Cần "nắn dòng" để TPCN phát triển bền và đúng hướng

Hội thảo "Thực phẩm chức năng: Vai trò trong dự phòng, thực trạng quản lý và định hướng trong thời gian tới" do Bộ Y tế phối hợp với Tổng liên đoàn Lao động VN tổ chức diễn ra tại TP.HCM sáng 30/11 đã công bố những số liệu cho thấy Việt Nam đã thực sự bước vào "thời" của mặt hàng này.

Trên thế giới, Mỹ vẫn được coi là thị trường sản xuất và tiêu thụ TPCN lớn nhất, đặc biệt là về các sản phẩm bổ sung vi chất dinh dưỡng, tiếp theo là thị trường Tây Âu và Nhật Bản. Tại các quốc gia phát triển này, việc sử dụng TPCN của người dân để tự bảo vệ sức khỏe ngày càng gia tăng, thậm chí khoảng 70% dân số Mỹ đã sử dụng thường xuyên.

Bộ trưởng: Không nên "chối bỏ" TPCN!


Tại Việt Nam, bằng nhiều kênh phân phối khác nhau, TPCN đã đi vào đời sống người dân từ hàng chục năm qua. Trong giai đoạn 2011 - 2013, thị trường đã xuất hiện khoảng 10.000 sản phẩm, trong đó khoảng 40% là hàng nhập khẩu. Tính đến cuối 2012, gần như cả ngành dược Việt Nam đã "nhảy" vào lĩnh vực này, với con số công bố chính thức là 1.781 doanh nghiệp tham gia sản xuất. Trong cuộc cạnh tranh khốc liệt đó hàng loạt vấn đề bất cập trong quản lý đã bộc lộ khiến thị trường càng trở nên hỗn loạn.

Phát biểu tại hội thảo, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đánh giá cao vai trò phòng bệnh của TPCN và khẳng định, không nên từ chối những sản phẩm hữu ích này. Bản thân Bộ trưởng và nhiều quan chức khác của Bộ cũng đã, đang và tiếp tục sử dụng các loại TPCN do các công ty trong nước sản xuất. Tuy nhiên, trước thực trạng hiện nay, theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Tiến, cần phải ban hành chính sách quản lý kịp thời nhằm bảo vệ sức khỏe người dân và tạo điều kiện cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh TPCN phát triển lành mạnh, vì đây cũng là nguồn thu lớn của đất nước.

"Chúng ta biết rằng rất nhiều người đi du lịch, đi công tác mỗi chuyến ra nước ngoài mang về có lẽ cũng khoảng một thùng quà là TPCN. Vậy tại sao Việt Nam - với nguồn nguyên liệu phong phú, nhiều nhà máy dược phẩm đạt tiêu chuẩn, năng lực sản xuất tốt - lại không phát triển mạnh được mặt hàng này? Câu hỏi đặt ra là làm sao để đưa được ngành TPCN Việt Nam lên ngang tầm với các nước trong khu vực, phục vụ chính sức khỏe của nhân dân đồng thời là ngành hàng xuất khẩu tốt", Bộ trưởng mở ra vấn đề cho hội thảo.


Những sản phẩm TPCN thực sự tốt cho sức khỏe con người

Còn theo PGS.TS Trần Đáng, Chủ tịch Hiệp hội TPCN Việt Nam, mỗi người nên tự phòng ngừa dịch bệnh, tăng cường sức khỏe cho mình bằng các sản phẩm TPCN trước "cơn thủy triều dịch bệnh mạn tính không lây". Theo PGS.TS Trần Đáng, thái độ của cộng đồng đối với TPCN có thể xếp thành 3 đối tượng: một là những người chủ động bảo vệ sức khỏe bằng việc dùng TPCN để phòng và hỗ trợ điều trị bệnh; hai là những người thờ ơ, thiếu hiểu biết nên cứ tiếp tục duy trì những thói hư tật xấu để tự gây bệnh; và ba là những người thụ động chờ bệnh ập đến mới đi khám, chạy chữa. "Làm sao để gia tăng những người hiểu biết về việc phòng bệnh chủ động, hiểu đúng - dùng đúng TPCN chính là một trong những cách thúc đẩy sự phát triển của lĩnh vực này", ông cho biết.

Theo thống kê từ Hiệp hội TPCN Việt Nam, tỷ lệ người Việt sử dụng TPCN ngày càng nhiều, đặc biệt là tại các thành phố lớn (trên 50% số người trưởng thành đã và đang sử dụng các sản phẩm TPCN). Tuy nhiên, phần lớn người tiêu dùng đã tìm đến TPCN khi phải đối mặt với bệnh tật. "Đây là yếu tố cần tác động để thay đổi nhận thức của người tiêu dùng: phòng bệnh hơn chữa bệnh", PGS.TS Trần Đáng nhấn mạnh.

Cần khuyến khích sự tư vấn của cán bộ y tế


Tâm đắc với định hướng về việc "phát triển TPCN trên nền tảng y học cổ truyền" của VAFF, PGS. Truyền cũng cảnh báo việc cạnh tranh khốc liệt hiện nay làm rối thị trường đòi hỏi nhà quản lý phải nhanh chóng có giải pháp mạnh. "Đây là ân huệ của thế kỷ 21 đối với sức khỏe người tiêu dùng hay trò lang băm là câu trả lời của nhà quản lý. Đừng để nó trở thành lang băm", PGS. TS Lê Văn Truyền lưu ý.

Theo quy định của Luật An toàn thực phẩm, việc ghi nhãn đối với TPCN phải ghi đầy đủ cụm từ “thực phẩm chức năng” và không được thể hiện dưới bất kỳ hình thức nào về tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh.

Ở Việt Nam, bác sỹ không được phép kê đơn TPCN trong đơn thuốc. Chính vì điều này mà lâu nay TPCN được sử dụng chủ yếu thông qua quảng cáo, truyền miệng và thậm chí có cả kênh phân phối, tư vấn của những người không có kiến thức chuyên môn trong lĩnh vực y tế.

Bên cạnh đó, việc quảng cáo thực phẩm nói chung, đặc biệt là TPCN hiện rất khó kiểm soát. Nhiều tổ chức, cá nhân tự thực hiện quảng cáo trên các website, mạng xã hội, tờ rơi... mà không qua sự kiểm soát của cơ quan chức năng.

Về điều này, theo TS. Nguyễn Thanh Phong, Phó cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) - cơ quan quản lý trực tiếp sản phẩm TPCN, "Tốc độ phát triển quá nhanh trong khi các văn bản chưa theo kịp, công tác thanh tra, truyền thông đến sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng còn hạn chế. Việc kiểm nghiệm còn khó khăn trong định hàm định lượng. Sự phối hợp giữa các cơ quan trong quản lý quảng cáo chưa hiệu quả". Để tránh trường hợp người tiêu dùng "đau ở chân nhưng bồi bổ ở đầu", bên cạnh việc tiếp tục ban hành những văn bản quy định phù hợp thực tiễn, ông Phong đề nghị thay vì ngăn cấm như hiện nay, cần khuyến khích sự tư vấn của cán bộ y tế để người tiêu dùng hiểu đúng và sử dụng đúng các sản phẩm TPCN.

Còn theo PGS.TS Lê Văn Truyền - Nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, chuyên gia cao cấp dược học, thì có 5 lý do khiến thị trường TPCN bùng phát, bao gồm: Thứ nhất là sự bùng nổ các bệnh của xã hội công nghiệp và ô nhiễm môi trường. Thứ hai, người tiêu dùng đang hướng về một lối sống lành mạnh, quan tâm hơn đến các sản phẩm thiên nhiên và các biện pháp phòng bệnh. Thứ ba, công chúng ngày càng quan tâm hơn đến mối quan hệ giữa thực phẩm, chế độ dinh dưỡng và sức khỏe. Thứ tư, nhận thức về tầm quan trọng tự bảo vệ sức khỏe và phòng chống bệnh tật liên quan đến dinh dưỡng và lối sống. Thứ năm, những kết quả nghiên cứu khoa học về lợi ích của rau quả, ngũ cốc trong phòng bệnh, các chất chống ô xy hóa và các hợp chất toàn phần của thực vật có tác dụng tốt đối với sức khỏe.


Hướng phát triển của ngành TPCN Việt Nam là tận dụng, phát huy nguồn nguyên liệu thảo dược phong phú và nền y học cổ truyền hàng nghìn năm lịch sử

Ông đặc biệt nhấn mạnh rằng người tiêu dùng ngày nay đã nhận thức rất rõ việc phòng bệnh hơn chữa bệnh. "Nếu để cho bệnh xuất hiện và chữa bệnh thì chi phí lớn hơn nhiều so với phòng bệnh", ông nói.

Bên cạnh đó, PGS.TS Lê Văn Truyền cũng chỉ rõ: "Việc phân tích quy định về quản lý nhãn và công bố lợi ích sức khỏe đối với TPCN của các nước trên thế giới cũng chỉ rõ bất cập ở Việt Nam hiện nay là nhiều nhà sản xuất công bố trên nhãn rất nhiều từ khó hiểu, đưa người tiêu dùng vào ma trận. Đây là một vấn đề mà nhà quản lý phải lưu ý".

Siết chặt việc quản lý


Để siết chặt quảng cáo, TS. Nguyễn Thanh Phong, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm cho rằng cần có sự phối hợp giám sát, kiểm duyệt chặt chẽ của nhiều cơ quan chuyên môn trong việc thẩm định nội dung quảng cáo từ các Bộ Y tế, Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương và sự phối hợp với các cơ quan quản lý các đơn vị phát hành quảng cáo nhằm ngăn chặn quảng cáo không đúng sự thật.

Về phía nhà quản lý, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết trước mắt, Bộ Y tế sẽ ban hành Thông tư về TPCN, nêu rõ quy định có nên kê TPCN trong đơn thuốc hay không; quảng cáo như thế nào; quy trình hướng dẫn sử dụng TPCN...

Bộ cũng sẽ có quy định cởi mở hơn về việc bác sỹ được hướng dẫn sử dụng TPCN, nhưng về lâu dài Bộ sẽ ban hành quy định về TPCN dựa trên Nghị định của ASEAN trong vấn đề này.

Một trong những vấn đề được các nhà quản lý, khoa học đưa ra trong hội nghị là việc đánh giá tác dụng, hiệu quả của các sản phẩm TPCN đã, đang và sẽ được lưu thông trên thị trường. Theo đó, Bộ Y tế sẽ chỉ định việc tổ chức các hội đồng kiểm nghiệm, đánh giá tác dụng/ hiệu quả sản phẩm tại các bệnh viện/ trung tâm y tế trên cả nước.

Theo TS. Nguyễn Thanh Phong, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, TPCN là thực phẩm dùng để hỗ trợ chức năng của cơ thể con người, tạo cho cơ thể tình trạng thoải mái, tăng sức đề kháng, giảm bớt nguy cơ mắc bệnh, bao gồm thực phẩm bổ sung, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm dinh dưỡng y học. Tuy nhiên, hiện nay việc quản lý, sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng đôi khi còn có những bất cập. Việc hiểu không đúng, sản xuất không đúng, tiêu dùng không đúng đã dẫn đến những phản ứng trái chiều trong xã hội, có nơi "thần thánh hóa" TPCN, có nơi lại tẩy chay TPCN… đều là những quan niệm sai.

Trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ phải tiếp tục đưa ra những thông tư mới để quản lý mặt hàng TPCN sao cho phù hợp với tình hình thực tiễn. Bộ cũng sẽ sớm ban hành thông tư để quản lý lĩnh vực TPCN phát triển theo đúng hướng nhằm bảo vệ quyền lợi cho người dân một cách hiệu quả nhất.

thuychi
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin