Cúm A/H7N9 nguy hiểm nhưng dễ phòng ngừa

Cúm A/H7N9 là gì?

Virus cúm A/H7N9 là một chủng mới, có nguồn gốc gen từ virus cúm gia cầm và một số loài chim, có khả năng lây nhiễm cho người dẫn đến viêm phổi nặng tiến triển nhanh, tỷ lệ tử vong cao. Hiện đường lây truyền của virus cúm A/H7N9 chưa được hiểu rõ và cũng chưa có kết luận nào về sự lây truyền dịch cúm từ người sang người.


Người nhiễm cúm A/H7N9 có tỷ lệ tử vong cao nếu không được điều trị kịp thời

Người bệnh bị nhiễm cúm A/H7N9 có biểu hiện nhiễm trùng đường hô hấp cấp bao gồm: ho, sốt, khó thở, có tổn thương nhu mô phổi (viêm phổi hoặc hội chứng suy hô hấp cấp (ARDS) tiến triển nhanh dựa trên lâm sàng hoặc hình ảnh X-Quang); Không tìm được bằng chứng nhiễm trùng do các căn nguyên khác gây viêm phổi.

Tính đến ngày 3/9/2014 Trung Quốc ghi nhận 453 trường hợp nhiễm virus cúm A/H7N9, gồm cả 4 trường hợp từ Đài Loan, 10 trường hợp từ Hồng Kông và 1 trường hợp từ Malaysia. Trong đó có 175 trường hợp tử vong. Hiện, Việt Nam chưa phát hiện trường hợp nào mắc nhưng Bộ Y tế khuyến cáo khả năng bệnh lây nhiễm vào Việt Nam là rất cao, vì thế người dân cần hết sức đề phòng.

Ca bệnh xác định nhiễm cúm A/H7N9 là ca bệnh nghi ngờ có biểu hiện lâm sàng như đã nêu ở trên và được khẳng định bằng xét nghiệm PCR/giải trình tự gen, phân lập virus cúm A/H7N9. Bệnh phẩm sử dụng để chẩn đoán là dịch đường hô hấp, đờm, dịch nội khí quản, dịch phế nang, mô bệnh được bảo quản trong môi trường vận chuyển virus.

Cúm A/H7N9 khác các loại cúm A khác như thế nào?

Cả 4 virus H7N9, H1N1, H5N1, H5N6 đều là virus cúm A nhưng chúng có khả năng lây bệnh khác nhau. H7N9, H5N1 lây nhiễm chủ yếu ở động vật và đôi khi mới lây sang người trong khi H1N1 thì bình thường cũng hay lây nhiễm ở người và cả vật còn H5N6 thì chỉ lây từ gia cầm sang người.

Nguồn lây nhiễm cúm A/H7N9 chủ yếu do tiếp xúc trực tiếp với gia cầm bị bệnh hoặc môi trường đã bị nhiễm virus như chuồng gà, vịt, chất thải gia cầm. Virus H7N9 không gây triệu chứng lâm sàng ở gia cầm nên rất khó để xác định chúng lây sang người như thế nào. Hiện các nhà khoa học đang nghiên cứu về khả năng lây từ người sang người của virus H7N9.


Các nhà khoa học đang nghiên cứu khả năng lây từ người sang người của virus cúm A/H7N9

Theo đánh giá của Hội đồng chuyên môn của Bộ Y tế, virus cúm A/H7N9 là loại virus chưa từng thấy với những biểu hiện khác hẳn so với trước. Cúm A/H7N9 được đánh giá là đánh giá là nguy hiểm hơn H5N1. Tỷ lệ tử vong của bệnh nhân cúm A/H7N9 ở mức cao. Tình trạng suy tim, thận ở bệnh nhân cúm A/H7N9 không bằng bệnh nhân cúm A/H5N1 nhưng hiện tượng hoại cơ lại nhiều hơn.

Điều trị cho bệnh nhân nhiễm cúm A/H7N9

Người bệnh có nghi ngờ nhiễm cúm A/H7N9 đều phải được khám tại bệnh viện, cách ly và được làm xét nghiệm đặc hiệu để chẩn đoán xác định bệnh. Đối với các ca bệnh xác định là bị nhiễm cúm A/H7N9 thì cần nhập viện điều trị và cách ly hoàn toàn.

Hiện nay, chưa có loại vaccine nào để ngăn ngừa lây nhiễm H7N9 ở người. WHO đang phối hợp với các đối tác của mình để phát triển vaccine và một số sản phẩm hiện đang được thử nghiệm về hiệu quả và độ an toàn.


Một bệnh nhân mắc cúm A/H7N9 được điều trị ở bệnh viện Trung Quốc

Để điều trị cúm A/H7N9 các nước có bệnh nhân nhiễm cúm A thường sử dụng thuốc kháng virus Oseltamivir hoặc Zanamivir. Ở những bệnh nhân cúm do H7N9 tại Trung Quốc được dùng thuốc ức chế men neuraminidase thì các triệu chứng tiến triển nhẹ hơn và nhiều trường hợp khỏi bệnh.

Người bệnh chỉ được xuất viện khi đã hết sốt từ 3-5 ngày, toàn trạng tốt. Mạch, huyết áp, nhịp thở, các xét nghiệm máu trở về bình thường, X-quang phổi cải thiện. Sau khi xuất viện, người bệnh phải tự theo dõi nhiệt độ 12 giờ/lần, nếu nhiệt độ cao hơn 38 độ C ở hai lần đo liên tiếp hoặc có dấu hiệu bất thường khác, phải đến khám lại ngay tại nơi đã điều trị.

Một số biện pháp được khuyến cáo để tránh lây nhiễm cúm A/H7N9:

- Vệ sinh tay chân sạch sẽ sau khi tiếp xúc với gia cầm hoặc chất thải của chúng; đội mũ áo, đeo khẩu trang đúng tiêu chuẩn khi tiếp xúc với nguồn nghi ngờ là nguồn lây bệnh...

- Không nên dùng chung dụng cụ đã chế biến thịt, trứng gia cầm sống mà chưa qua khâu làm vệ sinh sạch sẽ;

- Nên rửa tay kỹ bằng xà phòng sau khi chế biến thịt trứng gia cầm, trước khi chuyển sang làm các thực phẩm khác;

- Gia cầm không rõ nguồn gốc hoặc có dấu hiệu bệnh lý nên được loại bỏ;

- Thịt, trứng gia cầm nên được nấu chín kỹ (virus sẽ bị diệt ở nhiệt độ từ 70 độ C trở lên) trước khi ăn. Không ăn thịt gia cầm luộc, hấp còn màu đỏ hoặc trứng còn lòng đào;

- Nếu có gia cầm bị ốm hoặc chết bất thường, nên kịp thời báo ngay cho chính quyền địa phương nơi gần nhất.



ctv1
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin