Dịch COVID-19: Việt Nam thêm 2 ca mắc mới, gần 16.000 đã được tiêm vaccine

Tiêm thử nghiệm vaccine COVIVAC do IVAC sản xuất sáng 15/3 - Ảnh: Nguyễn Hiệp H+

Chuyên gia WHO giải thích về tác dụng phụ của vaccine COVID-19

WHO phê duyệt gấp vaccine COVID-19 của Johnson & Johnson

Đảm bảo an toàn cao nhất cho người tiêm vaccine COVID-19

Y tế tuần qua: Việt Nam đẩy mạnh tiêm vaccine ngừa COVID-19

Thông tin về ca COVID-19 mới

- Bệnh nhân 2558 (BN2558) được ghi nhận tại xã Kim Đính, huyện Kim Thành, Hải Dương. Người này là F1 của ca số 2484 và 2471, đã được cách ly trước đó.

- Bệnh nhân 2559 (BN2559) được ghi nhận tại xã Kim Đính, huyện Kim Thành, Hải Dương, là F1 của ca 2467, đã được cách ly trước đó.

Ngày 14/3, cả 2 bệnh nhân trên được lấy mẫu xét nghiệm. Kết quả xét nghiệm ngày 15/3 phát hiện những người này dương tính với SARS-CoV-2. Hiện 2 bệnh nhân cách ly, điều trị tại Bệnh viện Dã chiến số 3 (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương cơ sở 2).

Tổng ca nhiễm tích lũy từ đầu dịch đến nay là 2.559, số khỏi 2.115. Số tử vong do COVID-19 là 35. Các bệnh nhân còn lại đa số sức khỏe ổn định, trong đó 42 người xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 lần một, 22 người âm tính lần hai và 110 người âm tính lần ba.

Gần 16.000 người đã được tiêm vaccine phòng COVID-19

Theo Thông tin từ Chương trình Tiêm chủng Mở rộng (TCMR) quốc gia cho biết, có thêm 4.260 người được tiêm vaccine phòng COVID-19 trong ngày 15/3.

Như vậy, sau một tuần triển khai tiêm chủng, 15.865 người đã được tiêm ở 12 tỉnh, thành phố, gồm Hải Dương, Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Phòng, TP.HCM, Gia Lai, Long An, Đà Nẵng, Khánh Hòa và Hòa Bình.

Nhóm ưu tiên là cán bộ, nhân viên y tế trực tiếp điều trị bệnh nhân COVID-19, các nhân viên y tế thực hiện các nhiệm vụ như lấy mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm, truy vết, thành viên các tổ chức COVID-19 cộng đồng và Ban Chỉ đạo phòng chống dịch.

Theo báo cáo nhanh từ các điểm tiêm chủng, trong ngày 15/3 ghi nhận các trường hợp phản ứng sau tiêm chủng thông thường như sốt, sưng đau tại chỗ tiêm, phát ban, đau cơ, đau đầu, tiêu chảy,...

Tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam ghi nhận 13 trường hợp sốc phản vệ độ 2 và 1 trường hợp sốc phản vệ độ 3 với dấu hiệu ban đầu sốt, rét run kèm theo co quắp, tê bì tay xuất hiện 8 giờ sau tiêm. Tuy nhiên, sức khỏe của các trường hợp đến nay đều ổn định.

Từ nay đến tháng 4, Việt Nam sẽ nhận thêm 4,1 triệu liều vaccine AstraZeneca từ chương trình COVAX và từ nguồn đặt mua, khi đó sẽ triển khai tiêm tiếp cho các đối tượng ưu tiên tiếp theo, đúng tinh thần Nghị quyết 21 của Chính phủ.

Vaccine COVID-19 của AstraZeneca đã được chấp thuận và sử dụng ở hơn 70 quốc gia. Những ngày qua một số nước ngưng triển khai vaccine AstraZeneca do các ca phản ứng nghiêm trọng sau tiêm như đông máu. Các bên đang thận trọng điều tra xem có mối liên hệ giữa vaccine và phản ứng hay không. Việt Nam chưa ghi nhận các trường hợp đông máu sau tiêm, nên vẫn tiếp tục triển khai.

Ngày 14/3, AstraZeneca khẳng định "không có bằng chứng" vaccine của họ gây đông máu.

Lê Tuyết H+ (Tổng hợp)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Xã hội