Đức Đạt Lai Lạt ma: Hạnh phúc so với khoái cảm

Đức Đạt Lai Lạt ma thường xuyên chia sẻ quan điểm về những vấn đề của cuộc sống dưới góc nhìn của Phật giáo

Phúc Điền: Dựa vào người khác và dựa vào chính mình

Quyền được Hạnh phúc!

Giận dưới góc nhìn của Đạt Lai Lạt Ma

Hai sát thủ đồng hành: Chiến tranh và dịch bệnh

Trích: Sống hạnh phúc - Cẩm nang cho cuộc sống

Hạnh phúc so với khoái cảm!

Đó là một buổi chiều tháng Bảy nóng nực và ẩm ướt, và khi tôi đến nhà Đức Đạt Lai Lạt ma ở Dharamsala sau một chuyến cuốc bộ ngắn ngủi, người tôi ướt đẫm mồ hôi. Xuất thân từ một vùng khí hậu khô ráo, tôi hầu như không chịu nổi cái ẩm ướt của ngày hôm ấy, nên tâm trạng không được tốt lắm khi bắt đầu ngồi nói chuyện. Ngược lại, ngài lại có vẻ rất phấn chấn.

Nói chuyện chưa được bao lâu, chúng tôi chuyển đề tài sang vấn đề khoái lạc. Tại một điểm trong cuộc trò chuyện, Ngài đưa ra một nhận xét quan trọng: "Hiện giờ, đôi khi người ta nhầm lẫn hạnh phúc với khoái lạc. Chẳng hạn, cách đây không lâu, tôi nói chuyện với một nhóm thính giả người Ấn Độ tại Rajpur. Tôi có nói rằng mục đích cuộc sống là hạnh phúc, thế là một người trong số thính giả nói, Rajneesh dạy rằng phút giây hạnh phúc nhất xảy đến trong hoạt động tình dục, vậy qua việc làm tình người ta có thể trở nên hạnh phúc nhất," Đức Đạt Lai Lạt ma cười lớn. "Ông ta muốn biết tôi nghĩ gì về ý tưởng ấy. Tôi trả lời rằng theo quan điểm của tôi, hạnh phúc lớn nhất là khi người ta đạt đến giai đoạn giải phóng, ở đó không còn đau khổ nữa. Đó là hạnh phúc chân chính và bền vững. Hạnh phúc đích thực liên kết nhiều hơn với tâm trí. Hạnh phúc mà lệ thuộc chủ yếu vào khoái lạc thể xác thì không bền, chỉ nay còn mai mất mà thôi."

Thoạt nhìn, có vẻ đây là một lời nhận xét tương đối hiển nhiên. Dĩ nhiên, hạnh phúc và khoái lạc là những thứ khác nhau. Tuy nhiên, loài người chúng ta thường dễ lẫn lộn giữa hái thứ. Sau khi tôi về nhà không lâu, trong một lần trị liệu với một bệnh nhân, tôi đã có một minh họa cụ thể về chuyện nhận thức đơn giản ấy có thể mạnh mẽ đến đâu.

Empty

Theo Đức Đạt Lai Lạt ma, hạnh phúc đích thực liên kết nhiều hơn với tâm trí

Heather là một nhân viên trẻ còn độc thân, làm nghề tư vấn viên tại Phoenix. Mặc dù thích công việc thường xuyên tiếp xúc với những thiếu niên gây rối, đôi lúc cô cảm thấy ngày càng bất mãn với việc sống tại đây. Cô thường phàn nàn về dân số ngày càng đông, nạn kẹt xe, cái nóng ngốt người vào mùa hè. Cô nhận được một công việc trong một thị trấn nhỏ xinh xắn ở miền núi. Thực ra, cô đã đến thăm thị trấn ấy nhiều lần và luôn ước ao được chuyển đến đấy. Thật là hoàn hảo. Vấn đề duy nhất là công việc cô được giao có liên hệ đến một lượng khách hàng người lớn. Trong nhiều tuần lễ, cô phải vật lộn với quyết định có chấp nhận công việc mới hay không. Cô không thể nào quyết định được. Cô lập ra một danh sách những lý do thuận và chống, nhưng danh sách ấy còn làm cô khó chịu hơn nữa.

Cô giải thích: "Tôi biết tôi không thích công việc ấy bằng công việc ở đây, nhưng nội cái khoái lạc được sống ở thị trấn ấy cũng bù đắp nhiều hơn cho việc này rồi. Tôi thực sự thích sống ở đó. Nguyên việc được ở đó cũng đủ làm tôi cảm thấy thích rồi. Và tôi thật sự mệt mỏi với cái nóng ở đây. Tôi thật không biết phải chọn thế nào nữa."

Việc cô nhắc từ "khoái lạc" làm tôi nhớ đến lời của Đức Đạt Lai Lạt ma và tôi dò hỏi: "Chị nghĩ xem, việc chuyển đến đó sẽ đem lại cho chị hạnh phúc lớn hơn hay khoái lạc nhiều hơn?"

Cô ấy ngưng một chút, không biết chắc câu hỏi ấy nhằm mục đích gì. Cuối cùng, cô trả lời: "Tôi không biết nữa... Ông biết không, tôi nghĩ việc ấy sẽ đem lại cho tôi nhiều khoái lạc hơn là hạnh phúc... Cuối cùng, tôi không cho rằng tôi sẽ hạnh phúc khi làm việc với số khách hàng ấy. Tôi thực sự thỏa mãn hơn khi làm việc với trẻ em trong công việc của mình..."

Chỉ cần định hướng lại cái khó khăn của cô ấy về mặt "việc kia có đem lại hạnh phúc cho tôi không?" xem ra đã giúp làm sáng tỏ phần nào. Bỗng nhiên cô ấy có vẻ dễ quyết định hơn rồi. Cô quyết định ở lại Phoenix. Dĩ nhiên, cô vẫn phàn nàn về cái nắng đổ lửa của mùa hè. Nhưng khi chốt lại một quyết định có ý thức là ở lại đó, trên cơ sở điều mà cô cảm thấy cuối cùng sẽ làm cô hạnh phúc hơn, điều đó đã khiến cái nóng trở nên bớt khó chịu.

Mỗi ngày, chúng ta đối mặt với vô số quyết định và lựa chọn. Và khi thử quyết định, chúng ta thường không chọn điều mà chúng ta biết là "tốt cho mình". Một phần điều này có liên hệ đến sự kiện "chọn lựa đúng" thường là chọn lựa khó - là chọn lựa liên quan đến sự hy sinh nào đó khoái lạc của chúng ta.

Qua từng thế kỷ, nhiều người đã vật lộn tìm cách định nghĩa vai trò hợp lý của khoái lạc trong đời họ. Rất nhiều triết gia, nhà thần học, nhà tâm lý, tất cả đều tìm hiểu mối quan hệ của chúng ta với khoái lạc. Thế kỷ III trước Công nguyên, Epicurus xây dựng hệ thống đạo đức của mình trên lời khẳng định mạnh mẽ rằng "khoái lạc là bắt đầu và kết thúc của một đời sống hạnh phúc." Nhưng cả Epicurus cũng thừa nhận "tầm quan trọng của lương tri và sự điều độ, nhìn nhận rằng sự say mê vô độ các khoái lạc ngũ quan đôi khi lại có thể đưa đến đau đớn. Trong những năm cuối thế kỷ XIX, Sigmund Freud bận rộn với việc định hình cho những lý thuyết của ông về khoái lạc. Theo Freud, lực đẩy cơ bản cho toàn bộ cơ cấu tâm thần là ước muốn giải tỏa sự căng thẳng do những động cơ thuộc bản năng chưa được thực hiện; nói cách khác, động cơ sâu kín của chúng ta là tìm kiếm khoái lạc. Trong thế kỷ XX, nhiều nhà nghiên cứu chọn cách tránh né những kiểu suy luận nặng tính triết học, thay vào đó, một nhóm nhà giải phẫu thần kinh đã cắm điện cực quanh các vùng sau đồi và các nhánh của não bộ, để tìm kiếm điểm tạo ra khoái lạc khi được kích thích bằng điện.

Không ai trong chúng ta thực sự cần đến các triết gia Hy Lạp đã mất từ lâu, các nhà phân tâm học thế kỷ XIX, hoặc các khoa học gia thế kỷ XX để giúp ta hiểu được khoái lạc. Chúng ta biết đến nó khi chúng ta cảm thấy nó. Chúng ta biết đến nó trong cái vuốt ve hay nụ cười của người yêu, trong sự sang trọng của bồn tắm nước nóng vào một chiều mưa lạnh lẽo, trong vẻ đẹp của buổi hoàng hôn. Nhưng nhiều người trong chúng ta cũng biết đến khoái lạc trong cái phấn khích điên dại của một liều cocain, sự bay bổng của một liều ma túy loại nặng, cái say sưa của một cuộc rượu, lạc thú của sự phóng túng vô độ trong tình dục, cái hoan lạc của một người thắng bạc ở Las Vegas. Đó cũng là những khoái lạc rất thật - những khoái lạc mà nhiều người trong xã hội chúng ta phải thỏa hiệp.

 

 

Mặc dù không hề có giải pháp dễ dàng nào để tránh né những khoái lạc phá hoại ấy, chúng ta vẫn may mắn có được một nơi để bắt đầu: lời nhắc nhở đơn giản rằng điều chúng ta đang tìm kiếm trong đời chính là hạnh phúc. Như Đức Đạt Lai Lạt ma chỉ ra, đó là một sự kiện không thể nhầm lẫn được. Nếu chúng ta luôn ghi nhớ điều ấy trong đầu khi tiếp cận những chọn lựa của bản thân trong đời sống, thì việc từ bỏ những thứ tựu trung chỉ làm hại cho chúng ta sẽ dễ dàng hơn, cho dù chúng mang lại cho chúng ta khoái lạc nhất thời. Lý do tại sao việc "chỉ nói không!" lại thường khó khăn đến thế nằm ở chữ "không". Nó bao hàm một cảm giác khước từ hoặc gạt bỏ một điều gì, một cảm giác từ chối chính mình.

Nhưng có một cách tiếp cận hay hơn: hình thành mọi quyết định mà chúng ta phải đối diện bằng cách đặt câu hỏi: "Điều này có mang lại hạnh phúc cho tôi không?" Câu hỏi đơn giản ấy có thể là một vũ khí mạnh mẽ để giúp chúng ta khéo léo hành xử trong mọi góc cạnh của cuộc đời, chứ không chỉ trong việc quyết định liệu có nên chơi thử ma túy hay nếm một miếng kém chuối hay không. Nó đặt một cách nhìn mới trên mọi sự việc. Khi ta luôn mang trong đầu câu hỏi này tại thời điểm tiếp cận với mọi quyết định và lựa chọn trong ngày, nó sẽ chuyển sự chú ý của ta từ cái chúng ta đang phủ nhận với bản thân đến điều chúng ta đang tìm kiếm - hạnh phúc tối hậu. Một thứ hạnh phúc, theo định nghĩa của Đức Đạt Lai Lạt ma, ổn định và bền vững. Một trạng thái hạnh phúc bất chấp những thăng trầm của cuộc sống và những biến động thường xuyên của tâm trạng, vẫn luôn là một phần chính cái ma trận của hiện hữu chúng ta. Với nhãn quan này, chúng ta dễ đưa ra "quyết định đúng" hơn, vì chúng ta hành động để cho chúng ta điều gì đó, chứ không phải phủ nhận hoặc khước từ điều gì khỏi chính mình - một thái độ hướng đến thay vì quay đi, ôm ấp thay vì gạt bỏ cuộc sống. Cảm giác nền tảng hướng về hạnh phúc có thể có một tác động sâu xa; làm chúng ta cởi mở hơn, đón nhận nhiều hơn niềm vui của cuộc sống.

PV (lược trích)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Tâm thức