Dịch COVID-19: Hơn 24.000 người được tiêm vaccine, 3 bệnh nhân tiên lượng xấu

Nhân viên y tế tư vấn trước khi tiêm COVID-19 - Ảnh: Bộ Y tế

Việt Nam chuẩn bị mua thêm 30 triệu liều vaccine COVID-19 của Pfizer

Người bệnh thận mạn giai đoạn cuối cần lưu ý gì trong mùa dịch COVID-19?

Nga tặng 1.000 liều vaccine Sputnik V cho Việt Nam

Chuyên gia WHO giải thích về tác dụng phụ của vaccine COVID-19

Thông tin từ Chương trình Tiêm chủng Mở rộng (TCMR) quốc gia cho biết, có thêm 3.359 người được tiêm vaccine COVID-19 trong ngày 17/3.

Như vậy, Việt Nam đã thực hiện tiêm vaccine phòng COVID-19 cho 24.054 người là cán bộ, nhân viên y tế đang trực tiếp điều trị bệnh nhân COVID-19, các nhân viên y tế thực hiện các nhiệm vụ như lấy mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm, truy vết, thành viên các tổ COVID-19 cộng đồng và Ban Chỉ đạo phòng chống dịch.

Chi tiết cụ thể 24.054 người được tiêm vaccine COVID-19 ở 12 tỉnh, thành: Hải Dương (12.068 người), Hà Nội (3.768), Hưng Yên (2.492), Bắc Ninh (1.332), Bắc Giang (2.281), Hải Phòng (205), TP.HCM (884), Gia Lai (200), Long An (204), Đà Nẵng (117), Hòa Bình (152), Khánh Hòa (105).

Bệnh viện Việt Tiệp cơ sở 2 (Hải Phòng), Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Khánh Hòa, Bệnh viện Phổi Đà Nẵng, Bệnh viện dã chiến Gia Lai, Bệnh viện Đa khoa Đồng Tháp Mười, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM đã kết thúc tiêm vaccine COVID-19 trong đợt này.

Trong số 24.054 người được tiêm vaccine, 4.078 trường hợp có phản ứng thông thường sau tiêm. Một số ít người phản ứng phản vệ độ 2-3 đã được xử lý và đều ổn định sức khỏe.

3 bệnh nhân COVID-19 nặng nhất cả nước, tiên lượng khó khăn

Các chuyên gia đầu ngành hội chẩn quốc gia 3 ca COVID-19 nặng nhất nước, trong đó bệnh nhân 1536 đang điều trị tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng, 2 bệnh nhân 1823 và 2348 đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương.

Cả 3 bệnh nhân trên đã có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 từ 3-5 lần, không còn can thiếp ECMO song do có nhiều bệnh lý nền nên tình trạng vẫn rất xấu.

Thông tin tình trạng sức khỏe cụ thể của 3 ca bệnh:

- Bệnh nhân 1823 là nam, ở Mê Linh, Hà Nội. Bệnh nhân này nhập viện từ ngày 1/2, có tiền sử tăng huyết áp. Hiện đã điều trị 45 ngày, phải thở máy đến ngày thứ 36. Đến nay bệnh nhân 1823 đã cai ECMO được 13 ngày, huyết động ổn định, không còn phải dùng thuốc vận mạch, không phù, cân nặng 57kg. Các bác sỹ đang duy trì thuốc an thần, giảm đau, chăm sóc hô hấp dinh dưỡng, phục hồi chức năng và tập cai máy thở.

- Bệnh nhân 2348 là nữ, 65 tuổi ở Chí Linh, Hải Dương. Bệnh nhân được chuyển lên Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương từ ngày 12/2. Bệnh nhân đã qua 35 ngày điều trị, trong đó có tới 33 ngày phải hồi sức tích cực. Song hiện tại, chức năng phổi của bệnh nhân chưa cải thiện.

- Ca bệnh 1536, 79 tuổi, từ Mỹ về Việt Nam ngày 13/1 và chuyển vào Bệnh viện Phổi Đà Nẵng sau đó 1 ngày. Đây được xem là ca bệnh nặng nhất cả nước. Ca bệnh này đến nay đã qua 7 lần hội chẩn quốc gia, được đánh giá nặng hơn bệnh nhân 91, phi công Anh do cùng lúc bị suy tim, đái tháo đường, tăng huyết áp, suy nhược cơ thể.

Từ ngày 13/2 đến nay, bệnh nhân liên tiếp có kết quả xét nghiệm âm tính, đã cai ECMO được 19 ngày, đang tiếp tục lọc máu, dùng kết hợp nhiều thuốc kháng sinh và tập cai máy thở. Bệnh nhân bị suy đa phủ tạng, khó hồi phục, sức cơ yếu do nằm lâu, còn huyết khối. Đặc biệt bệnh nhân bị suy tim, đôi lúc lên cơn rối loạn nhịp, hạ huyết áp, đe doạ tính mạng. Các bác sỹ đang tập trung dinh dưỡng, hồi phục chức năng cho bệnh nhân.

Theo Bộ Y tế, tính đến 6h sáng nay (18/3), Việt Nam không ghi nhận thêm ca COVID-9 mới. Như vậy, tổng ca nhiễm tích lũy từ đầu dịch đến nay là 2.567, số khỏi 2.198. Số tử vong do COVID-19 là 35. Các bệnh nhân còn lại đa số sức khỏe ổn định, trong đó 37 người xét nghiệm âm tính SARS-CoV-2 lần một, 18 người âm tính lần hai và 63 người âm tính lần ba.

Lê Tuyết (Tổng hợp)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Xã hội