Chưa già đã phế!

Mới đây, một tài xế làm việc cho một công ty tại huyện Nhà Bè, TP HCM đã tử vong khi tuổi đời mới ngoài 30. Trong lúc đưa rước nhân viên đi làm tại quận 10, anh dừng lại một điểm để chờ rước một nhân viên khác. Khi nhân viên trở ra thì phát hiện anh đã gục trên vô lăng. Anh được đưa vào cấp cứu tại một bệnh viện (BV) gần đó trong tình trạng mạch, huyết áp không đo được, đồng tử giãn.

10% bệnh nhân trên dưới 40 tuổi

Còn anh N.H.C (20 tuổi, ngụ tỉnh Long An) được các bác sĩ BV Nguyễn Tri Phương - TP HCM xác định bị nhồi máu não dẫn đến đột quỵ. Nạn nhân nhập viện trong tình trạng đau đầu dữ dội kèm theo nôn ói, sau đó rơi vào hôn mê. Các bác sĩ chạy đua thời gian cứu người sau một loạt chẩn đoán lâm sàng, hình ảnh và xét nghiệm. Những trường hợp đột quỵ trẻ tuổi như C. cách đây 10 năm rất hiếm nhưng nay lại thường gặp.

Tại các BV trên địa bàn TP HCM như 115, Nguyễn Tri Phương, Đại học Y Dược,Chợ Rẫy, số bệnh nhân liên quan bệnh lý mạch máu não, đột quỵ điều trị ngày càng đông. Chỉ riêng BV Chợ Rẫy, số bệnh nhân đột quỵ điều trị khoảng 4.000-4.500 ca/năm. TS-BS Nguyễn Huy Thắng, Trưởng Khoa Bệnh lý mạch máu não BV Nhân dân 115 TP HCM, cho biết tại khoa thường có 150-170 bệnh nhân được điều trị nội trú, trong đó gần 10% là người trẻ trên dưới 40 tuổi. Theo BS Trần Chí Cường, Trưởng Khoa Can thiệp mạch máu (DSA) BV Đại học Y Dược TP HCM, đột quỵ thường rơi vào người lớn tuổi nhưng nay có xu hướng tăng lên ở người trẻ, có cả những trường hợp 20 tuổi, 30 tuổi. Trong đó, tỉ lệ nam giới mắc phải cao gấp 4 lần nữ giới.

Theo GS-TS Lê Văn Thành, Chủ tịch Hội Phòng chống tai biến mạch máu não Việt Nam, y văn ghi nhận cứ 45 giây, toàn cầu có 1 người bị đột quỵ và 3 phút có 1 ca tử vong do bệnh này gây ra. Tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 200.000 người mắc tai biến mạch máu não. Đây là bệnh của hệ thần kinh phổ biến nhất hiện nay, với tần suất xuất hiện 1,5 ca/1.000 người/năm; tần suất này ở lứa tuổi trên 75 là 10 ca/1.000 người/năm. Riêng tại TP HCM, trong khoảng 19.000 người mắc đột quỵ mỗi năm có 1.000 trường hợp tử vong.

“Đoàn quân hủy diệt”

Theo GS-TS Lê Đức Hinh, Chủ tịch Hội Thần kinh học Việt Nam, tỉ lệ tử vong do đột quỵ rất cao, chiếm đến 50% các trường hợp. Tuy nhiên, theo thống kê số bệnh nhân đột quỵ từ các địa phương khác chuyển về BV Chợ Rẫy và Đại học Y Dược

TP HCM thì tỉ lệ tử vong lên đến 70%, nghĩa là cứ 100 bệnh nhân đột quỵ có 70 trường hợp tử vong. Số còn lại, trong đó có nhiều người trẻ, thường bị di chứng ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng cuộc sống, trở thành gánh nặng cho gia đình, xã hội bởi chưa già, họ đã thành phế nhân.



Nghiên cứu y học gần đây cũng xác định gốc tự do được xem là “sát thủ” thầm lặng, là nguồn gốc của sự lão hóa và bệnh tật. Chúng được ví như “đoàn quân hủy diệt” gây hại lên toàn bộ cơ thể con người, đặc biệt là làm tổn thương mạch máu não và bộ não. Gốc tự do gây ra hơn 60 loại bệnh khác nhau, trong đó đặc biệt nguy hiểm là các bệnh ảnh hưởng đến não bộ như suy giảm trí nhớ, sa sút trí tuệ, tai biến mạch máu não… Khi còn trẻ, hệ thống phòng thủ còn hoạt động tốt, bảo đảm kiểm soát gốc tự do ở mức độ cho phép. Nhưng đến sau tuổi 30, hệ thống phòng thủ yếu đi, cộng với tác nhân môi trường và lối sống hiện đại bất lợi cho sức khỏe, gốc tự do sinh sôi và tấn công vào các cấu trúc tế bào.

TS-BS Nguyễn Huy Thắng khuyên để phòng bệnh, cần kiểm soát các yếu tố nguy cơ, quan trọng nhất là kiểm soát sức khỏe định kỳ, huyết áp, tiểu đường, tim mạch, cholesterol trong máu, tránh các mảng xơ vữa thành mạch. Đặc biệt, thay đổi lối sống, tránh lối sống tĩnh tại, ít vận động; bỏ thuốc lá, ngưng rượu bia; hạn chế ăn nhiều mỡ, chất ngọt, chất đường, bột; ăn nhiều rau, củ, trái cây; sử dụng các thảo dược chiết xuất cung cấp dồi dào các chất chống ôxy hóa, chống gốc tự do, bảo vệ và tăng cường hoạt động não.


“Giờ vàng” sống còn

Theo các bác sĩ, khi bị đột quỵ, các tế bào não bị hoại tử và chết đi nếu sự cung cấp máu cho não không được phục hồi. Một trong những yêu cầu tối quan trọng là cấp cứu kịp thời. “Giờ vàng” để cứu thường là 3 giờ sau khi xảy ra đột quỵ. Trong giai đoạn này, cứ 1 phút trôi đi sẽ có 2 triệu tế bào thần kinh chết dần. Sau 3 giờ, nơi vùng não xảy ra tai biến và mô não cận kề vùng tai biến sẽ bị hư hại, khó phục hồi.

Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Nghiên cứu - Sản xuất