Mặc dù địa phương đang nằm trong “ổ cúm” nhưng anh Nguyễn Văn Bé (phường Trường Lạc, quận Ô Môn, Cần Thơ) vẫn rất lạc quan: “Cúm gia cầm nghe râm ran vậy chứ cũng không biết lây sang người ra sao. Tôi cũng chẳng thấy ở địa bàn mình sống có người nhiễm cúm nên chỉ lo đàn vịt mới bị thiệt hại thôi. Hơn nữa, việc phòng cúm đã có cơ quan chức năng lo”.
Còn ở thành phố lớn như TP HCM, Hà Nội, dù có điều kiện cập nhật thông tin thường xuyên nhưng trước dịch cúm, người dân hầu như chỉ né tránh chứ chưa biết phòng. Chị Nguyễn Thị Hiếu, (quận Tân Phú, TP HCM) cho biết: “Mấy ngày này, nghe thông tin về cúm gia cầm, tôi thấy sợ nhưng nghĩ không ăn thịt gà, thịt vịt hoặc có ăn thì nhờ người ta làm sẵn cho yên tâm chứ không trực tiếp chế biến. Mà ở Sài Gòn hình như chưa phát hiện dịch”.

Dù địa phương đang nằm trong “ổ cúm” nhưng nhiều người vẫn “vô tư” mua gia cầm không rõ nguồn gốc.
Sự thờ ơ của người dân một phần xuất phát từ việc chưa biết rõ sự nguy hiểm thật sự của bệnh cúm A (H5N1) và A (H7N9), một phần chủ quan, nghĩ rằng cúm còn ở rất xa. Bên cạnh đó, hiện nay, vi rút A (H5N1) có ở Việt Nam, còn vi rút A (H7N9) thì chưa xuất hiện. Mặc dù vậy, khi cúm A (H7N9) đang hoành hành ở hai nước láng giềng là Trung Quốc và Campuchia thì việc vi rút cúm này “vượt biên” qua biên giới phía Bắc và Tây Nam theo đường nhập lậu gia cầm hoặc du lịch, nhập cảnh rất cao.
Hiện nay, việc phòng cúm của người dân vẫn rất thụ động, nếu có chỉ dừng lại ở việc tránh tiếp xúc với gia cầm sống tại chợ, khu dân cư, không ăn gia cầm chết, gia cầm không rõ nguồn gốc. Trong khi đó, biện pháp chủ động, căn cơ nhất là phải phòng bệnh bằng nhiều biện pháp vệ sinh khác nhau thì lại bị bỏ qua. Rửa tay sạch sẽ là biện pháp được WHO khuyến cáo hàng đầu trong các biện pháp phòng cúm hiệu quả hiện nay. Tuy nhiên, rửa tay để phòng cúm không thể sơ sài, qua loa mà cần có biện pháp khoa học. Không chỉ rửa tay trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh mà ngay khi ra ngoài, nhất là tiếp xúc với gia cầm dù là ở chuồng trại hay khu chợ. Người dân cũng cần lưu ý rửa tay với nước rửa tay diệt khuẩn để đảm bảo hiệu quả phòng cúm tốt nhất. Việc phòng chống cúm không chỉ là trách nhiệm của cơ quan chức năng mà cần sự hợp sức của người dân. Mỗi cá nhân, mỗi gia đình cần quyết liệt, chủ động hơn nữa trong phòng chống cúm mới có hy vọng đẩy lùi dịch.
Triệu chứng ban đầu khi nhiễm cúm gia cầm đều có sốt, ho, sổ mũi, đau đầu, nhức mỏi, nhưng với cúm A (H5N1) và cúm A (H7N9) thì sẽ gây tổn thương phổi khiến người bệnh khó thở. Riêng A (H7N9) nguy hiểm hơn vì thời gian ủ bệnh lâu, dù gia cầm mang virus cúm vẫn rất khỏe mạnh không có biểu hiện của bệnh cúm. Do đó, biện pháp đơn giản và hiệu quả nhất để phòng chống dịch cúm an toàn là rửa tay thường xuyên bằng nước rửa tay diệt khuẩn.
Bình luận của bạn