Gần đây nhất, nếu Trung tâm Nghiên cứu và tư vấn về tiêu dùng (CESCON, Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ
người tiêu dùng Việt Nam) không công bố vụ bún chứa tinopal mà chờ cơ quan quản lý công bố "theo
đúng quy trình" thì không biết đến bao giờ người dân mới biết thông tin này. Trước đó, Chi cục An
toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) TP.HCM đã lấy mẫu bún tươi kiểm nghiệm và kết quả 100% mẫu bún đều
chứa chất cấm nhưng không hề công bố.
Chất bảo quản sodium benzoat vượt hàm lượng cho phép được tìm
thấy trong nhiều mẫu bún
Ông Nguyễn Tấn Bỉnh - Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho rằng: "Công bố phải theo đúng quy trình. Theo đó, sau khi lấy mẫu, sẽ xét nghiệm, nếu có kết quả như sử dụng chất phụ gia không được phép hoặc vượt quá hàm lượng, chúng tôi sẽ báo lại cho đơn vị nơi chúng tôi lấy mẫu, họ có mẫu độc lập mà trong quá trình lấy mẫu chúng tôi đã niêm phong, gửi tới cơ quan khác kiểm nghiệm để đối chứng lại. Nếu kết quả giống kết quả chúng tôi kiểm nghiệm thì họ phải chấp nhận, còn nếu kết quả khác, đơn vị sản xuất, kinh doanh không chấp nhận thì Cục ATTP sẽ làm trọng tài phân giải giữa cơ quan quản lý và nhà sản xuất, kinh doanh".
Tại hội nghị triển khai các quy định về ATTP đối với ngành nghề sản xuất, kinh doanh bún và bánh tươi trên địa bàn TP.HCM mới đây, GS-TS Chu Phạm Ngọc Sơn, Công ty CP dịch vụ khoa học công nghệ sắc ký Hải Đăng (CT Hải Đăng) cho biết, công ty này đã kiểm nghiệm nhiều mẫu bún từ tháng 6/2013 đến nay và phát hiện nhiều mẫu có chứa chất huỳnh quang tăng sáng tinopal CBS - X và chất bảo quản sodium benzoat vượt hàm lượng cho phép, nhưng việc công bố là của cơ quan quản lý. Bún chứa chất cấm CT Hải Đăng phát hiện, cùng với nhiều loại thực phẩm mà Chi cục ATVSTP TP.HCM phát hiện có chất cấm độc hại, lại phải chờ… "công bố đúng quy trình" nên người dân không được thông tin sớm hơn. Như vậy, đợi đến khi cơ quan quản lý công bố thông tin thực phẩm có chất cấm thì chất độc đã vào cơ thể nhiều người tiêu dùng!
Bình luận của bạn