Cận cảnh công tác cứu hộ vụ sạt lở đất ở Bắc Hà, Lào Cai

Công tác cứu hộ, vận chuyển bệnh nhân gặp nạn sau vụ sạt lở đất nghiêm trọng ở huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai.

Dòng chảy Sức khỏe+: Hơn trăm học sinh Lào Cai phải nghỉ học do mắc cúm A

Lũ lớn cô lập nhiều vùng ở Lào Cai, 11 người chết và mất tích

Cảnh báo lũ lụt, sạt lở đất nhiều nơi ở Bắc Bộ

Chùm ảnh: Nhiều cây đại thụ ở Hà Nội bị "quật ngã" trong siêu bão YAGI

Theo thông tin từ Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Bắc Hà, tại xóm Bản Cái, thôn Nậm Tông có 15 hộ với 80 nhân khẩu. Ngày 10/9, đất đá từ trên đồi bất ngờ sạt lở với khối lượng lớn đã vùi lấp 8 ngôi nhà, khiến 7 người chết, 11 người vẫn mất tích và 11 người bị thương.

Hiện trời tiếp tục mưa, tuyến đường chính vào thôn đang sạt lở hàng trăm điểm nên công tác cứu hộ và tìm kiếm nạn nhân mất tích gặp vô vàn khó khăn.

Trên đường đi có hàng trăm điểm sạt lở nên lực lượng cứu hộ gặp rất nhiều khó khăn. Trong khi đó, bên trên điểm sạt lở có một hồ nước khoảng 2.000m2 tiếp tục bị rò nước, nguy cơ sạt lở bất cứ lúc nào.

 

Bác sĩ Ly Seo Sẩu – Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Bắc Hà, người đang trực tiếp chỉ đạo sơ cứu bệnh nhân tại hiện trường cho biết: Từ điểm sạt lở phải vận chuyển bệnh nhân bằng cáng qua quãng đường 7km xuống bờ sông, sau đó phải đi bằng cano 2km đường sông nữa mới đến điểm ôtô cứu thương đón, từ đó bệnh nhân được vận chuyển tiếp đến Phòng khám đa khoa Bảo Nhai. Tại đó bệnh nhân được phân loại, nếu nhẹ sẽ điều trị tại chỗ, nếu nặng sẽ được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lao Cai để điều trị tiếp.

Hiện nguy cơ sạt lở đất vẫn còn cao nên gây nguy hiểm cho các lực lượng tham gia cứu hộ. Cơ quan chức năng đang tính toán các phương án để tìm kiếm người mất tích vừa đảm bảo an toàn, vừa đảm bảo tiến độ nhanh nhất.

Tính đến thời điểm 17 giờ ngày 11/9, con số thiệt hại về người tại huyện Bắc Hà đã lên tới 51 người. Trong đó có 15 người chết, 19 người mất tích; 17 người bị thương; trên 1.400 nhà bị thiệt hại.

Cũng trong ngày 10/9, 2 vụ sạt lở đất nghiêm trọng khác cũng đã xảy ra ở tỉnh Lào Cai.

Theo đó, nhà điều hành thủy điện Đông Nam Á - Nậm Lúc (huyện Bắc Hà) đã bị đất đá sạt lở vùi lấp, 5 người mất tích. Đến thời điểm này, 4 nạn nhân đã được tìm thấy thi thể; riêng giám đốc điều hành thủy điện vẫn chưa có tung tích.

Còn tại thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, đất đá bất ngờ theo dòng lũ tràn từ ngọn núi Con Voi đã vùi lấp 37 hộ dân với 158 người dân cư trú nơi đây. Đến 14h ngày 11/9, nhà chức trách xác định có 30 người tử vong, 65 người mất tích, 17 người bị thương.

Theo báo cáo nhanh, đến tối 11/9, Lào Cai là địa phương thiệt hại nhân mạng nặng nề nhất do bão lũ, với 183 người tử vong và mất tích (72 người chết, 111 người mất tích), gồm: Bảo Yên 113, Sa Pa 9, Bát Xát 18, Si Ma Cai 7, Bắc Hà 34, Văn Bàn 2.

Huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai đang là nơi nguy hiểm, để tránh nguy cơ bị sạt lở đất, chiều 11/9, chính quyền xã Thải Giàng Phố đã di dời 45 hộ dân, 275 người ở thôn San Sả Hồ ra khỏi khu vực nguy hiểm.

Quyết định này được đưa ra ngay sau khi có tin gần 100% nhà trong thôn có hiện tượng nứt tường và sụt lún nền nhà. Trong khi khu vực này là đồi núi, dốc cao, mưa kéo dài ngày dễ gây sạt lở nghiêm trọng. Đến 21h ngày 11/9, chính quyền xã Thải Giàng Phố đã di chuyển an toàn hơn 200 người trên địa bàn thôn đến Trường Tiểu học xã Thải Giàng Phố và một phần tập kết tại điểm trường mầm non xã.

Một số hình ảnh được ghi lại tại hiện trường vụ sạt lở đất ở Bắc Hà, Lào Cai

Bác sĩ Sim Thị Tâm, Trạm trưởng Trạm y tế Nậm Lúc sơ cứu người bị thương

Bác sĩ Sim Thị Tâm, Trạm trưởng Trạm y tế Nậm Lúc sơ cứu người bị thương

Các bác sĩ tại Trung tâm Y tế huyện Bắc Hà đang sơ cứu cho các bệnh nhân bị thương do vụ sạt lở đất

Các bác sĩ tại Trung tâm Y tế huyện Bắc Hà đang sơ cứu cho các bệnh nhân bị thương do vụ sạt lở đất

Nhân viên y tế sơ cứu trẻ bị thương

Nhân viên y tế sơ cứu trẻ bị thương

11 người bị thương được chuyển về nhà dân chăm sóc

11 người bị thương được chuyển về nhà dân chăm sóc

Công tác chuẩn bị vận chuyển bệnh nhân đến bệnh viện. Từ điểm sạt lở phải vận chuyển bệnh nhân bằng cáng qua quãng đường 7km xuống bờ sông, sau đó đi bằng ca nô 2km để đến điểm ô tô cứu thương.

Công tác chuẩn bị vận chuyển bệnh nhân đến bệnh viện. Từ điểm sạt lở phải vận chuyển bệnh nhân bằng cáng qua quãng đường 7km xuống bờ sông, sau đó đi bằng ca nô 2km để đến điểm ô tô cứu thương.

Hiệp Nguyễn
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin - Báo bạn