Cục ATTP: Đảm bảo an toàn thực phẩm dịp Tết Nguyên đán 2014

Tình trạng ngộ độc giảm


Tuyên truyền kiến thức tiêu dùng giúp người dân phòng tránh được các vụ ngộ độc thực phẩm

Năm 2013, số vụ ngộ độc thực phẩm giảm. Toàn quốc ghi nhận có 160 vụ ngộ độc thực phẩm, với 5.238 người mắc, 4.700 người đi viện và 28 người tử vong. Số vụ ngộ độc thực phẩm lớn (trên 30 người) là 37 vụ với 4.000 người mắc, 3.648 người đi viện và không ghi nhận trường hợp tử vong. (So với năm 2012, giảm 5 vụ ngộ độc thực phẩm, số người mắc giảm 102 người, số người đi viện tăng 404 người và số người tử vong giảm 6 người. Số vụ ngộ độc thực phẩm lớn (trên 30 người) không đổi, số mắc giảm 112 người). Đặc biệt là các vụ ngộ độc nấm tại vùng cao, vùng sâu, vùng xa cũng giảm mạnh trong năm 2013. Ghi nhận thành tích này, Cục trưởng Trần Quang Trung khẳng định vai trò tuyên truyền của các cơ quan truyền thông, đặc biệt là Đài Tiếng nói Việt Nam trong việc tuyên truyền cho đồng bào dân tộc thiểu số bằng tiếng địa phương. Trong thời gian tới, việc tuyên truyền đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm bằng tiếng dân tộc sẽ được đẩy mạnh, không chỉ ở các tỉnh vùng núi phía Bắc mà sẽ được mở rộng ở vùng Tây Nguyên, vùng Kh'me.

Đảm bảo an toàn thực phẩm cho dịp Tết

Theo Cục trưởng Trần Quang Trung, dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán và mùa lễ hội sau Tết có đặc thù là nhu cầu tiêu dùng thực phẩm tăng lên, đặc biệt là các loại bánh kẹo, mứt, thịt, gia cầm, rau củ tăng cao đột biến. Theo đó, số lượng các cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm và các dịch vụ kinh doang thực phẩm phục vụ dịp Tết tăng đáng kể; Tình trạng buôn lậu hàng thực phẩm qua biên giới còn nhiều diễn biến phức tạp, trong đó các mặt hàng tăng đột biến là bánh kẹp, rượu, thực phẩm khô, trái cây, phụ gia thực phẩm, gia cầm, nông thủy sản...; Nhu cầu dịch vụ ăn uống cũng tăng cao trong dịp này... khiến việc quản lý an toàn thực phẩm nói chung, thực phẩm đường phố, an toàn thực phẩm các khu du lịch, các khu vực lễ hội... gặp nhiều khó khăn.


Cục trưởng Trần Quang Trung khẳng định Cục sẽ nêu tên những cơ sở/sản phẩm vi phạm Luật An toàn thực phẩm

Trước tình hình đó, Ban chỉ đạo liên ngành Vệ sinh an toàn thực phẩm Quốc gia, Cục ATTP đã chỉ đạo các Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm địa phương đẩy mạnh việc kiểm tra, kiểm soát cơ sở sản xuất, phân phối thực phẩm, trong đó tập trung vào các cơ sở sản xuất, kinh doanh các mặt hàng tiêu thụ lớn trong dịp Tết như bia, rượu, bánh kẹo, thịt gia súc, gia cầm, mứt... Ban chỉ đạo liên ngành cũng đã thành lập 9 đoàn thanh tra, kiểm tra tại nhiều tỉnh, thành phố trọng điểm trong cả nước, tập trung tại 2 thành phố lớn là HN, TP.HCM và các tỉnh có cửa khẩu. Việc xử lý các cơ sở vi phạm sẽ được công bố rộng rãi trên website của Cục ATTP và các phương tiện thông tin đại chúng.

Nhấn mạnh vào vấn đề này, Phó Cục trưởng Nguyễn Thanh Phong cũng nhấn mạnh vào vai trò tuyên truyền của cơ quan truyền thông, phương tiện thông tin đại chúng trong việc tuyên truyền cho cộng đồng về đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Theo TS. Nguyễn Thanh Phong, bên cạnh việc tuyên truyền về khoa học tiêu dùng (lựa chọn, bảo quản, chế biến thực phẩm), nêu lên các vấn đề về an toàn thực phẩm trong cả nước, nêu danh những cơ sở, sản phẩm vi phạm an toàn thực phẩm, các cơ quan truyền thông cũng nên đẩy mạnh tuyên truyền về trách nhiệm của người tiêu dùng trong việc tiêu dùng sản phẩm an toàn, sử dụng đúng hướng dẫn của nhà sản xuất... Ngoài ra, những người làm công tác vận chuyển thực phẩm cũng nên được liệt vào đối tượng được tuyên truyền trong thời gian tới.
thuychi
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin