Bộ Y tế sẽ đề xuất đưa quyền được chết vào Bộ luật dân sự

Bộ Y tế sẽ đề xuất đưa quyền được chết vào bộ luật dân sự

Nên có luật "cái chết êm ái" cho người bệnh nan y?

Sàng lọc sơ sinh phát hiện sớm bệnh nan y

Nguy cơ mắc bệnh nan y từ dầu bẩn

Những người luôn ám ảnh mắc bệnh nan y

Những người bệnh không có khả năng chữa trị, phải chịu đau đớn vì bệnh tật hành hạ… có quyền quyết định về sự sống - chết của mình. TS. Nguyễn Huy Quang cho biết, trước đó trong bộ luật dân sự không đề cập đến quyền được chết. Nhưng đặc thù trong lĩnh vực y tế, với những bệnh trọng không thể cứu chữa, sống thực vật, những người bệnh ung thư giai đoạn cuối đau đớn đến tột cùng về thể xác, sang chấn đến tận cùng về tinh thần đến mức họ không thiết tha sống nữa mà trời chưa cho chết… nên Bộ Y tế sẽ đưa ra đề xuất đưa quyền được chết vào bộ luật dân sự.

“Những người bệnh đau đớn đến tột cùng, kéo dài thời gian sống cũng không chữa khỏi bệnh mà họ càng phải chịu nỗi đau về thể xác, họ mong muốn được chết nhưng họ không thể tự tử để chết. Vì thế nếu quyền được chết được công nhận, họ sẽ có quyền đề nghị bác sỹ giúp mình có một cái chết nhẹ nhàng, êm ái, thoát khỏi những đau đớn mà bệnh tật đang hành hạ”, TS. Quang nói.

Cũng theo ông Quang, với mỗi người đều có quyền được sống thì họ cũng phải có quyền được chết, cho những trường hợp đặc biệt như ông đã chia sẻ ở trên. Thực tế trong khám chữa bệnh, chắc chắn không ít bác sỹ nhận được lời “kêu cứu” của người bệnh, mong cho họ được kết thúc sự sống đớn đau mà không có tương lai nhưng không một bác sỹ nào, không một bệnh viện nào dám thực hiện điều này, bởi pháp luật không cho phép. Nếu pháp luật không cho phép mà bác sỹ giúp người bệnh thì vô tình cũng vướng vào hành vi “giết người”. Ngược lại, nếu pháp luật cho phép, thì bác sỹ có thể giúp người bệnh muốn chết vì bệnh trọng có một lối thoát, không phải ở tình cảnh sống cũng không nổi mà chết cũng chưa xong vì trời chưa cho chết.

Một bác sỹ chuyên lĩnh vực hồi sức, cấp cứu chia sẻ, bản thân ông từng chứng kiến không biết bao nước mắt của người bệnh, thân nhân người bệnh khi xin bác sỹ cho họ được chết. Có trường hợp người bệnh ung thư phổi giai đoạn cuối, đau đớn vật vã nhưng vẫn còn tỉnh táo đã trực tiếp đề nghị ông làm điều đó, nhưng ông không thể. Cuối cùng, dưới sức ép của gia đình của chính bệnh nhân, các bác sĩ không được phép điều trị duy trì cho bệnh nhân và phải ngừng điều trị, để bệnh diễn biến tự nhiên và người đàn ông này trước khi quyết định rút ống thở đã nói lời cảm ơn các bác sỹ, rồi ông và gia đình đã tự làm điều đó.

“Sinh mạng là trời ban cho mỗi người, chỉ trời mới được quyền lấy đi mình không được làm thay cho tạo hóa. Tuy nhiên, thực tế xã hội, thực tế trong ngành y có những tình huống như thế. Nếu quyền được chết được công nhận, đây là một lối thoát cho người bệnh và cũng là một lối thoát đạo đức cho chính người thầy thuốc, giúp họ biết làm thế nào cho đúng. Biết người bệnh đau đớn lắm, duy trì cũng chỉ sống thêm từng ngày nhưng không thể giúp họ kết thúc cuộc đời, đó cũng là một sự dằn vặt”, vị bác sỹ này cho biết.

Tuy nhiên, với những người thầy thuốc, khi đã bước chân vào nghề y, lời thề Hippocrates có thể khiến họ không dám giúp người bệnh dù luật có cho phép. Vì thế, bác sỹ này cho rằng các nhà làm luật cũng phải tính rất kỹ, chỉ có thể là nhân viên y tế làm nếu họ tình nguyện. Còn không nên bắt buộc, hoặc có thể đào tạo đội ngũ khác thực hiện điều này.

Về vấn đề này, ông Quang cho biết có rất nhiều quan điểm xung quanh việc nếu bác sĩ thực hiện cái chết nhân đạo có vi phạm về mặt y đức không? Tôi cho là không vì nếu là người bác sỹ mỗi ngày nhìn thấy sự đau đớn tột cùng về thể xác, tinh thần, người bệnh gào thét vì đau đớn dù đã được tiêm giảm đau. Sống đau đớn, vật vã khiến họ không còn cảm nhận được điều đẹp đẽ của cuộc sống… thì giúp bệnh nhân chết, đó là một sự giải thoát cho người bệnh khỏi những đau đớn đó, giúp họ trở về thiên đường trong bình lặng, không đau đớn, xung quanh là người thân cầm tay người bệnh lần cuối tiễn họ về cõi vĩnh hằng….

“Trên thế giới đã có Hà Lan, Bỉ, Thụy Sỹ và 4 bang của Mỹ công nhận quyền được chết. Thậm chí có quốc gia còn phát triển “du lịch lên thiên đường”, dù người bệnh mang bất cứ quốc tịch nào, đến quốc gia đó đề nghị được chết là sẽ được chấp thuận. Sức khỏe, sinh mệnh mỗi người đều có quyền tự quyết định, nhất là việc quyết định chết trong những trường hợp trên. Với những phân tích này, Bộ Y tế sẽ mạnh dạn đề xuất đưa vào luật. Trước đó từ 2005 đề xuất nhưng Quốc hội cho biết chưa đến thời điểm cho phép, lần này Bộ Y tế sẽ đề xuất đưa vào luật”, ông Quang nói.

Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin