Điều trị thành công cho 2 bé sơ sinh bị da sạm đen, "sùi bọt cua" vì bệnh hiếm gặp

Bệnh nhi bị "sùi bọt cua" được các bác sỹ thăm khám trước khi ra viện - Ảnh: BVCC

Tiêu điểm Sức khỏe+ ngày 7/1/2023

Dòng chảy Sức khỏe+: Cảnh báo di chứng phổi nguy hiểm sau khi mắc COVID-19

Y tế tuần: BV Phổi Trung ương có giám đốc mới, cứu bệnh nhân bị vỡ tim

Thêm nhiều thành tựu y khoa giúp bảo vệ sức khỏe người dân

Biến thể phụ XBB xuất hiện ở TP.HCM, Tây Ninh

Theo Bộ Y tế, qua hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm đã ghi nhận sự xuất hiện của biến thể phụ XBB tại tỉnh Tây Ninh và TP.HCM. XBB hay còn gọi là BA.2.10, là biến chủng phụ thế hệ tiếp theo của BA.2. Các nhà khoa học trên thế giới nhận định đây là biến chủng phụ Omicron "tồi tệ nhất cho đến nay", do đặc tính lây lan nhanh, trốn tránh được miễn dịch từ vaccine, nhiễm bệnh tự nhiên và các liệu pháp kháng thể đơn dòng. Trên thế giới, các nhà khoa học phát hiện chủng này vào tháng 8/2022, và 4 tháng qua đã lây lan ra 70 quốc gia.

Tuy nhiên cho đến nay không có bằng chứng về sự thay đổi mức độ nghiêm trọng của bệnh do biến thể XBB gây ra. Các biện pháp chẩn đoán và bảo vệ hiện tại vẫn có hiệu lực, bao gồm cả các vaccine phòng COVID-19 được WHO phê chuẩn.

Bé sơ sinh da sạm đen vì bệnh hiếm gặp

Bé sơ sinh mắc bệnh suy tuyến thượng thận nguyên phát gây sạm da nặng - Ảnh: BVCC

Bé sơ sinh mắc bệnh suy tuyến thượng thận nguyên phát gây sạm da nặng - Ảnh: BVCC

Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM) vừa cứu sống một trường hợp trẻ sơ sinh suy tuyến thượng thận nguyên phát nặng hiếm gặp. Trước nhập viện 2 ngày, bệnh nhi bú ít, trớ sữa 5-6 lần, cử động tay chân yếu, tay chân lạnh, nên nhập viện địa phương sơ cứu rồi chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng Thành phố. Bệnh nhi nhập viện trong tình trạng kém tiếp súc, môi tím, SpO2 70-80%, mạch quay không bắt được, bụng chướng mềm, vàng mắt, da đen sậm, bộ phận tiết niệu sinh dục bình thường.

Kết quả xét nghiệm cho thấy bệnh nhi có tình trạng nhiễm trùng, toan chuyển hóa nặng, hạ natri máu, tăng kali máu, hạ calci máu, hạ đường huyết, men gan tăng nhẹ, X-quang ngực có hình ảnh viêm phổi. Sau 3 tuần điều trị tình trạng cải thiện, bệnh nhi cai máy thở, huyết động ổn định, được xuất viện tái khám nội tiết theo hẹn.

Căn bệnh hiếm gặp khiến bé gái vừa chào đời đã "sùi bọt cua"

Bệnh viện Nhi trung ương vừa chữa trị thành công cho ca bệnh hiếm gặp, đó là bé gái N.K.N (15 tháng tuổi ở Quy Nhơn, tỉnh Bình Định) bị teo thực quản bẩm sinh. Căn bệnh khiến bé vừa chào đời đã bị “sùi bọt cua” liên tục và phải nằm viện từ khi sinh ra cho đến nay. Được biết, bệnh nhi chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương vào tháng 9/2022 trong tình trạng viêm phổi rất nặng. Tại đây, các bác sỹ đã lên kế hoạch phẫu thuật cho bệnh nhi, gồm có 2 giai đoạn.

Sau phẫu thuật, bệnh nhi được chăm sóc tích cực trong 2 tuần. Đến nay, sau hơn 3 tháng điều trị, trẻ đã ổn định, không còn các triệu chứng trước khi phẫu thuật. Trẻ có thể tự ăn, không ho, không sặc, không sốt và đã được các bác sỹ cho xuất viện.

Theo các bác sỹ, teo thực quản là một dị tật nguy hiểm, dễ tử vong nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Do đó, điều quan trọng nhất là cha mẹ phải hiểu biết để có thể phát hiện sớm các dấu hiệu của bệnh, đưa con đi khám và điều trị kịp thời. Việc phẫu thuật sớm sẽ tránh được một số biến chứng nguy hiểm, đe dọa tính mạng của trẻ.

Nuôi dưỡng thành công trẻ sinh non người nước ngoài, nặng 500gr

PGS.TS Trần Danh Cường, Giám đốc bệnh viện cùng gia đình sản phụ - Ảnh: BVCC

PGS.TS Trần Danh Cường, Giám đốc bệnh viện cùng gia đình sản phụ - Ảnh: BVCC

Bệnh viện Phụ sản Trung ương đã nuôi dưỡng thành công bé trai sơ sinh non tháng 500gr chào đời khi mới gần 26 tuần tuổi từ cơ thể người mẹ có tiền sản giật nặng nề. Bé là con của gia đình vợ chồng chị Bùi Ngọc Dung Jennie - người Việt nhưng sinh ra và lớn lên ở Canada, chồng chị Dung cũng là người Canada. Được biết, chị Dung năm nay 34 tuổi, tiền sử một lần sảy thai 8 tuần, 3 lần thai lưu lúc 20-22 tuần vì tiền sản giật. Sản phụ nhập viện lúc thai 24 tuần, khi tiếp nhận thăm khám cho sản phụ, các bác sỹ xác định đây là một ca khó vì tiền sử bệnh của bệnh nhân vì cứ có thai là tiền sản giật, phù.

Các y bác sỹ theo sát thai phụ từng ngày, cho đến khi thai nhi được 25 tuần 6 ngày thì không thể cố thêm được nữa vì sẽ nguy hiểm đến tính mạng cả mẹ và con. Ca mổ lấy thai diễn ra nhanh chóng, ngay sau đó trẻ được đưa ngay đến Trung tâm Chăm sóc và điều trị trẻ Sơ sinh để chăm sóc đặc biệt. Vào ngày thứ 40, trẻ bị viêm phổi, tuy nhiên, sau đó ổn dần. Đến ngày 3/1, trẻ được 97 ngày tuổi (tương đương tuổi thai 38 tuần), nặng 2kg, tự thở khí trời.

Phẫu thuật loại bỏ 5 khối polyp cho bệnh nhi 5 tuổi mắc hội chứng hiếm gặp

Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh vừa tiếp nhận trường hợp bệnh nhi nhỏ tuổi mắc hội chứng Peutz Jeghers (Peutz Jeghers Syndrome - PJS). Bệnh nhi là nữ, 5 tuổi, có tiền sử lồng ruột nhiều lần. Nhập viện trong tình trạng sốt, qua siêu âm phát hiện khối lồng 29mm. Các bác sỹ đã tiến hành phẫu thuật nội soi tháo lồng, xử lý 4 khối lồng trong lòng ruột và tiến hành loại bỏ 5 khối polyp, bảo tồn đoạn ruột cho bệnh nhi. Sau phẫu thuật, sức khỏe trẻ ổn định, không sốt, da, niêm mạc hồng, bụng mềm, không chướng, được xuất viện sau 21 ngày điều trị.

Theo các bác sỹ, polyp ở bệnh nhi này bản chất là polyp Peutz Jeghers xuất hiện trong hội chứng Peutz Jeghers, là bệnh di truyền trội trên nhiễm sắc thể thường. Hội chứng Peutz Jeghers ít gặp, tần suất 1/200.000 trường hợp, đặc trưng bởi các nốt tăng sắc tố da và polyp lan tỏa đường tiêu hóa.

 
Lê Tuyết (Tổng hợp)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Xã hội