Có thể nói, thời gian này là giai đoạn khó khăn nhất đối với ngành y. Vụ việc chấn động ở thẩm mỹ viện Cát Tường đã vượt quá giới hạn của chuyện y đức hay chuyên môn thông thường, mà đã phạm vào lương tâm, nhân tính căn bản nhất của con người. Ai phạm tội sẽ bị xử lý theo pháp luật. Nhưng vụ việc xảy ra, lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai (nơi công tác chính của bác sĩ Tường) và Bộ Y tế không thể tránh được trách nhiệm, trước tiên là trong khâu quản lý cán bộ. Bộ Y tế không thể tiếp tục hành xử lơ là như thời gian qua, mà phải xử lí nghiêm khắc mới mong ngăn ngừa nguy cơ sai phạm tương tự lặp lại.
Liệu Bộ Y tế có dám thẳng tay trừng trị những sai phạm tại các bệnh viện công hiện nay?
Nếu Bộ Y tế không xử lí, dư luận xã hội sẽ "xử lí" theo cách của mình. Tôi từng cảnh báo, không xử lí nghiêm những "con sâu" ngành y thì sẽ còn nhiều "con sâu" khác được nhân bản.Việc bác sĩ Tường ném xác bệnh nhân chẳng khác nào vứt danh tiếng ngành y xuống sông Hồng. Và chỉ vài cá nhân như thế cũng đã đủ làm ảnh hưởng, thậm chí hủy hoại hoàn toàn danh tiếng ngành này.
Nhìn rộng ra, sự việc này cũng góp phần làm bộc lộ những bất cập lớn khác trong ngành y, mà trước hết là chuyện bác sĩ bệnh viện công ra ngoài làm tư.
Về lý, pháp luật cho phép cán bộ y tế làm tư, nhưng phải kèm theo hai điều kiện. Thứ nhất, chỉ được làm ngoài giờ hành chính. Thứ hai, phải được sự cho phép của lãnh đạo cơ quan chủ quản.
Cả Pháp lệnh hành nghề y dược tư nhân, mà sau này nâng lên thành Luật khám chữa bệnh đều cân nhắc chuyện cán bộ y tế ở bệnh viện công ra ngoài làm tư.
Cách đây vài năm, vấn đề bác sĩ bệnh viện công có được ra làm tư cũng từng gây tranh cãi rất nhiều. Một số lãnh đạo các bệnh viện khi đó phản đối, với quan điểm cấm làm tư thì khi xác định trách nhiệm mới rạch ròi được chuyện công - tư. Cũng là để đội ngũ y bác sĩ phải dốc sức vào phục vụ khám chữa bệnh cho người dân.
Trái lại, những người ủng hộ lập luận, trong lúc dịch vụ y tế công chưa đủ đáp ứng nhu cầu của người dân, khu vực tư nhân cũng chưa phát triển kịp, nhà nước nên mở cửa cho phép bác sĩ công ra ngoài làm thêm. Chỉ cần giới hạn khoảng thời gian là "làm sau giờ hành chính". Vì thế mới có hai quy định có vẻ rất chặt như đã nêu ở trên.
Quy định rất rõ ràng, song thực tế lại không như vậy. Đến bệnh viện vào các buổi chiều, chúng ta sẽ thấy nhiều bác sĩ vắng mặt.
Còn nhớ, trong một phiên thảo luận tại nghị trường, Phó GĐ một bệnh viện lớn ở Hà Nội cho biết, tại các bệnh viện, hầu hết bác sĩ chỉ làm việc buổi sáng. Ăn trưa, nghỉ ngơi xong, họ dành sức quay về phòng khám của mình luôn, thay vì tuân thủ quy định chung là phải đợi đến sau 5h chiều.
Rõ ràng trách nhiệm quản lý con người trước hết thuộc về các lãnh đạo bệnh viện. Chính vì nể nang, quản lý không chặt mới sinh ra tình trạng bác sĩ ăn bớt giờ công để làm việc tư. Cũng không ai nhắc nhở, cảnh cáo hiện tượng này. Tiếp đến là trách nhiệm quản lý của nhà nước mà cụ thể là Bộ Y tế.
Cho phép cán bộ y tế làm ngoài giờ là chủ trương phù hợp với hoàn cảnh đất nước hiện nay. Tuy nhiên, song song với đó, cần siết chặt kỷ cương, các giải pháp giám sát để quản lý chặt chẽ, tránh xảy ra các sai phạm. Thực tế, các bệnh viện chỉ cần làm theo đúng luật, quản lý cán bộ của mình về các mặt như trình độ chuyên môn, y đức, giờ giấc hành chính...
Về lâu dài, ở VN cũng chưa thể tách bạch được công ra công, tư ra tư như một số nước tiên tiến. Chỉ khi nào hệ thống khám chữa bệnh y tế tư nhân phát triển đủ mạnh để cạnh tranh, chúng ta mới có thể thực hiện được điều này. Tại các nước, sở dĩ nhà nước có thể mạnh tay với các bệnh viện công là do hệ thống y tế tư nhân chiếm vị thế chủ chốt. Chẳng hạn Nhật Bản, Hàn Quốc có tới 80% cơ sở y tế tư nhân.
Ở Việt Nam hiện nay, tỷ lệ cơ sở khám chữa bệnh tư nhân chỉ chiếm 10%, còn lại là bệnh viện nhà nước. Mà đã là bệnh viện nhà nước, thì Bộ Y tế liệu có dám mạnh tay xử lý các sai phạm? Hay lại vì thương "quân" của mình mà làm lơ?
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin
Bình luận của bạn