Độc hại như ớt mùa mưa


Sử dụng nắng tự nhiên để phơi ớt - "công nghệ" phổ biến ở Đồng bằng sông Cửu Long

Người trồng điêu đứng

Về xứ ớt Thanh Bình (Đồng Tháp), địa phương có quy mô trồng ớt lớn bậc nhất ĐBSCL với trên 2.000ha/năm, đi đâu cũng gặp những cái lắc đầu ngao ngán khi bao hy vọng về vụ ớt "trái mùa-trúng giá" đang dần trôi theo nước lũ. Dắt chúng tôi ra đám ớt gần 3.000m2 đang giai đoạn chín đỏ, lão nông Phạm Văn Tỏ, một chuyên gia trồng ớt mùa nghịch nhiều năm ở xã Tân Thạnh (huyện Thanh Bình) rầu rĩ: "Đã phun đủ các thứ thuốc, rồi tăng lượng phân bón, nhưng lá vẫn cứ quắn lại, thân thì ngày một lùn xuống, còn trái thì thun lại". Theo ông Tỏ, đây có lẽ là vụ ớt tiêu tốn nhiều nhất trong những năm qua. Bởi cứ hai-ba ngày là ông phun một đợt thuốc, mỗi lần pha trộn vài ba loại. Phun xong, chưa thấy hiệu quả, ông lại đổi thuốc theo hướng dẫn của cửa hàng, rồi theo chỉ dẫn của bạn bè trong nghề… Ông Tỏ dự báo, vụ ớt này năng suất sẽ giảm và thời gian cho trái cũng chỉ trong một lứa bông, tương đương một tháng (thông thường, ớt ở Thanh Bình có thể thu hoạch trong suốt ba tháng với năng suấtba tấn/vụ/công).

ThS Nguyễn Phước Tuyên, Trưởng phòng Nghiên cứu khoa học và thông tin (Sở NN-PTNT Đồng Tháp) nhận xét: "Nguyên nhân chủ yếu là do ảnh hưởng mưa bão". Theo ThS Tuyên, thông thường trồng vào mùa mưa, cây ớt dễ bị sâu bệnh tấn công, nhất là bệnh thán thư do nấm Collectotrichum sp. Đây là loại bệnh gây hại nhiều mặt: tấn công cả lên lá, lên thân và trái từ già đến chín, nhưng rất khó trị… Trong khi đó, mấy ngày qua, do mưa đột ngột và dồn dập khiến nông dân không kịp trở tay. Trong lúc chi phí đầu vào tăng vọt tỷ lệ thuận với thuốc, phân và công chăm sóc, thì đầu ra lại ì ạch, rớt giá, khó bán. Ông Tỏ so sánh: "Năm rồi, vào thời điểm này, bạn hàng tìm đến nhà tranh mua với giá 40.000đ/kg ớt (không phân loại), nhưng năm nay giá ớt đột ngột sụt giảm sâu và khó bán". Mới tháng trước, đang đứng giá 25.000-30.000đ/kg, đột nhiên ớt rớt xuống còn 20.000đ rồi 18.000đ, còn bây giờ, ớt loại I chỉ 16.000đ/kg mà vẫn ít có người mua. Với giá này, nông dân đứng bên bờ vực thua lỗ. Theo anh Luyến, chủ vựa thu mua ớt Luyến Nương ở Thanh Bình, nhiều khả năng tới đây giá sẽ tiếp tục giảm do khó khăn đầu ra. ThS Tuyên cho biết thêm: "Ớt Đồng Tháp nói riêng, ĐBSCL nói chung chủ yếu được tiêu thụ qua con đường xuất khẩu tiểu ngạch (phần lớn là ớt khô). Mấy năm trước do phía Trung Quốc, Ấn Độ trục trặc về thời tiết, mất mùa ớt nên họ tăng cường nhập. Nhưng vào thời điểm này, các quốc gia đó đang vào cao điểm thu hoạch nên nhu cầu nhập gần như không còn". Trong khi đó, theo anh Luyến, thời gian gần đây việc xuất tiểu ngạch sang Thái Lan (qua đường bộ Campchia) đang bị "ách" và chưa biết khi nào sẽ nối lại.


Dù đã tăng cường thuốc bảo vệ thực vật cả về nồng độ lẫn tần suất phun nhưng ông Phạm Văn Tỏ vẫn không cứu được ruộng ớt thoát cảnh èo uột

Nhiều nguy cơ gây bệnh

Để chống chọi lại dịch bệnh mùa mưa, hầu hết người trồng ớt phải tăng tần suất phun thuốc lên hai-ba ngày/đợt. Trong khi đó, việc thu hoạch diễn ra theo chu kỳ năm-bảy ngày/đợt, nên sản phẩm sẽ tồn đọng thuốc bảo vệ thực vật. Đó là chưa kể việc phần lớn nông dân đều pha thêm chất kết dính để hạn chế khả năng nước mưa rửa trôi thuốc. Trong bối cảnh đường xuất khẩu bị hạn chế như hiện nay, lượng ớt này chủ yếu được tiêu thụ trong nước dạng tươi và phơi khô. "Nếu ruộng ớt bị mưa nhiều và bị nhiễm bệnh, nhất là bệnh thán thư thì ngay lúc còn trên cây, trái ớt dễ nhiễm độc tố aflatoxin do nấm Aspergillus flavus, Aspergillus parasiticus, thậm chí còn có thêm độc tố ochratoxin A do nấm Aspergillus ochraceus và Aspergillus carbonarius", ThS Tuyên nhấn mạnh: "Độc chất này gây hại cho gan, thận và nghi ngờ là chất gây ung thư. Nó còn gây rối loạn hệ thống miễn dịch. Đáng lo hơn là aflatoxin là hóa chất rất ổn định, nó không bị phân hủy khi nấu, chế biến".

Ngoài ra, việc phơi ớt ngay ven lộ, trên nền đất… đang rất phổ biến ở Đồng Tháp nói riêng, ĐBSCL nói chung hiện nay không chỉ làm thất thoát, lãng phí nhiều khoáng chất, vitamin trong trái ớt, như vitamin C và tiền vitamin A… mà còn gia tăng nguy cơ nhiễm vi sinh và cả độc tố aflatoxin. Bởi với "công nghệ thủ công" này, cần ít nhất là năm ngày để trái ớt từ tươi thành khô. Gặp thời tiết mưa bão như hiện nay, thời gian này kéo dài trên 10 ngày. "Trong khi đó, kết quả nghiên cứu của nhóm các nhà khoa học quốc tế cho thấy, thông thường chỉ sang đến ngày thứ hai, nếu ẩm độ của ớt còn trên 14% thì nấm Aspergillus sp. bắt đầu phát triển và tích lũy độc tố aflatoxin trong ớt". ThS Tuyên cho biết thêm: "Aflatoxin là chất có thể gây ung thư nhiều nhất trong nhóm độc tố mycotoxins". Thực tế, để giảm thua lỗ, hầu hết các chủ ruộng ớt đều mang số ớt bị bệnh thán thư đi phơi để bán ớt khô.


Cận cảnh ớt bị bệnh thán thư được chủ ruộng ớt tận dụng đi phơi để bán ớt khô

Sấy công nghiệp sẽ tạo ra sản phẩm ớt khô tốt và đồng đều hơn. Ở ĐBSCL hiện có nhiều máy sấy lúa, có thể tận dụng để sấy ớt nhằm tạo ra sản phẩm an toàn, hợp vệ sinh, không lo sợ bị nhiễm aflatoxin. Khi sấy nên điều chỉnh nhiệt độ hợp lý: lúc bắt đầu sấy, điều chỉnh trên 700C, sau sáu giờ khi ẩm độ ớt hạ xuống thì điều chỉnh nhiệt độ sấy còn 500C để tránh ớt sậm màu, mất đi màu đỏ tươi đặc hữu. Đây là hướng mới vừa làm tăng giá trị cây ớt, vừa giảm nguy cơ gây bệnh cho người tiêu dùng.


doandoan
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin