Mưa lũ, ngập lụt sau bão YAGI bao trùm miền Bắc

Mực nước trên sông Hồng đoạn cầu Long Biên đang dâng cao mức báo động 2 - Ảnh: Đài TH Hà Nội.

Bộ Y tế phát động ủng hộ người lao động ngành Y tế bị thiệt hại do bão YAGI

Sau bão YAGI, 6 người ngộ độc khí CO khi dùng máy phát điện

Chùm ảnh: Nhiều cây đại thụ ở Hà Nội bị "quật ngã" trong siêu bão YAGI

Ứng phó siêu bão YAGI, Bộ Y tế họp khẩn với ngành y tế 28 tỉnh, thành phố

Miền Bắc đón đợt mưa đặc biệt lớn bắt đầu từ ngày 7/9 khi cơn bão lịch sử YAGI càn quét. Hoàn lưu sau bão kết hợp với dải hội tụ nhiệt đới tiếp tục gây mưa kéo dài ở các tỉnh miền Bắc, nhất là khu vực, vùng núi trung du, dẫn đến đợt lũ lịch sử đang diễn ra ở nhiều tỉnh/thành phố như Yên Bái, Thái Nguyên, Lào Cai, Cao Bằng, Sơn La, Tuyên Quang.

Theo TTXVN, tính đến sáng ngày 11/9, đã có trên 200 người chết và mất tích do hoàn lưu bão gây ngập lụt, sạt lở tại các tỉnh phía Bắc. Cao Bằng, Lào Cai, Yên Bái, Thái Nguyên... là những tỉnh chịu thiệt hại nặng nề nhất.

Hiện cảnh báo lũ ở cấp báo động đã được ban bố tại nhiều con sông lớn, gây nguy cơ cho các bờ đê, bờ bao. Lực lượng chức năng đang gồng mình, chạy đua để bảo đảm an toàn cho đời sống nhân dân.

Giảm thượng du, lo lũ lớn hạ du

Số liệu đo thực tính đến 17 giờ chiều qua (10/9) trên sông Thao tại Yên Bái là 35,73m, cao hơn mức lũ lịch sử năm 1968 là 1,31m, đồng thời là mức lũ lịch sử cao nhất từ khi có dữ liệu quan trắc ở khu vực này. Cũng trên sông Thao tại Bảo Hà sáng qua, mực nước lũ lên tới 61,81m, bỏ xa kỷ lục được thiết lập vào năm 2008. Sông Cầu nước dâng lên 28,81m trong sáng 10/9, cũng phá vỡ kỷ lục lịch sử được thiết lập vào 65 năm trước.

Trên các dòng sông khác, ngày và đêm qua, lũ tiếp tục lên và giữ mức nước rất cao, nhiều sông vượt mức báo động 3 trong chiều qua như sông Lô, sông Thương, sông Cầu, sông Đáy, sông Hoàng Long.

Mực nước sông dâng cao kèm mưa lớn sau bão gây lũ, lũ quét, sạt lở đất, nghiêm trọng nhất tại Cao Bằng (Nguyên Bình), Lào Cai (Bát Xát, Sa Pa, Si Ma Cai, Bắc Hà), Hoà Bình (Đà Bắc), Yên Bái (Văn Chấn, Lục Yên), Tuyên Quang, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Hà Giang,… Lũ trên báo động 3 ở thượng lưu sông Lục Nam (Bắc Giang), sông Thao (Lào Cai, Yên Bái), sông Thương (Lạng Sơn), sông Gâm (Tuyên Quang),...ngập lụt nghiêm trọng tại nhiều tỉnh như Lào Cai, Yên Bái, Thái Nguyên, Bắc Giang, Tuyên Quang...

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, sáng 11/9, lũ trên các sông ở khu vực thượng lưu có dấu hiệu xuống nhưng vẫn giữ ở mức rất cao, trong khi đó lũ khu vực hạ du lại có dấu hiệu tăng nhanh.

Lũ trên sông Hồng trên mức báo động 2, dự báo đạt đỉnh vào trưa 11/9

 

Đáng lưu ý, mức nước trên sông Hồng tại Hà Nội lên rất nhanh trong ngày hôm qua và tiệm cận tới mức báo động 2. Lúc 17 chiều 10/9, nước sông Hồng ở Hà Nội lên tới 10,1, chỉ còn kém mức báo động 2 khoảng 40cm. Đây là mức lũ rất cao trên sông Hồng trong nhiều năm qua. Từ trưa qua, khi lũ lên mức 9,5m, Hà Nội đã ban bố lệnh báo động 1 trên sông Hồng tại địa phận các quận Bắc Từ Liêm, Tây Hồ, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Long Biên và các huyện Thanh Trì, Đông Anh, Gia Lâm. Tính đến 10h sáng này, mực nước thực đo trên sông Hồng tại Hà Nội là 11,02m, dưới mức lũ báo động 3 khoảng 40cm. Dự báo hôm nay (11/9), lũ trên sông Hồng tại Hà Nội sẽ đạt đỉnh.

Trên sông Thái Bình tại Phả Lại lúc 17 giờ chiều qua, nước sông lên 5,3m, ở mức báo động 2. Dự báo hôm nay, lũ trên sông Thái Bình có thể lên mức báo động 3. Lũ trên sông Thương, sông Hoàng Long cũng có khả năng đạt đỉnh trên mức báo động 3 trong hôm nay.

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cảnh báo, hôm nay mực nước các trạm hạ lưu hệ thống sông Hồng - Thái Bình có khả năng lên mức báo động 3 và trên báo động 3, gây ngập lụt sâu tại các vùng trũng thấp ven sông, bãi bồi ngoài đê chính ở Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Ninh Bình.

Cơ quan chức năng cũng khuyến cáo, lũ lớn có thể gây tràn vỡ các đê bối ven sông, sạt lở đê kè ảnh hưởng nghiêm trọng đến các vị trí xung yếu thuộc hệ thống đê, kè, công trình ven sông ở Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Ninh Bình. Do nước lũ vẫn duy trì ở mức cao, các vùng trũng thấp ven sông tại Lạng Sơn, Cao Bằng, Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Bắc Giang, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Hòa Bình tiếp tục chìm trong nước lũ.

 

Lũ quét vùi lấp cả 1 bản làng, sập nhà điều hành thủy điện ở Lào Cai

Ngày 10/9, Báo cáo thiệt hại do cơn bão số 3 tại tỉnh Lào Cai cho biết, trận lũ quét đặc biệt nghiêm trọng xảy ra tại thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh (huyện Bảo Yên) đã vùi lấp toàn bộ thôn Làng Nủ, nơi 35 hộ dân, 128 khẩu cư trú. Lực lượng cứu nạn, cứu hộ của huyện và lực lượng tại chỗ đã ứng cứu được 10 nạn nhân, tìm thấy thi thể 15 nạn nhân, còn lại rất nhiều người vẫn đang mất tích.

Cùng ngày, do sạt lở lớn từ trên sườn núi khiến lượng lớn đất đá tràn xuống nhà điều hành của Nhà máy thủy điện Đông Nam Á - Nậm Lúc ở xã Bản Cái (huyện Bắc Hà) gây sập. Một số người bị thương đã được lực lượng chức năng đưa ra khỏi điểm sạt lở, hiện còn 5 người nghi mất tích và 1 người bị thương nặng tại vị trí sạt lở.

Hà Nội sơ tán khẩn hàng nghìn dân ở phường Phúc Xá

Đêm 10/9, do mực nước sông Hồng dâng cao, UBND phường Phúc Xá, Ba Đình, Hà Nội đã phải di chuyển 276 hộ với 1.059 nhân khẩu trong khu vực nguy hiểm bờ sông Hồng thuộc phường Phúc Xá đến Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên số 67 phố Phó Đức Chính (phường Trúc Bạch) để đảm bảo an toàn cho người dân. Các cơ sở lưu trú trên địa bàn phường Trúc Bạch đã ủng hộ chăn gối, các hội đoàn thể ủng hộ nhu yếu phẩm, lực lượng cán bộ UBND, công an, y tế, dân quân thường trực đã ứng trực 24/24h để hỗ trợ chăm sóc sức khỏe, sinh hoạt. Hà Nội cũng đã cấm người dân lưu thông qua các cầu Chương Dương, Long Biên và Cầu Đuống để đảm bảo an toàn.

 

Hiệp Nguyễn
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin - Báo bạn