Công nghiệp 4.0 và những tác động đến ngành công nghiệp dược

Cách mạng công nghiệp 4.0 có nhiều tác động đến ngành công nghiệp dược

Những sự cố thường gặp khi đi du lịch và cách khắc phục bằng công nghệ

11 bí mật mà ngành công nghiệp làm đẹp không muốn bạn biết

Thu hồi 2 danh hiệu Huy chương Vàng vì sức khỏe cộng đồng

Công thức nước ép kết hợp từ cà chua và các loại trái cây

Khái niệm Công nghiệp 4.0

Công nghiệp 4.0 (Industry 4.0) là thuật ngữ rút gọn của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (Industrial Revolution 4.0). Thuật ngữ “Công nghiệp 4.0” bắt nguồn từ một dự án chiến lược công nghệ cao của Chính phủ Cộng hòa Liên bang Đức về xúc tiến quá trình điện toán hóa (Computerization) nền sản xuất hàng hóa.
Công nghiệp 4.0 là quá trình thay đổi mô hình sản xuất và/hoặc kinh doanh, tạo ra doanh thu và giá trị mới bằng công nghệ số (Digital Transformation) với đòn bẩy của công nghệ nền thế hệ thứ ba (Third Platform Technology) bao gồm: Điện toán di động, mạng xã hội, điện toán đám mây (i-Cloud Computing) và các gói dữ liệu lớn (Big Data), internet kết nối vạn vật (IoT: Internet of Thing), công nghệ giám sát vận hành (OT: Operational Technology), công nghệ người máy (Robotics)… Tất cả các công nghệ nói trên sẽ tạo ra các nhà máy kết nối, phân quyền, phân cấp một cách thông minh trong sản xuất (Smart Decentralised Manufacturing), hệ thống tự tối ưu hóa (Self-optimising System) và chuỗi cung ứng số hóa trong môi trường của hệ thống thực - ảo (Cyber - physicalSystem) bao gồm phần cứng và phềm mềm kết nối qua mạng không dây hoặc điện toán đám mây. 
Công nghiệp 4.0 sẽ đẩy mạnh xu hướng tự động hóa và trao đổi dữ liệu trong công nghệ và quá trình sản xuất
Một định nghĩa ngắn gọn hơn về Công nghiệp 4.0 là quá trình chuyển đổi mạnh mẽ bởi công nghệ thông tin (Information - incentive Transformation) của nền sản xuất trong môi trường kết nối dữ liệu, con người, quy trình/quá trình, dịch vụ, hệ thống và cơ sở sản xuất với việc tạo ra các hệ sinh thái sản xuất mới (New Manufactoring Ecosystems), trên cơ sở công nghệ số là đòn bẩy và sử dụng các thông tin như là phương tiện để thực hiện nhà máy thông minh.
Công nghiệp 4.0 sẽ đẩy mạnh xu hướng tự động hóa và trao đổi dữ liệu trong công nghệ và quá trình sản xuất, bao gồm hệ thống thực - ảo (Cyber-physical System), internet kết nối vạn vật (Internet of Things), điện toán đám mây (i-cloud Computing) và điện toán nhận thức (Cognitive Computing) mô phỏng tư duy của con người. Công nghiệp 4.0 sẽ tạo ra các nhà máy thông minh (Smart Factory) trong những nhà máy ấy, hệ thống thực - ảo sẽ điều hành các quá trình vật lý của sản xuất, tạo nên phiên bản ảo (Virtual Copy) của các hoạt động sản xuất và thực hiện các quyết định phân cấp/phân quyền (Decentralised Decision). Thông qua điện toán đám mây, các hệ thống thực - ảo sẽ giao tiếp và hợp tác với nhau và với con người một cách tức thời (Real Time) và thông qua các dịch vụ internet, các dịch vụ nội bộ và dịch vụ xuyên tổ chức (Cross-organizational Services) sẽ tạo ra một chuỗi giá trị cho tất cả những người sử dụng dịch vụ.
Tác động của Công nghiệp 4.0
Công nghiệp 4.0 cho phép nhà sản xuất có cái nhìn toàn diện về các công đoạn của quá trình sản xuất và buộc nhà sản xuất có trách nhiệm thông tin về nguyên liệu, về kiểm kê hàng hóa, chất lượng, về lãng phí, về kết quả đầu ra và về khách hàng … nhằm bảo đảm các cơ hội cải tiến, tiết kiệm nguồn lực tài chính, cải thiện sự hài lòng của khách hàng và cải thiện quan hệ với nhà cung cấp.
Việc kết nối các thiết bị, con người, quá trình/quy trình, dịch vụ và hệ thống cung ứng bổ sung cho IoT và Công nghiệp 4.0. Thời đại của “công nghệ nhúng” (Embedded Technology) chính là phương thức các thông tin và các thiết bị này được kết nối với nhau và sẵn sàng chờ lệnh từ đầu ngón tay của người sử dụng. Lợi thế của công nghệ này rất quan trọng đối với các nhà sản xuất trong thời đại cạnh tranh thị trường toàn cầu.
Công nghệ 4.0 là cuộc cách mạng lần thứ 4 của thế giới trong việc thay đổi cách thức và quá trình sản xuất
Tiếp cận được với các thông tin có ý nghĩa giúp cho người quản lý sản xuất/dịch vụ có cái nhìn rõ ràng hơn về các công đoạn của quá trình/quy trình, cho phép phân tích tốt hơn thực trạng và có thể đưa ra các quyết định tức thời (Real Time) và có trách nhiệm để cải tiến liên tục và đạt được các quá trình/quy trình ưu việt. Theo các nhà phân tích, nền công nghiệp sản xuất/chế biến (Manufacturing Industry) sẽ được hưởng lợi nhiều nhất bởi internet kết nối vạn vật, và do đó cũng tác động đáng kể đến công nghiệp dược và công nghiệp y tế.
Tuy nhiên, công nghiệp 4.0 cũng đặt ra nhiều thách thức.Trước hết, công nghiệp 4.0 sẽ tác động đến các vấn đề về an toàn công nghệ thông tin. Vấn đề bảo mật ngày càng trở nên cực kỳ quan trọng bởi nhu cầu nội tại của việc thay thế hệ thống sản xuất khép kín trước đây bằng một hệ thống mở. Việc sử dụng quá trình truyền dữ liệu từ thiết bị này sang thiết bị khác trong sản xuất (Machine to Machine Communication) đòi hỏi quá trình giao tiếp giữa các thiết bị trong sản xuất phải hết sức đáng tin cậy và ổn định, với độ trễ (Latency) cực ngắn. Mặt khác, cần bảo đảm sự toàn vẹn của quá trình sản xuất, ngăn ngừa các “lỗ thủng” công nghệ thông tin có thể gây ra các sự cố gián đoạn, ngừng trệ quá trình sản xuất và các tổn thất lớn về kinh tế, kể cả các cuộc “tấn công mạng”. Việc ứng dụng mạnh mẽ và phổ biến công nghệ thông tin cũng đòi hỏi phải tăng cường bảo vệ các bí quyết công nghiệp. Việc ứng dụng rộng rãi quá trình tự động hóa, sử dụng người máy công nghiệp và kiểm soát quá trình sản xuất bằng công nghệ thông tin có thể đưa đến việc tinh giản bộ máy quản lý và cắt giảm lực lượng nhân sự, đặc biệt nhân sự trình độ thấp, gây ra các hệ lụy cho xã hội.  
Công nghiệp 4.0 và Công nghiệp dược
Công nghiệp dược truyền thống khá bảo thủ và người ta có thể viện dẫn vô số lý do từ quy chế cho đến ngân sách tài chính để biện minh cho việc chậm trễ trong tiếp thu các công nghệ mới. Tuy nhiên, chắc chắn chúng ta sẽ chứng kiến những thay đổi mạnh mẽ và đầy sáng tạo trong công nghiệp dược phẩm trong những năm trước mắt khi Công nghiệp 4.0 đang trở thành một cuộc cách mạng công nghệ trên toàn cầu.
Sản xuất dược phẩm trong thời đại số hóa (Digital Era)
Trong tương lai gần, trong các nhà máy dược phẩm, công nghệ phân tích quy trình (PAT: Process Analytical Technology), đã được thảo luận rất nhiều và thử nghiệm ở quy mô pilot trong các tậpđoàn và công ty dược phẩm hàng đầu trong hàng chục năm qua nhưng chưa được áp dụng rộng rãi ở quy mô lớn, chắc chắn sẽ trở thành hiện thực trong các nhà máy dược phẩm hiện đại. Sẽ có hàng trăm, thậm chí hàng ngàn thiết bị thông minh được kết nối, hoặc nói như thuật ngữ công nghệ thông tin, được “nhúng” (embedded) vào các quá trình và công nghệ sản xuất dược phẩm, để thu thập các dữ liệu và thông tin một cách “tức thời” (Real Time), ví dụ trong các nhà máy được điều hành bằng hệ thống SCADA (Supervisory Control and Data Acquisition), để thay thế cho việc thực hiện các phép kiểm tra chất lượng theo truyền thống. Các “nhà máy dược phẩm thông minh”sẽ không còn sản xuất dược phẩm theo lô (Batch Process) mà là một quá trình sản xuất liên tục (Continuous Production) được thực hiện bởi các thiết bị và công cụ thông minh có khả năng giao tiếp với nhau (Machine to Machine Communication) và với con người (Human Machine Interface).
Với công nghiệp 4.0, thế giới sẽ chứng kiến những thay đổi mạnh mẽ và đầy sáng tạo trong công nghiệp dược phẩm trong những năm tới
Xử lý dữ liệu thông minh - Chất lượng dược phẩm tốt hơn
Sẽ diễn ra việc số hóa một khối lượng khổng lồ các dữ liệu sản xuất theo truyền thống vẫn in trên giấy và/hoặc ghi chép trong sổ sách, Chắc chắn internet kết nối vạn vật sẽ hoàn toàn thực hiện một cuộc cách mạng trong công việc này. Hàng ngàn tỷ byte (Terabyte) dữ liệu điện tử về sản xuất/kinh doanh trong các nhà máy/công tysẽ được tạo ra và lưu trữ thay vì phải xây dựng các kho đểlưu trữ văn bản dữ liệu (theo yêu cầu của nhà sản xuất và yêu cầu của cơ quan quản lý).  Các nhà sản xuất - kinh doanh dược phẩm sẽ ứng dụng các giái pháp “thuật toán đám mây” được hỗ trợ bởi công nghệ “chuỗi khối” (block chain) phân cấp lưu trữ thông tin trong các khối dữ liệu liên kết với nhautrong đó các hoạt động của hệ thống sẽ được ghi lại tức thời theo thời gian. Tất cả các công nghệ này sẽ thách thức “não trạng” truyền thống của các nhà quản lý và các doanh nghiệp về các khái niệm “lưu trữ dữ liệu”, bảo đảm “sự toàn vẹn của dữ liệu”, về “bí mật” và “bảo mật”dữ liệu (Data Privacy and Protection). Các dữ liệu sẽ được xử lý một cách thông minh, kết nối với các phân tích và hợp nhất với thông tin của người sử dụng cuối cùng (End User), cho phép sản xuất ra các sản phẩm chất lượng tốt hơn, có hiệu quả và hiệu dụng tốt hơn.
TÀI LIỆU THAM KHẢO CHÍNH
[1] Ming Chua, Internet of Things and Pharmaceutical Industry, Halfmann Goetsch & Partner Group, July 2017
[2] Hermann, Peutek Otto, Design Principle for Industry 4.0 Scenario, 2016
[3] Jens Alexander Hartmann, The Industry 4.0 and what can learn from other industries, https://www.linkedin.com/.../industry-40-what-pharma-can-learn-from-other-hartman...
[4] Internet of Things, Industry 4.0 and the Pharmaceutical Manufacturing Sector, 8th Dec, 2016, https://www.manufacturingchemist.com/category/manufacturing




PGS.TS Lê Văn Truyền (Chuyên gia cao cấp Dược học - Nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Góc nhìn quản lý