ-BYT ngày 9/11/2021.

Đồng thời, chỉ định một đầu mối phát ngôn của Sở Y tế, thống nhất với Bệnh viện Sản Nhi Cà Mau để cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ cho cơ quan báo chí, truyền thông (nếu được yêu cầu) và sớm thông báo kết luận của Hội đồng chuyên môn.

Sở Y tế Cà Mau khẩn trương triển khai thực hiện và cập nhật báo cáo chi tiết, đầy đủ thông tin theo quy định và kết luận của Hội đồng chuyên môn gửi về Cục Quản lý Khám, chữa bệnh trước ngày 28/2/2025 để tổng hợp báo cáo Lãnh đạo Bộ.

Trước đó, theo nguồn tin từ Báo Thanh Niên, bệnh nhi sơ sinh tử vong là bé trai, con của một sản phụ ở H.Đầm Dơi (Cà Mau), chào đời ở tuổi thai 39 tuần, cân nặng 3,7kg. Do mẹ có kết quả dương tính với bệnh giang mai, bé được đưa vào khoa Sơ sinh theo dõi và tiêm thuốc dự phòng Benzathine benzylpenicillin theo hướng dẫn của Bộ Y tế vào lúc 6h45 ngày 22/2.

Ngay sau tiêm, bé xuất hiện triệu chứng tím tái, thở co lõm ngực và nhanh chóng được cấp cứu với oxy, adrenaline tiêm bắp. Tuy nhiên, tình trạng suy hô hấp tiến triển nặng, dẫn đến sốc. Dù đã được hồi sức tích cực và đặt nội khí quản, bé vẫn không qua khỏi và tử vong lúc 8h30 ngày 22/2.

Theo chẩn đoán của Bệnh viện Sản nhi Cà Mau, nguyên nhân bé trai tử vong do sốc phản vệ độ 4, nghi do kháng sinh Benzathine benzylpenicillin (kháng sinh dự phòng giang mai). Hiện, sự việc đang được các cơ quan chức năng tiếp tục xác minh và làm rõ.

 
Lê Tuyết (Tổng hợp)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Xã hội