Các địa phương có đang "làm khó" người dân về quê ăn Tết?

Một số địa phương đã vận động, thậm chí đưa ra quy định có phần "làm khó" người dân về quê dịp Tết

Yêu cầu xử lý nghiêm các vi phạm về mua bán thuốc kháng virus Molnupiravir

Nhìn lại 2021: “Đòn cân não” trong chiến dịch chống giặc COVID-19

F0 tại Hà Nội được tiếp nhận điều trị ở cơ sở y tế nào?

Đề xuất cấp giấy đăng ký lưu hành cho 3 thuốc điều trị COVID-19

Các địa phương có đang "làm khó" người dân về quê ăn Tết?

Mới đây, Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố Thanh Hóa (tỉnh Thanh Hóa) đã có thư ngỏ kêu gọi người dân vận động người thân đang ở xa Tết này tạm thời không về quê nếu không thực sự cần thiết, nhất là dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. Điều này đã gây "bão" trong dư luận thời gian vừa qua.

Sáng 6/1, ông Lê Anh Xuân, bí thư Thành ủy Thanh Hóa khẳng định đây là khuyến cáo, vận động người dân đi làm ăn xa không về quê dịp Tết Nhâm Dần nếu không thật sự cần thiết, chứ địa phương không cấm người dân đi lại, thăm người thân và gia đình vào bất cứ dịp nào chứ không riêng gì dịp Tết Nguyên đán.

Ngày 30/12/2021, UBND xã Chiềng Yên (huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La) đã ra văn bản yêu cầu những người lao động đi làm xa, nếu có nhu cầu về quê, ăn Tết với gia đình phải về trước ngày 10/1 (ngày 8 tháng Chạp) - trước Tết 22 ngày - để đảm bảo cách ly y tế.

Ông Hà Văn Phúc, Chủ tịch UBND xã Chiềng Yên giải thích: "Nếu theo lịch phải 27 - 28 Tết người dân mới được nghỉ, thời gian theo dõi sức khỏe ngắn, trong khi mọi người lại đi chúc tụng khắp nơi, nguy cơ bùng phát dịch sẽ lớn". Tuy vậy, ngày 4/1, UBND xã Chiềng Yên đã có văn bản điều chỉnh, bỏ yêu cầu người lao động về địa phương trước ngày 10/1.

Tương tự, Quảng Nam cũng vận động người dân vùng dịch không về quê ăn Tết trong dịp Tết Nguyên đán năm nay.

Những quy định mới gây ra nhiều khó khăn cho người dân

Do ảnh hưởng của dịch bệnh cũng như lệnh giãn cách để phòng dịch COVID-19, trên thực tế có nhiều người dân đã cả năm không về quê, chấp hành chủ trương "ai ở đâu ở yên đó".

Nhiều người cả năm không dám về quê do ảnh hưởng của dịch bệnh

Nhiều người cả năm không dám về quê do ảnh hưởng của dịch bệnh

Người dân xa quê ai cũng mong muốn một cái Tết đoàn tụ bên gia đình, sau Tết lại vội vã rời quê tỏa đi các nơi để mưu sinh. Chưa kể có nhiều người đã trải qua hoàn cảnh mất mát người thân, do đó Tết là dịp để mọi người đoàn tụ, có thêm động lực vững bước trên những chặng đường phía trước.

Với thực tế cả nước đã chuyển sang chiến lược thích ứng an toàn với COVID-19, đồng thời tỷ lệ tiêm phủ vaccine tại Việt Nam đã ở mức cao, nhiều người cho rằng các quy định mới là “rất khó hiểu", gây ra nhiều bất cập cho người dân.

Theo đó, khi thấy tình hình dịch bệnh ngày càng phức tạp, người nhà của chị M.P. (quê ở Thanh Hóa) có giục chị xin nghỉ phép, trở về nhà từ đầu tháng để cách ly. “Không cơ quan nào đồng ý cho nhân viên nghỉ dài ngày như vậy khi cuối năm việc ngập đầu. Muốn về sớm chỉ có nghỉ việc", chị M.P. tâm sự.

Chị L.H. (một người dân đang sinh sống tại TP.HCM) cũng phân vân nên về hay ở bởi quy định cách ly khi về Thanh Hóa. "Cả năm xa nhà, không về thì nhớ bố mẹ, mà về phải tự cách ly 14 ngày, trong khi chỉ được nghỉ Tết 9 ngày. Chủ trương không cấm về, nhưng các biện pháp cách ly chẳng khác gì gây khó dễ, khiến đường về ngày càng xa", chị chia sẻ.

Bộ Y tế lên tiếng

PGS.TS. Trần Đắc Phu, Nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho rằng "khi đã chấp nhận "không Zero", đã tiêm vaccine phòng COVID-19 thì chúng ta phải chấp nhận thực tế số ca mắc COVID-19 có thể tăng cao. Chính phủ đã ra Nghị quyết 128 về thích ứng an toàn, hiệu quả với dịch COVID-19, trong đó nới lỏng tất cả các hoạt động kể cả đi lại, kiểm soát rủi ro. Chúng ta không "ngăn sông cấm chợ" vì tỷ lệ bao phủ vaccine đã cao".

Vì thế, theo ông Trần Đắc Phu, các tỉnh cần thực hiện nghiêm quy định này, tránh mỗi nơi làm một kiểu gây ảnh hưởng tới kinh tế cũng như an sinh xã hội. Ngoài ra, việc địa phương vận động hay ra quy định "làm khó" người dân về quê dịp Tết sẽ tạo ra một số tiền lệ không hay và gây dư luận không tốt.

 

Vừa qua, Chính phủ, Bộ Y tế đã "thổi còi" một số địa phương đưa ra quy định không hợp lý về cách ly, xét nghiệm đối với người từ địa phương khác về.

Theo ông Trần Đắc Phu, việc cách ly, xét nghiệm như thế nào Bộ Y tế đã có quy định. Cụ thể, không chỉ định xét nghiệm đối với việc đi lại của người dân, chỉ thực hiện xét nghiệm đối với trường hợp đến từ địa bàn có dịch ở cấp độ 4 hoặc cách ly y tế vùng (phong tỏa) và các trường hợp nghi ngờ như sốt, ho, khó thở… hoặc có chỉ định điều tra dịch tễ đến từ địa bàn có dịch ở cấp độ 3.

"Việc yêu cầu toàn bộ người vào địa bàn phải xét nghiệm vừa không cần thiết, vừa tốn kém, vừa gây tâm lý chủ quan phòng bệnh. Các địa phương nên tạo điều kiện cho lao động về quê đón Tết an toàn", PGS.TS. Trần Đắc Phu nhấn mạnh.

Theo chuyên gia, tình hình dịch vẫn đang diễn biến phức tạp, số ca mắc tăng mỗi ngày. Do đó, dù về quê ăn Tết, người dân cũng không nên lơ là các biện pháp phòng bệnh. Theo đó, người dân cần tuyệt đối tuân thủ nghiêm 5K mọi chỗ, mọi nơi, hạn chế tiếp xúc với đám đông, giảm đi lại không cần thiết, không tổ chức các hoạt động đông người không cần thiết, không tổ chức ăn uống linh đình, hạn chế thăm nom, tụ tập… để có thể vừa ăn Tết vui vẻ, vừa an toàn dịch bệnh.

"Ý thức người dân lúc này là quan trọng nhất, không nên nghĩ vì đã tiêm vaccine mà chủ quan, lơ là. Việc không thực hiện tốt 5K sẽ làm lây lan mầm bệnh cho người khác, đặc biệt là những đối tượng dễ bị tổn thương như người cao tuổi, mắc bệnh nền, trẻ em hay những đối tượng chưa được tiêm đủ liều vaccine", PGS.TS. Trần Đắc Phu khuyến cáo.

Vi Bùi (Tổng hợp)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Xã hội