Cảnh báo: Đột quỵ ở người trẻ tuổi đang gia tăng

Người trẻ tuổi bị đột quỵ đang ngày một trở nên nhiều hơn và độ tuổi ngày càng giảm

Các dạng đột quỵ và phương pháp cải thiện

Làm cách nào để ổn định huyết áp?

Cảnh báo nguy cơ đột quỵ tăng cao khi trời trở lạnh

6 dấu hiệu cảnh báo cơn đột quỵ nguy hiểm sắp xảy ra

Đột quỵ là một tình trạng bệnh vô cùng nguy hiểm, nhẹ có thể khiến người mắc bị bại liệt, liệt nửa người... nặng có thể dẫn đến tử vong. Trước đây, bệnh chủ yếu “nhắm vào” đối tượng là những người có tuổi. Tuy nhiên có vẻ như độ tuổi đang giảm dần khi ngày càng có nhiều người trẻ mắc đột quỵ.

Theo thống kê, chỉ trong gần 1 tháng qua, Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai đã tiếp nhận 750 ca bệnh nhân đột quỵ. PGS.TS. Mai Duy Tôn, Giám đốc Trung tâm Đột quỵ cho biết điều đáng báo động là trong số những ca bệnh đó, có tới 60 người ở độ tuổi từ 18 - 44 (gần 10%). Buồn hơn là việc họ đến bệnh viện quá muộn và mất cơ hội vàng để phục hồi.

Cũng theo PGS.TS Mai Duy Tôn, bệnh đột quỵ có nhiều dạng và rất khó lường và không chừa một ai. Mới đây, một cô giáo trẻ mới 34 tuổi, bị mệt sau đợt chấm thi căng thẳng. Sau một đêm thức dậy, bệnh nhân cảm thấy đột ngột chóng mặt, tê bì nửa người, nói hơi khó nghe. Tuy nhiên, tưởng chỉ bị mệt do căng thẳng nên bệnh nhân tiếp tục nằm nghỉ ngơi. Đến chiều tối, không thấy vợ dậy, chồng bệnh nhân đến bên giường gọi vợ thì thấy vợ ú ớ, ánh mắt mất hồn. Bệnh nhân được đưa ngay đến bệnh viện. Tuy nhiên, lúc này, bệnh nhân không còn chỉ định can thiệp lấy huyết khối, điều này đồng nghĩa rằng bệnh nhân tiên lượng xấu.

Đây chỉ là 1/60 trường hợp người trẻ bị đột quỵ được khám, cấp cứu và điều trị tại Trung tâm Đột quỵ, bệnh viện Bạch Mai.

PGS.TS. Mai Duy Tôn chia sẻ số bệnh nhân trẻ chiếm gần 10% số bệnh nhân đột quỵ nói chung tại Trung tâm. Đây là con số không nhỏ và có xu hướng ngày càng gia tăng. Điều đáng nói, phần lớn bệnh nhân nhập viện muộn và hệ lụy là mất đi cơ hội hồi phục trong giờ vàng. Lý do của việc đến viện muộn là do người trẻ thường chủ quan, không nhận diện rõ các dấu hiệu điển hình của đột quỵ và không nghĩ là đột quỵ có thể xảy ra ở người trẻ tuổi. Khi đến viện muộn, họ đã làm mất đi cơ hội vàng để phục hồi và để lại hệ lụy đáng tiếc về sức khỏe.

Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai đang tiếp nhận khá nhiều các bệnh nhân trẻ - Ảnh: VGP/Đỗ Hằng

Nói về lý do dẫn đến đột quỵ ở người trẻ tuổi, PGS.TS Mai Duy Tôn cho biết, có nhiều yếu tố liên quan đến đột quỵ như bệnh tăng huyết áp, bệnh lý chuyển hóa như đái tháo đường, béo phì, tăng mỡ máu, hút thuốc, lối sống ít vận động, không lành mạnh, làm việc căng thẳng…Theo số liệu của Hội Tim mạch Việt Nam, thì cứ 4 người từ 25 - 49 tuổi thì có một người tăng huyết áp và đây là nguyên nhân chính gây nên đột quỵ ở người trẻ. Bên cạnh đó còn là do di truyền, có sự bất thường về mạch máu dẫn đến nguy cơ vỡ hoặc tắc mạch máu gia tăng.

Dấu hiệu nhận biết đột quỵ và phương án phòng chống
Theo các chuyên gia, khi bệnh nhân bị đột quỵ não, các triệu chứng sẽ xảy ra ngay lập tức sau vài phút hoặc sau vài giờ với các dấu hiệu sau: đột ngột có cảm giác tê hay yếu liệt ở mặt, tay hoặc chân (các triệu chứng thường xảy ra ở một bên của cơ thể - nửa người); đột ngột không nói được, giọng nói bị méo hoặc bệnh nhân bị nói nhảm, vô nghĩa, không hiểu được lời nói; đột ngột mất thị lực, đặc biệt khi triệu chứng xuất hiện ở một bên mắt; đột ngột đau đầu dữ dội; chóng mặt, cơ thể bị mất thăng bằng hoặc không thể thực hiện vận động theo ý muốn…cần tới bệnh viện hoặc gọi cấp cứu để kịp “giờ vàng” chữa trị.

Theo PSG.TS Mai Duy Tôn, người trẻ không được chủ quan, cần thường xuyên khám sức khỏe để phát hiện bất thường và ngăn ngừa hay giảm nguy cơ đột quỵ. Bên cạnh đó, người trẻ cũng nên thay đổi thói quen xấu, tạo nếp sống lành mạnh bỏ thuốc lá, bỏ rượu. Nhưng người gia đình có tiền sử càng phải để ý hơn và khám sức khỏe thường xuyên hơn nhằm phát hiện sớm những nguy cơ.

  

Phương Lâm H+ (Theo Chinhphu.vn)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin - Báo bạn