Có cần bổ sung vitamin khi mang thai?

1. Vì sao cần bổ sung vitamin khi mang thai?

Bữa ăn hàng ngày có thể không cung cấp đủ các vi chất cần thiết cho cơ thể, đặc biệt là phụ nữ mang thai cần bổ sung nhiều dưỡng chất. Theo kết quả của một cuộc điều tra của Mỹ cho thấy, khoảng 50% bà bầu hấp thu quá ít calci, magiê, sắt, kẽm trong các bữa ăn hàng ngày… Vì thế, các bác sĩ khuyến cáo mẹ bầu nên uống bổ sung thêm các loại vitamin khi mang thai.


Các bác sĩ khuyến cáo mẹ bầu nên bổ sung thêm các loại vitamin

2. Thời điểm tốt nhất để bổ sung vitamin khi mang thai?

Để có một thai kỳ khỏe mạnh, bạn gái nên chuẩn bị ít nhất 3 tháng trước khi có thai. Ngoài việc tuân thủ chế độ ăn uống lành mạnh, sinh hoạt điều độ, tiêm vaccine phòng bệnh, bạn gái cần bổ sung thêm các loại vitamin, đặc biệt là acid folic (giảm nguy cơ dị tật do khiếm khuyết ống thần kinh thai nhi).

Theo tài liệu của Viện dinh dưỡng cung cấp năm 2000, bà bầu bổ sung acid folic ngay khi biết mình có thai là quá muộn.

3. Nên bổ sung những loại vitamin nào?

Acid folic

Bác sĩ Nguyễn Thị Yến, Phó trưởng khoa Dinh dưỡng (Viện Nhi Trung ương) cho biết: “Acid folic rất cần thiết cho cơ thể, nhất là với phụ nữ có thai. Việc thiếu chất này có thể gây ra bệnh thiếu máu nguyên hồng cầu khổng lồ và nhiều vấn đề khác.” Với phụ nữ mang thai, acid folic giúp giảm nguy cơ dị tật do khiếm khuyết ống thần kinh thai nhi. Thiếu acid folic làm giảm tốc độ tổng hợp AND và hoạt động phân bào trong mỗi tế bào.

Tuy nhiên, cơ thể thừa acid folic lại vô cùng nguy hiểm. Những triệu chứng thường gặp như: tăng sinh tế bào, thoái hóa tủy sống bán cấp… Giáo sư Hoàng Tích Huyền, Chủ nhiệm Trung tâm Theo dõi phản ứng có hại của thuốc (thuộc Bộ Y tế) cho biết: “Thừa acid folic có thể gây ra chứng ngứa, nổi ban, nổi mề đay và rối loạn tiêu hóa.

Liều lượng acid folic bao nhiêu là đủ? Thông thường, các bác sĩ sẽ kê cho bạn khoảng 400-800 mcg acid folic. Tuy nhiên, tùy tình trạng cơ thể và sức khỏe của từng thai phụ, bác sĩ sẽ chỉ định liều lượng cho phù hợp.


Acid folic giúp giảm nguy cơ dị tật do khiếm khuyết ống thần kinh thai nhi

Sắt

Trong mỗi giai đoạn của thai kỳ, nhu cầu sắt của mẹ bầu lại khác nhau. Nhu cầu về sắt sẽ gia tăng sau tuần thai thứ 20 để đáp ứng đủ lượng máu, tránh nguy cơ thiếu máu cho mẹ và sự phát triển bình thường của bé. Sau tuần thai thứ 20, khối lượng máu trong cơ thể người mẹ cần tăng gấp đôi để cung cấp đủ chất dinh dưỡng và oxy nuôi em bé.

Liều lượng sắt bao nhiêu là đủ? Tùy theo thể trạng của người mẹ, bác sĩ sẽ kê đơn bổ sung sắt cho phù hợp. Thông thường, người mẹ cần bổ sung thêm 30 mg sắt.

Calci

Cơ thể em bé cần rất nhiều calci để phát triển hệ xương. Calci sẽ được lấy từ cơ thể của người mẹ. Vì thế, mẹ bầu cần bổ sung đầy đủ calci trong suốt thai kỳ. Thiếu calci là nguyên nhân hàng đầu khiến các bà bầu bị loãng xương khi đến tuổi trung niên.

Liều lượng calci bao nhiêu là đủ? Thông thường, mẹ bầu nên bổ sung đủ 250 mg calci mỗi ngày.

Vitamin D

Theo tiến sĩ Bùi Thị Nhung (Viện Dinh dưỡng), Vitamin D giúp hấp thụ calci tốt hơn, thuận lợi cho quá trình tạo xương cho bé. Không những thế, vitamin còn giúp ổn định huyết áp cho bà bầu.

Liều lượng Vitamin D bao nhiêu là đủ? Mẹ bầu nên bổ sung khoảng 400-800 IU vitamin D/ngày. Tuy nhiên, nếu bạn là người ăn chay hay có các vấn đề về xương, bác sĩ có thể kê đơn 2.000 IU vitamin D/ngày.


Vitamin D giúp hấp thụ calci tốt hơn, thuận lợi cho quá trình tạo xương cho bé

Magiê

Magiê là dưỡng chất quan trọng cho sự phát triển hệ xương của thai nhi. Với mẹ bầu, magiê làm giảm các cơn đau nhức cơ và thư giãn hơn. Lượng magiê cần thiết là 400 mg.

Vitamin C

Vitamin C đặc biệt cần thiết trong việc chống oxy hóa, tăng hấp thụ chất sắt ở cả người mẹ và thai nhi, làm tăng tổng hợp máu cho cơ thể, chuyển acid folic từ dạng không hoạt động sang hoạt động. Ngoài ra, vitamin C còn làm tăng khả năng miễn dịch của cơ thể.

Liều lượng vitamin C bao nhiêu là đủ? Khi mang thai, các mẹ bầu cần bổ sung vitamin C khoảng 50 mg/ngày là đủ.

DHA và EPA

DHA và EPA là những dưỡng chất quan trọng đối với sự phát triển và chức năng của não, thần kinh và mắt của em bé. Thậm chí, những dưỡng chất này còn có thể ngăn ngừa sinh non, giúp người mẹ giảm trầm cảm khi mang thai và sau khi sinh, giảm nguy cơ mắc chứng tiền sản giật trong thai kỳ. Lượng DHA và EPA cần thiết là 250 mg mỗi ngày.

CTV4
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Kinh doanh - Tiêu dùng