Ngày 10/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (TVQH) đã góp ý về 2 dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật hôn nhân và gia đình; Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường trình bày: Dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hôn nhân và Gia đình đã bỏ quy định cấm hôn nhân đồng giới. Tuy nhiên, dự luật vẫn khẳng định nhà nước không thừa nhận quan hệ hôn nhân đồng giới và bổ sung quy định giải quyết hậu quả của việc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng giới tính về quan hệ tài sản; xác định cha, mẹ, con và quyền, nghĩa vụ của cha, mẹ và con...
Là cơ quan thẩm tra dự luật, Chủ nhiệm Ủy ban về Các vấn đề xã hội của QH, bà Trương Thị Mai cho biết thường trực ủy ban tán thành quy định như dự luật bởi điều này thể hiện tính nhân văn, góp phần giảm bớt sự kỳ thị đối với nhóm người đồng tính và để có cơ sở giải quyết hậu quả về mặt pháp lý của tình trạng chung sống như vợ chồng giữa một bộ phận người cùng giới hiện nay.
Đánh giá dự luật được ban soạn thảo chuẩn bị công phu nhưng Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho rằng dự luật không cấm hôn nhân đồng giới phải có tổng kết thực tiễn để sửa luật cho trúng. "Tôi đề nghị phải tiến lên công nhận hôn nhân đồng giới vì luật không cấm nên người dân vẫn làm. Nhà nước không thể "lờ" đi như vậy vì nguyên tắc nhà nước pháp quyền nếu không cấm tức là được thừa nhận"- ông Lý phân tích.
Một nội dung quan trọng khác của dự luật là cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo cũng nhận được sự ủng hộ của nhiều thành viên Ủy ban TVQH. Tuy nhiên, nhiều ý kiến đề nghị cần quy định cụ thể hơn về trách nhiệm các bên và có chế tài để tránh việc lợi dụng vì mục đích kinh tế.
Cùng ngày, Ủy ban TVQH cũng cho ý kiến về dự thảo Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam. Tại phiên họp, Bộ Công an cho biết lợi dụng sự thông thoáng về thủ tục, điều kiện cấp thị thực cho người nước ngoài, nhiều doanh nghiệp đã tìm cách lách luật nhằm kiếm lợi. Tại Hà Nội, Hải Dương, TP HCM, Long An… đã xuất hiện các "doanh nghiệp ma" làm dịch vụ kiếm lời từ việc xin thị thực dài hạn, thẻ tạm trú bằng thủ đoạn đưa tên người nước ngoài vào danh sách thành viên góp vốn, sáng lập doanh nghiệp; sau khi được cấp thị thực dài hạn, thẻ tạm trú thì giải tán doanh nghiệp.
Chưa hết, một số doanh nghiệp nước ngoài đã sử dụng tư cách pháp nhân chỉ để bảo lãnh cấp thị thực cho người nước ngoài, còn họ vào thế nào, hoạt động ra sao doanh nghiệp không nắm được. Chẳng hạn, hàng ngàn lao động phổ thông nước ngoài đã vào làm việc tại các công trình xây dựng (nhất là các dự án do Trung Quốc trúng thầu) gây mất an ninh trật tự ở địa phương. Các đối tượng xấu cũng lợi dụng vào Việt Nam để tiến hành các hoạt động trái pháp luật, xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội như lừa đảo, kinh doanh bất hợp pháp... Để bịt lỗ hổng này, Bộ Công an đề nghị phải sớm thông qua Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.
Bình luận của bạn