BZT USA: Lời cảnh báo cho việc quảng cáo TPCN online sai quy định

Quảng cáo TPCN sai phép: Thêm hai đơn vị bị xử phạt

Công ty BZT USA bị phạt 15 triệu đồng vì quảng cáo TPCN sai quy định

Quảng cáo TPCN: “sai thì phải nhận”

7 công ty bị phạt vì quảng cáo TPCN sai quy định

Lời cảnh báo quảng cáo TPCN online

Ngày 26/8/2014, Cục An toàn thực phẩm (ATTP) đã ban hành Quyết định số 64/QĐ-XPHC, xử lý vi phạm với Công ty TNHH BZT USA ở địa chỉ 48-50-52 Nguyễn Thế Truyện, phường Tân Sơn Nhì, quận Tân Phú, TP. Hồ Chí Minh vì đã tiến hành quảng cáo các sản phẩm TPCN: BZT USA K1s; BZT USA Cell; BZT USA BETA GLUCAN và một số sản phẩm khác trên website "bztusa.com" của công ty nhưng không đăng ký nội dung quảng cáo theo quy định.

Theo đó, Cục ATTP đã xử phạt hành chính Công ty TNHH BZT USA với mức phạt 15 triệu đồng; Buộc Công ty TNHH BZT USA chấm dứt hành vi vi phạm và phải tháo gỡ toàn bộ nội dung quảng cáo sai quy định trong thời hạn một ngày, kể từ ngày nhận được Quyết định xử phạt. Cục ATTP yêu cầu Công ty TNHH BZT USA nghiêm chỉnh chấp hành. Trường hợp tái phạm hoặc không chấp hành quyết định xử phạt sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Sản phẩm BZT USA K1s

 

Sự việc về BZT USA mới đây mới chỉ là sai phạm không đăng ký nội dung quảng cáo theo quy định. Lại nói về việc bán hay quảng cáo TPCN online hiện nay, mọi người chỉ cần gõ từ khóa đơn giản “thực phẩm chức năng”, bất cứ ai cũng dễ dàng tìm kiếm ra hàng nghìn kết quả với vô vàn các gian hàng TPCN bán online trên mạng. Bên cạnh sự sôi động của thị trường online này thì cũng kéo theo khá nhiều nguy cơ bất lợi cho người tiêu dùng, bởi hầu hết không phải lời rao bán, quảng cáo nào cũng là sự thật.

2 mặt của việc mua bán, quảng cáo TPCN online

Thị trường TPCN đang trong thời kỳ phát triển cùng với sự bùng nổ của hình thức thương mại điện tử khiến cho việc quảng cáo TPCN online hiện nay không còn xa lạ đối với mọi người. Tiện lợi của loại hình kinh doanh trên mạng ai cũng thấy rõ, với người bán hàng thì vừa không mất tiền thuê mặt bằng, vừa không phải trông coi cửa hàng thường xuyên mà lại tiếp cận được với rất nhiều khách hàng. Với người mua, họ sẽ có thể "lướt" qua cả chục cửa hàng trong thời gian ngắn trước khi đưa ra quyết định cuối cùng cho mình.

Mua bán TPCN online, người tiêu dùng nên thận trọng

 

Tuy nhiên, cái gì cũng có hai mặt của nó, khi lựa chọn hình thức mua hàng online thuận tiện này, người tiêu dùng luôn đứng trước nguy cơ phải chịu rủi ro. Khi đặt niềm tin vào bất kỳ sản phẩm của người bán hàng online nào thì cũng đồng nghĩa với việc người mua đang đặt cược sức khỏe của chính bản thân mình với chất lượng sản phẩm. Trên thực tế, TPCN bán trên các shop online có thể là hàng kém chất lượng, hàng hết hạn sử dụng, hàng giả, không rõ nguồn gốc...

Cho đến việc một số loại TPCN bị nước ngoài cấm khi về Việt Nam được đội lốt “hàng xách tay” không được đăng ký, kiểm định chất lượng để dễ lưu hành và tạo tâm lý tin tưởng cho người tiêu dùng. Bởi những người bán hàng online đánh vào tâm lý chuộng hàng xách tay, sính ngoại của nhiều người tiêu dùng Việt Nam.

Sản phẩm 2 Day-Diet đã bị cấm trên thị trường nước ngoài

 

Không khó để tìm ra những thực phẩm “hàng xách tay” này trên các trang mạng xã hội. Minh chứng cụ thể là thực phẩm thuốc giảm cân 2 Day-Diet cũng được rao bán với danh nghĩa là hàng xách tay từ Nhật Bản. Thực tế cũng đã cho thấy, đây là sản phẩm có chứa độc tố gây hại cho cơ thể (chứa hoạt chất Sibutramin, chất gây nguy hiểm cho huyết áp, tim mạch, gan) và đã bị cấm lưu hành ở Thụy Sỹ. Năm 2009, 2 Day-Diet cũng nằm trong danh sách 72 loại thuốc cấm của FDA (Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ). Thế nhưng, hiện nay, không chỉ có 2 Day-Diet mà còn rất nhiều sản phẩm TPCN bị cấm khác vẫn được bán tấp nập trên thị trường online.

PGS.TS Trần Đáng, Chủ tịch Hiệp hội TPCN Việt Nam cho rằng: “Hiện nay trên thị trường hay các cửa hàng online bán hàng xách tay đều không đáng tin cậy. Tôi cho rằng cơ quan chức năng phải kiểm soát thị trường này, dù thị trường truyền thống hay trên mạng cũng phải được quản lý, thẩm định chất lượng hàng hóa, tránh tình trạng trà trộn hàng hóa không nguồn gốc, kém chất lượng bán ra thị trường.”

Bản chất TPCN là tốt nhưng sự "mập mờ" trong quảng cáo sẽ khiến người tiêu dùng phải chịu thiệt thòi

 

TPCN bị "thổi phồng" quá mức

Nguy hiểm hơn cả, liên quan đến việc quảng cáo online về TPCN cố tình khiến cho người tiêu dùng bị hiểu nhầm là thuốc, thậm chí là bị "thổi phồng" công dụng quá mức. Khách hàng có thể đối mặt với nguy cơ mất tiền khi mà cách giao dịch của các cửa hàng đều không rõ ràng, chất lượng hay chưa thì còn tùy thuộc vào cái “tâm” của người bán. May thì mua được một sản phẩm TPCN tốt nhưng rủi khi mua phải hàng kém chất lượng thì sẽ còn tiềm ẩn nguy cơ xấu đến sức khỏe của chính người dùng.

Trên các trang bán TPCN online, người bán hàng chỉ giới thiệu sơ qua về công dụng sản phầm, rất ít nhắc đến xuất xứ, hạn sử dụng hay tác dụng phụ của sản phẩm. Ví dụ: Sản phẩm Blackmores Joint Formula Advanced giảm đau xương khớp cao cấp 120 viên được giao bán trên facebook Phương Bắc shop chỉ ghi tác dụng giảm đau xương khớp, xuất xứ từ Úc và giá tiền.

Một sản phẩm TPCN bị người bán coi là thuốc

 

Người tiêu dùng hoàn toàn không được cung cấp thêm thông tin nào khác về tác dụng phụ hay cách sử dụng của sản phẩm này. Điều đáng nói là sản phẩm Blackmores này là thực phẩm chức năng nhưng chủ cửa hàng vẫn “vô tư” khẳng định đây là thuốc.

Cơ quan chức năng vào cuộc

Trên thực tế, sản phẩm TPCN đang bị “thổi phồng” quá mức trên các phương tiện truyền thông. Thời gian gần đây, các cơ quan chức năng đã quyết liệt siết chặt quảng cáo TPCN trên báo chí, truyền hình. Tuy nhiên, trên các trang bán hàng online thì việc quản lý vẫn còn đang gặp nhiều khó khăn và chưa triệt để.

Được biết, trong thời gian tới, theo chỉ đạo của Bộ Y tế, Cục ATTP sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan như Thanh tra Bộ Thông tin truyền thông, A87 Bộ Công an liên tục rà soát nhằm phát hiện, xử lý các vi phạm về quảng cáo thực phẩm, nhất là quảng cáo trên website. Ngoài việc xử lý vi phạm đối với người quảng cáo (cơ sở có sản phẩm thực phẩm được quảng cáo), Cục ATTP sẽ chuyển hồ sơ vi phạm cho cơ quan chức năng để xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật.

Hy vọng với động thái trên của Bộ Y tế sẽ giúp cho việc lập lại trật tự, kỷ cương trong các hoạt động quảng cáo thực phẩm, góp phần đẩy lùi những cơ sở quảng cáo online sai quy định, "thổi phồng" TPCN, lấy lại uy tín cho ngành TPCN và giúp người tiêu dùng có những thông tin đúng về sản phẩm, có thể chọn lựa cho mình những sản phẩm chất lượng tốt với giá cả hợp lý.

Vi Dũng (H+)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Kinh doanh - Tiêu dùng