Chưa phát hiện gạo có chất gây ung thư tại Việt Nam

Trung Quốc liên tiếp phát hiện gạo không an toàn

Tháng 4-2013, Cơ quan phụ trách Thực phẩm & Thuốc của TP Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) công bố kết quả một cuộc điều tra về ẩm thực, trong đó kết luận: 44,4% gạo và sản phẩm từ gạo được tiêu thụ trên thị trường có chứa hàm lượng Cadmium (Cd) cao hơn tiêu chuẩn cho phép. Cd là kim loại nặng đứng đầu danh sách độc chất do Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (PNUE) thiết lập năm 1984. Cd và các dung dịch, các hợp chất của nó là những chất cực độc, thậm chí chỉ với nồng độ thấp, chúng sẽ tích lũy và gây hại cho cơ thể. Khi đất trồng bị nhiễm Cd thì các loại cây trồng cũng dễ dàng bị nhiễm lây và xâm nhập vào cơ thể người qua ăn uống. Các hợp chất chứa Cd cũng là chất gây ung thư. Ngoài tổn thương thận, người bệnh còn mắc các chứng loãng xương và nhuyễn xương. Hiện nay, chưa có phương pháp giải độc Cd hữu hiệu. Do đó phòng ngừa là chủ yếu, không nên sử dụng các thực phẩm nghi ngờ có Cd.


Phần lớn lượng gạo trên thị trường là gạo Việt Nam

Đây không phải lần đầu tiên gạo Trung Quốc bị nhiễm chất gây ung thư Cd. Vào đầu năm 2011, đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc đã công bố kết quả điều tra của Đại học Nông nghiệp Nam Kinh về chất lượng gạo. Tổ nghiên cứu lấy hơn 100 mẫu gạo trên thị trường ở 6 khu vực (Hoa Đông, Đông Bắc, Hoa Trung, Tây Nam, Hoa Nam và Hoa Bắc). Kết quả cho thấy 10% số mẫu có hàm lượng kim loại nặng Cd vượt tiêu chuẩn. Tại các tỉnh như Giang Tây, Hồ Nam, Quảng Đông, tỉ lệ này trên 60% số mẫu. Tổ nghiên cứu kết luận, phần lớn mẫu gạo nhiễm Cd được trồng tại miền Nam. Ngoài ra, Trung tâm Kiểm nghiệm giám sát chất lượng sản phẩm và gạo thuộc Bộ Nông nghiệp Trung Quốc đã từng khảo sát với kết quả nhiều loại gạo bị nhiễm kim loại nặng, trong đó tỉ lệ nhiễm chì trên 28,4% và nhiễm Cd 10,3%. Theo nhận định từ các cơ quan của Trung Quốc, việc gạo nhiễm Cd là do đất trồng bị ô nhiễm.

Việt Nam không nhập khẩu gạo Trung Quốc

Việc gạo Trung Quốc nhiễm độc khiến người tiêu dùng Việt Nam lo lắng vì rất có thể xảy ra tình trạng nhập lậu gạo Trung Quốc kém chất lượng với giá rẻ, trộn vào gạo Việt Nam. Chị Nguyễn Thu Huệ ở đường Huỳnh Thúc Kháng quận Đống Đa lo lắng: “Không thể phân biệt bằng mắt thường được loại gạo nhiễm độc đó? Trên thị trường có loại gạo này trà trộn vào gạo thường để bán cho người tiêu dùng không?”

Trả lời về lo lắng này, ông Phạm Văn Bảy, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho rằng, chưa xuất hiện loại gạo nhập khẩu từ Trung Quốc, mặc dù Việt Nam có nhập khẩu một lượng gạo nhất định nhưng chủ yếu là gạo chất lượng cao do Thái Lan, Đài Loan (Trung Quốc) sản xuất. Thống kê nhập khẩu gạo chính ngạch của Bộ Công Thương cho thấy, năm 2011, tổng lượng gạo nhập khẩu vào Việt Nam là 5.800 tấn, năm 2012 là 27.600 tấn, 6 tháng đầu năm 2013 là gần 13.000 tấn. Nếu so với mức tiêu thụ gạo trong nước khoảng 19 - 20 triệu tấn/năm, thì lượng gạo nhập khẩu không đáng kể.

Ông Nguyễn Xuân Hồng, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật khẳng định, ngay sau khi có thông tin gạo Trung Quốc nhiễm Cd, Cục đã chỉ đạo các trạm kiểm dịch cửa khẩu kiểm tra. Kết quả cho thấy, chưa ghi nhận lô hàng gạo nhập khẩu nào từ Trung Quốc về Việt Nam. Hơn nữa, trong giao thương mặt hàng gạo giữa hai nước, Trung Quốc hiện là nước nhập khẩu tới 1/3 tổng lượng gạo xuất khẩu hàng năm của Việt Nam. Vì vậy, việc gạo Trung Quốc xuất ngược sang Việt Nam hầu như không có. Cũng theo ông Nguyễn Xuân Hồng phân tích, gạo nhiễm Cd là do từ đất và nước bị nhiễm. “Đất, nước ở khu công nghiệp khai khoáng có nguyên tố Cd, xả ra ngoài môi trường gây nhiễm đất và nước trồng trọt. Cd từ đất, nước thẩm thấu vào cây lúa và tồn tại ở hạt gạo”.

Còn theo đại diện Chi cục QLTT Hà Nội, đến thời điểm này, Chi cục QLTT vẫn chưa nhận được bất kỳ thông tin nào về việc gạo Trung Quốc được nhập lậu, xuất hiện trên thị trường. Trong thời gian tới, lực lượng QLTT sẽ phối hợp với ngành nông nghiệp tăng cường kiểm tra việc kinh doanh gạo trên địa bàn TP.
vanhuong
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin