Cách tránh viêm mũi dị ứng mùa lạnh


Thật ra, viêm mũi dị ứng có 2 thể: có và không có chu kỳ.

Viêm mũi dị ứng có chu kỳ

Bệnh xảy ra một cách đột ngột vào đầu mùa lạnh hoặc đầu mùa nóng đột nhiên bệnh nhân có cảm giác buồn nôn, cay trong mũi, lạnh ở trán và nhảy mũi (hắt hơi) từng tràng vài chục cái.

Kèm bị cay ở mắt, đỏ mắt và chảy nước mắt. Sau cơn hắt hơi thì nước mũi chảy ra đầm đìa làm ướt cả khăn tay. Nước mũi trong như nước lã. Bệnh nhân nặng đầu, cảm thấy uể oải, không muốn làm việc.

Tình trạng này kéo dài trong vài ngày đến 1 tuần lễ rồi đột nhiên biến mất dù có điều trị hay không điều trị. Và mỗi năm đúng thời kỳ đó bệnh lại tái diễn. Nếu bệnh nhân đổi chỗ ở như đi chậu Âu hoặc du lịch thì cơn bệnh biến mất. Nhưng khi trở về chỗ cũ thì bệnh lại tái diễn.

Viêm mũi dị ứng không có chu kỳ

Triệu chứng cũng giống như trên, nhưng có 2 đặc điểm sau: Bệnh không theo thời tiết mùa nóng hay mùa lạnh mà bệnh xảy ra bất kỳ lúc nào. Và những cơn hắt hơi mất dần tính chất kịch phát.

Trong mỗi cơn bệnh nhân hắt hơi hơi chỉ độ vài ba cái. Nhưng triệu chứng nghẹt mũi tăng nhiều và kéo dài. Giữa hai cơn hắt hơi lỗ mũi không được hoàn toàn thông như thể có chu kỳ.

Hiểu nguyên nhân để "né"

Bệnh viêm mũi dị ứng xảy ra khi có 3 điều kiện: Thể địa có tính chất gia truyền, sự thụ cảm của cơ thể khi kháng nguyên xâm nhập lần đầu vào cơ thể nó chưa gây ra triệu chứng lâm sàng của dị ứng vì cơ thể chưa mẫn cảm. Và nguyên nhân do kháng nguyên:

- Do đường hô hấp: phấn hoa, bột, khói, mốc, lông súc vật, bụi bẩn,…
- Do đường tiêu hóa: ăn sứa biển, tôm, thịt gà, bò,…
- Do kháng nguyên vào đường da: sơn mài, hắc ín, cao su,…

Ngoài những dị ứng từ ngoài vào còn có những dị chất nội sinh do sự chuyển hóa không hoàn toàn protein trong cơ thể hoặc các độc tố vi trùng ở răng sâu, ở Amydal viêm,… Những dị chất này cũng có thể đóng vai trò kháng nguyên.

Cơ thể sinh ra kháng thể để chống lại kháng nguyên lần đầu xâm nhập. Từ đây về sau nếu kháng nguyên ấy lại xâm nhập vào cơ thể thì sẽ xảy ra sự đấu tranh kịch liệt giữa kháng thể và kháng nguyên. Trận đấu tranh này sinh ra chất Histamin, Serotonin. Các chất này là nguồn gốc mà ta thấy ở các bệnh dị ứng. Vậy viêm mũi dị ứng chỉ là một hiện tượng cục bộ của bệnh toàn thân đỏ. Điều này sẽ giúp bạn đánh giá đúng tầm nguy hiểm của bệnh, tránh xem thường.




Phòng tránh và điều trị

Để phòng bệnh, tốt nhất là tránh kháng nguyên gây ra bệnh. Ví dụ: bệnh nhân để ý là mỗi lần dùng sơn là lên cơn hắt hơi sặc sụa thì nên tránh bằng cách đeo khẩu trang hay nặng quá thì chuyển nghề.

Đối với những người hay nhiễm bệnh vào mùa lạnh thì nên đến sống ở những vùng ấm áp và ngược lại. Giữ ấm cơ thể, phòng ngủ, nơi làm việc khi thời tiết lạnh.

Hợp lý hóa cách ăn uống và tập thể dục thường xuyên, tăng sức cho hệ miễn dịch.

Trong đời sống hàng ngày, cần chú ý ăn uống và tập luyện để tăng đề kháng. Những người bị dị ứng thường là những người có chế độ ăn uống không cân đối như ăn nhiều chất bột hoặc nhiều chất mỡ. Phần lớn những người ít vận động, sợ gió, sợ rét, lúc nào cũng mặc nhiều áo, quấn khăn quanh cổ, làm như vậy dĩ nhiên khi phơi mình trần ra gió mưa, rét ướt cơ thể không thịu đựng được những thay đổi thời tiết.

Về điều trị, khi nhiễm bệnh nên đến các bác sĩ chuyên khoa để được khám và tư vấn kịp thời, không nên điều trị theo dân gian hay tự mua thuốc uống vì cho rằng đó là bệnh nhẹ.

Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin - Báo bạn