- Chuyên đề:
- Bà bầu và trẻ sơ sinh
Bộ Y tế đề xuất đưa vaccine phòng bệnh do phế cầu vào Chương trình tiêm chủng mở rộng - Ảnh: Hiệp Nguyễn/Sức Khỏe+.
Kịp thời cung ứng trở lại các vaccine cho Chương trình Tiêm chủng mở rộng
Phân bổ vaccine DPT-VGB-Hib phục vụ nhu cầu tiêm chủng mở rộng
Giải pháp của Bộ Y tế để giải quyết tình trạng thiếu vaccine tiêm chủng mở rộng
Sẽ tiêm miễn phí vaccine phòng cúm, tiêu chảy, phế cầu, ung thư cổ tử cung
Bộ Y tế đang dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 10/2024/TT-BYT ngày 13/6/2024 của Bộ Y tế Ban hành về danh mục bệnh truyền nhiễm, đối tượng và phạm vi phải sử dụng vaccine, sinh phẩm y tế bắt buộc. Dự thảo được lấy ý kiến tới giữa tháng 3.
Theo đó, tại dự thảo, Bộ Y tế đề xuất bổ sung quy định số thứ tự 12 - bệnh do phế cầu thuộc Danh mục bệnh truyền nhiễm, đối tượng bắt buộc phải sử dụng vaccine và lịch tiêm chủng trong Chương trình tiêm chủng mở rộng. Cụ thể, trẻ em trên toàn quốc tiêm lần một khi đủ hai tháng tuổi; lần hai ít nhất hai tháng sau lần một và tiêm nhắc lại khi trẻ đủ 12 tháng tuổi.
Theo quy định hiện hành tại Thông tư số 10/2024/TT-BYT, có 11 bệnh truyền nhiễm đã được xác định là bắt buộc phải tiêm vaccine, gồm: Viêm gan virus B, lao, bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, bệnh do Haemophilus influenzae type B, sởi, viêm não Nhật Bản B, rubella và tiêu chảy do virus Rota.
Phế cầu sinh sống ở hầu họng của người bệnh và người khỏe mạnh, lây qua đường hô hấp, tiếp xúc trực tiếp và có thể xâm lấn vào các cơ quan như phổi, não. Phế cầu gây bệnh viêm phổi, viêm màng não và viêm tai giữa, dễ trở nặng ở người cao tuổi và trẻ em nên cần tiêm vaccine phòng ngừa.
Việc bổ sung bệnh do phế cầu vào danh mục này là một bước quan trọng nhằm mở rộng phạm vi bảo vệ sức khỏe cộng đồng, đặc biệt là trẻ em và phụ nữ có thai – những đối tượng chính trong Chương trình tiêm chủng mở rộng.
Theo dự thảo, việc triển khai tiêm chủng vaccine phòng bệnh do phế cầu sẽ thực hiện theo chỉ đạo của Bộ Y tế, dựa trên lộ trình tăng số lượng vaccine đã được Chính phủ phê duyệt tại Nghị quyết số 104/NQ-CP ngày 15/8/2022.
Đây là một trong 4 loại vaccine sẽ được bổ sung vào Chương trình Tiêm chủng mở rộng theo lộ trình từ giai đoạn 2022 đến năm 2030. Theo đó, vaccine phòng bệnh do virus rota (tiêu chảy cấp) được bổ sung từ năm 2022; vaccine phòng bệnh do phế cầu từ 2025; vaccine phòng bệnh ung thư cổ tử cung từ 2026; vaccine phòng cúm mùa từ 2030.
Việc mở rộng danh mục vaccine phòng bệnh không chỉ giúp tăng cường khả năng miễn dịch cộng đồng mà còn góp phần kiểm soát hiệu quả dịch tễ, giảm thiểu nguy cơ bùng phát các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.
Chương trình Tiêm chủng mở rộng được đánh giá là một trong những chương trình về chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cộng đồng thành công nhất hiện nay ở Việt Nam. Hơn 40 năm qua, hàng trăm triệu liều vaccine đã được tiêm chủng miễn phí cho phụ nữ, trẻ em Việt Nam, góp phần đáng kể vào việc giảm tỷ mắc bệnh và tử vong.
Kể từ khi Chương trình tiêm chủng mở rộng được triển khai vào năm 1981, mạng lưới tiêm chủng đã tiếp cận đến tất cả các xã trên cả nước, giúp hàng triệu trẻ em được bảo vệ khỏi các bệnh có thể phòng ngừa bằng vaccine, trong đó có bại liệt, sởi, uốn ván, bạch hầu…
Để đảm bảo tính bền vững và hiệu quả của chương trình, nhiều chủ trương, chính sách quan trọng đã được ban hành, thể hiện sự ưu tiên của Đảng, Nhà nước và Chính phủ đối với công tác tiêm chủng.
Nghị quyết số 20-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương, Nghị quyết 139/NQ-CP của Chính phủ và đặc biệt là Nghị quyết số 104/NQ-CP đều nhấn mạnh vai trò then chốt của vaccine trong bảo vệ sức khỏe nhân dân. Nhờ đó, chương trình tiêm chủng mở rộng được triển khai đồng bộ ở tất cả các tỉnh, thành phố, giúp mọi người dân, đặc biệt là trẻ em, có cơ hội tiếp cận dịch vụ tiêm chủng miễn phí với chất lượng ngày càng được nâng cao.
Việc bổ sung vaccine phòng bệnh do phế cầu vào danh mục tiêm chủng bắt buộc trong Chương trình tiêm chủng mở rộng không chỉ là bước tiến trong công tác phòng ngừa dịch bệnh mà còn thể hiện quyết tâm của Chính phủ và Bộ Y tế trong việc nâng cao sức khỏe cộng đồng, đảm bảo mọi trẻ em đều được bảo vệ một cách toàn diện và bền vững.
Bình luận của bạn