Cơ hội cho ngành thực phẩm đồ uống

Năm năm qua, ngành thực phẩm và đồ uống tăng trưởng nhanh cả về số lượng và chất lượng, được đánh giá là ngành có tiềm năng lớn, đặc biệt là tại các thành phố và thị trấn, nơi có mức sống ngày càng được cải thiện.

Theo Tổ chức giám sát kinh doanh quốc tế (BMI), Việt Nam là thị trường năng động với dân số gần 89 triệu người, đa phần nằm trong độ tuổi lao động, cùng với đó là tỷ lệ tăng trưởng chi tiêu của người tiêu dùng đạt 8% (giai đoạn 2011 - 2020) - mức tiêu thụ cao nhất ASEAN.Theo ước tính của BMI, ngành thực phẩm và đồ uống của Việt Nam có tốc độ tăng trưởng kép, đạt 9,43%. Trong đó, doanh thu ngành thực phẩm đóng hộp là 5,17%, bánh kẹo là 4,65%, đồ uống có gas tăng 6,9%.



Khách tham quan triển lãm và tìm cơ hội kinh doanh tại Triển lãm Vietfood & Beverage 2013

Song song với sự tăng trưởng của ngành, mức tiêu thụ thực phẩm bình quân đầu người của Việt Nam cũng tăng 4,3%/năm, đạt khoảng 5,8 triệu đồng/năm (316 USD/năm). Nhu cầu tiêu dùng thực phẩm và đồ uống tăng cao nên Việt Nam là thị trường tiềm năng cho các nhà đầu tư. Ở mức gần hơn, dự báo của Bộ Công Thương cho thấy, tiêu thụ thực phẩm của Việt Nam giai đoạn 2011 - 2016 tiếp tục tăng 5,1%, ước đạt 29,5 tỷ USD. Trong đó, ngành thực phẩm đóng hộp của Việt Nam sẽ tăng 4,3% về số lượng và 10,4% về giá trị doanh số bán hàng.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa cho rằng, triển vọng đối với ngành đồ uống của Việt Nam rất sáng sủa. Ngành đồ uống có cồn tiếp tục thu hút được nhiều vốn đầu tư nước ngoài. Trong đó, nổi bật là các thương hiệu Diageo, Asia Pacific Breweries (APB) và Carlsberg. Dự báo, trong giai đoạn từ năm 2011 đến 2016, doanh số của ngành sẽ tăng 7,5%, doanh thu sẽ tăng 10,5% khi mà người tiêu dùng bắt đầu sử dụng các loại đồ uống có giá trị cao hơn.

Nhận định thị trường đồ uống và thực phẩm còn nhiều tiềm năng phát triển và cũng tạo cơ hội cho doanh nghiệp trong nước tiếp cận công nghệ mới từ nước ngoài cũng như tìm kiếm đầu ra, Bộ Công Thương đã hỗ trợ Hội Lương thực Thực phẩm TP.HCM (FFA), Hiệp hội Bia Rượu Nước giải khát Việt Nam (VBA), Hiệp hội Chè Việt Nam và Công ty Vinexad tổ chức Triển lãm Vietfood & Beverage 2013. Triển lãm diễn ra tại Trung tâm Triển lãm và Hội chợ Quốc tế Tân Bình (từ ngày 11 - 14/9), dự kiến thu hút 10.000 khách tham quan và tìm kiếm cơ hội đầu tư. Tại đây, 268 doanh nghiệp đến từ 18 quốc gia và vùng lãnh thổ như Ý, Mỹ, Nhật, Hà Lan, Czech, Ấn Độ, Hàn Quốc, Malaysia, Trung Quốc, Thái Lan, Hồng Kông… đã mang đến những sản phẩm, công nghệ mới đến "chào hàng" với doanh nghiệp Việt Nam.


Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa thăm và trao chứng nhận tham gia triển lãm cho Vissan


Ngay ngày đầu tiên diễn ra triển lãm, số lượng khách tham quan, tìm kiếm cơ hội kinh doanh khá đông. Bà Nataliya Pavlovskaya, đại diện Tập đoàn Meat Dairy Company (Belarus) cho biết, tập đoàn đang muốn mở rộng tại thị trường Việt Nam và Vietfood & Beverage 2013 là sự kiện mong đợi nhất của doanh nghiệp này khi tiếp cận thị trường. Meat Dairy Company mang tới triển lãm sản phẩm pho-mat, sữa chua, sữa và các sản phẩm chế biến từ sữa. Ngoài ra, tập đoàn này cũng giới thiệu thịt bò, thịt gia cầm được nuôi và chế biến theo quy trình sạch, theo tiêu chuẩn châu Âu.

Không chỉ có doanh nghiệp nước ngoài, triển lãm còn "hút" đến 150 doanh nghiệp Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực thực phẩm và đồ uống. Trong đó, nhiều thương hiệu lớn trong lĩnh vực này như Vissan, Yến sào Khánh Hoà… cũng đã giới thiệu với nhà nhập khẩu những "sản phẩm sạch" theo tiêu chuẩn từ nguồn gốc xuất xứ, nguyên liệu cho đến chế biến, đóng gói.

Ngoài sản phẩm mới, công nghệ mới, những cuộc giao thương giữa doanh nghiệp Việt Nam và nước ngoài đang diễn ra sôi nổi. Triển lãm là hoạt động mà các doanh nghiệp trông chờ và thu lại nhiều lợi ích. Năm 2012, đã có đến 70% khách hàng hài lòng và quyết định việc giao thương, hợp tác cùng nhau thông qua triển lãm.

songha
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Nghiên cứu - Sản xuất