Có nên dùng microlax bébé thường xuyên?

Con tôi 14 tháng tuổi. Từ lúc được 8 tháng, cháu đã thường xuyên bị táo bón. Tôi đã cho cháu đi khám, bác sĩ chẩn đoán cháu bị hẹp cơ thắt hậu môn và cho cháu dùng thuốc bơm vào hậu môn microlax bébé đồng thời dặn dò chế độ ăn lỏng, nhiều chất xơ... Vậy tôi có thể cho cháu dùng microlax bébé thường xuyên được không.

Thu Hoài (Hà Nội)



Táo bón là một bệnh ít gặp hơn so với bệnh tiêu chảy ở trẻ em nhưng cũng gây ra không ít khó chịu cho trẻ và người nuôi dưỡng bé. Trẻ bị táo bón thường bực tức, không được vui vẻ, ăn uống kém hơn trẻ khác do sự điều hòa tiêu hóa thiếu cân bằng. Thường vài ngày trẻ mới đi ngoài một lần, phân rắn, trẻ phải mất nhiều lực mới tống xuất được phân.

Con bạn bị táo bón đã được bác sĩ chẩn đoán nguyên nhân thực thể và dùng thuốc. Theo dược điển, microlax bébé có chứa sorbitol 70% dạng tinh thể, thuốc thúc đẩy sự hydrat - hóa các chất chứa trong ruột. Sorbitol kích thích tiết cholecystokinin - pancreazymin và tăng nhu động ruột nhờ tác dụng nhuận tràng thẩm thấu, do vậy kích thích việc tống xuất phân dễ dàng hơn. Thuốc được chỉ định điều trị triệu chứng táo bón cho trẻ em do các nguyên nhân ở vùng trực tràng và hậu môn, dùng thụt tháo cho bệnh nhi chuẩn bị nội soi trực tràng... Không dùng microlax bébé cho bệnh nhi đang trong đợt cấp của trĩ, rò hậu môn hay viêm đại tràng xuất huyết. Chỉ nên dùng microlax bébé trong điều trị táo bón cấp tính cho bé, không nên dùng kéo dài vì có thể gặp tác dụng phụ là gây cảm giác rát bỏng tại chỗ, thậm chí gây viêm đại trực tràng sung huyết.

Cháu bé bị táo bón do hẹp cơ thắt hậu môn, do vậy, chị nên cho bé ăn thức ăn mềm, lỏng, nhiều chất xơ và hoa quả, uống nhiều nước để dễ tiêu hóa và làm mềm phân. Chị có thể tham khảo các phương pháp tác động nhẹ bên ngoài hậu môn để kích thích phản xạ đi ngoài cho bé. Chỉ nên dùng thuốc microlax bébé khi thật cần thiết. Cháu còn quá nhỏ và cơ chế hoạt động của các cơ quan chưa thật hoàn chỉnh, do vậy, việc dùng thuốc microlax bébé thường xuyên có thể sẽ khiến bé bị lệ thuộc thuốc, ảnh hưởng tới phản xạ đi ngoài tự nhiên của bé. Như vậy, tình trạng táo bón càng nặng hơn, việc điều trị sẽ khó khăn. Khi cháu lớn hơn, chị nên đưa cháu đi khám để bác sĩ có những giải pháp chữa trị.

DS. Minh Trung

Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Hỏi đáp Phòng bệnh & Điều trị