Đức Đạt Lai Lạt ma: Đối phó với lo âu, sợ hãi bằng lòng yêu thương, vị tha

Đức Đạt Lai Lạt ma thường xuyên chia sẻ quan điểm về những vấn đề của cuộc sống dưới góc nhìn của Phật giáo

Di chứng tim mạch hậu COVID-19 do đâu, ai là người dễ mắc?

Đừng bắt con cái là tấm gương phản chiếu của chính chúng ta

Những sự kiện nổi bật của ngành y tế trong tuần

5 phim Marvel được kỳ vọng gây “sốt” thời gian tới

5 phim Marvel được kỳ vọng gây “sốt” thời gian tới

Trích: Sống hạnh phúc - Cẩm nang cho cuộc sống

Chương 14: Đối phó với lo âu và xây dựng lòng tự trọng

...

Bộ não con người được trang bị một hệ thống tinh vi được thiết kế nhằm ghi nhận những cảm xúc sợ hãi và lo âu. Hệ thống này có một chức năng quan trọng - nó thúc đẩy chúng ta phản ứng với nguy hiểm bằng cách vận hành một chuỗi phức tạp những biến cố sinh hóa và sinh lý. Phương diện có thể thích nghi của sự lo lắng là nó cho phép chúng ta tiên đoán trước nguy hiểm và có hành động ngăn ngừa. Vậy, một số loại sợ hãi và một lượng lo lắng nhất định có thể có tình lành mạnh. Tuy nhiên, các cảm giác sợ hãi và lo âu có thể kéo dài, thậm chí gia tăng khi vắng mặt một mối đe dọa có thật, và khi những cảm xúc ấy vượt quá tỷ lệ so với một mối nguy hiểm có thật nào đó, chúng trở nên lệch lạc. Cũng như giận dữ và ghen ghét, sự lo lắng quá mức có thể mang lại những hậu quả tàn khốc cho tâm trí và cơ thể, trở thành nguồn phát sinh đau khổ và thậm chí là cả bệnh tật.

...

Trong tìm kiếm những chiến lược đối phó với lo âu, trước hết, như Đức Đạt Lai Lạt ma sẽ chỉ ra, chúng ta phải nhận ra rằng có thể có nhiều nhân tố góp phần gây ra trải nghiệm lo âu. Trong một số trường hợp, có thể do một thành phần sinh học mạnh mẽ. Một số người xem ra có một sự yếu đuối nhất định về mặt thần kinh khi cảm nghiệm các trạng thái lo âu và bối rối. Các nhà khoa học gần đây đã khám phá ra một gene gắn liền với những người dễ lo âu và suy nghĩ tiêu cực. Tuy nhiên, không phải mọi trường hợp lo lắng có hại đều có nguồn gốc di truyền và không nghi ngờ gì, quá trình học tập và điều kiện hóa mới đóng vai trò chính trong nguyên nhân của nó.

Nhưng, bất kể sự lo âu của chúng ta có nguồn gốc chủ yếu là thể lý hay tâm lý, một tin mừng là chúng ta có thể làm một cái gì đó để ứng phó với nó. Trong những trường hợp lo âu nghiêm trọng nhất, dược phẩm có thể là một phần hữu ích trong chế độ điều trị. Nhưng hầu hết chúng ta, những người mệt mỏi vì những lo âu gặm nhấm từng ngày, chúng ta không cần đến sự can thiệp của thuốc men. Các chuyên gia trong lĩnh vực kiểm soát sự lo âu thường cảm thấy rằng tốt nhất là một cách tiếp cận nhiều chiều kích. Việc này bao gồm trước hết là loại bỏ khả năng nguyên nhân của sự lo lắng là do một chứng bệnh y khoa nằm ở bề sâu. Cải thiện sức khỏe thông qua chế độ ăn uống và bài tập hợp lý cũng có thể hữu ích. Và, như Đức Đạt Lai Lạt ma đã nhấn mạnh, chăm lo vun trồng lòng thương xót và đào sâu sự liên kết với người khác có thể thúc đẩy sự lành mạnh về tâm trí và giúp chiến đấu với các trạng thái lo lắng.

...

Đây là một trong những phương pháp chính được Đức Đạt Lai Lạt ma sử dụng để chiến thắng những lo lắng và bối rối hằng ngày. Áp dụng cùng một quy trình đã được sử dụng cho sự tức giận và ghen ghét, kỹ thuật này bao hàm việc chủ động thách đố những ý tưởng làm phát sinh sự lo lắng, thay thế chúng bằng những tư tưởng và thái độ tích cực đồng thời có lý.

...

"Trong việc đối phó với sợ hãi, tôi nghĩ rằng trước hết chúng ta phải nhận ra, có nhiều loại sợ hãi khác nhau. Một số loại sợ hãi rất thật, dựa trên những lý do hợp lý, chẳng hạn như sợ bạo lực hoặc sợ đổ máu. Chúng ta có thể thấy rằng những điều ấy là rất xấu. Thế rồi có nỗi sợ hãi về hậu quả tiêu cực dài hạn của những hành vi tiêu cực của chúng ta, sợ đau khổ, sợ những cảm xúc tiêu cực như ghen ghét. Tôi nghĩ đó là những thứ sợ hãi đúng đắn, đem chúng ta đến gần hơn việc trở thành một người tốt." Ngài dừng lại để suy nghĩ rồi trầm ngâm, "Mặc dù theo một ý nghĩa thì đó là những nỗi sợ hãi, nhưng tôi nghĩ hẳn có sự khác biệt giữa việc sợ những điều ấy và việc nhìn thấy bản chất phá hoại của chúng..."

Ngài dừng lại một lát và tỏ ra khoan thai. Cuối cùng, ngài tiếp tục nói với một tư thái thoải mái.

"Mặt khác, một số loại sợ hãi là do tinh thần chúng ta sáng tạo ra. Những nỗi sợ ấy có thể chủ yếu dựa trên sự phóng chiếu trong đầu óc. Chẳng hạn, có những nỗi sợ rất trẻ con," ngài cười, "như khi chúng ta còn nhỏ, hễ đi ngang qua một chỗ tối tăm, nhất là một căn phòng tối thì lại sợ - nỗi sợ ấy hoàn toàn dựa trên sự phóng chiếu tinh thần. Hoặc, khi tôi còn trẻ, những người quét rác và người chăm sóc tôi luôn cảnh cáo tôi rằng có một con cú luôn rình bắt trẻ con mà ăn thịt." Đức Đạt Lai Lạt ma cười còn lớn hơn nữa, "Thế mà tôi thực sự tin họ!"

"Có những loại sợ hãi khác dựa trên sự phóng chiếu của tâm trí," ngài tiếp tục. "Lấy ví dụ, nếu anh có những cảm xúc tiêu cực do trạng thái tâm trí của anh, anh có thể phóng chiếu những cảm xúc ấy lên người khác. Khi đó, người kia có vẻ như một người rất tiêu cực và thù nghịch. Và kết quả là anh cảm thấy sợ hãi. Thứ sợ hãi ấy, tôi nghĩ, có liên quan đến ghen ghét và nảy sinh như một sản phẩm của tâm trí. Thế nên, khi giải quyết sợ hãi, trước hết anh cần phải dùng lý trí của mình mà khám phá xem có cơ sở hợp lý nào cho nỗi sợ hãi của anh hay không."

...

"Một trong những cách mà cá nhân tôi thấy hữu ích để giảm trừ thứ lo lắng ấy là vun đắp ý nghĩ: Nếu hoàn cảnh hay vấn đề như thế mà có thể được giải quyết thì không cần gì phải lo lắng về nó nữa. Nói cách khác, nếu có một giải pháp hay lối thoát cho nỗi khó khăn thì người ta không cần thiết phải bị choáng ngợp vì nó nữa. Hành động phù hợp là tìm ra giải pháp cho nó. Dành hết tâm sức tập trung vào giải pháp thì có lý hơn là cứ lo âu về nỗi khó khăn. Một giải pháp khác, nếu không có lối thoát nào, không có giải pháp nào, không còn khả năng nào để giải quyết, thì khi đó cũng chẳng còn gì để lo âu về nó cả, vì anh chẳng làm được gì với nó nữa rồi. Trong trường hợp ấy, càng sớm chấp nhận sự thật anh càng dễ chịu hơn. Dĩ nhiên, công thức này hàm ý việc trực tiếp đối đầu với vấn đề. Bằng không, anh chẳng thể nào tìm ra được liệu có còn giải pháp nào để giải quyết vấn đề nữa hay không."

"Thế còn nếu ngay cả việc suy nghĩ về điều đó cũng không làm giảm nhẹ nỗi lo lắng của ngài thì sao?"

"Ồ, có lẽ anh cần phải nghiền ngẫm về những tư tưởng ấy thêm chút nữa và củng cố những ý tưởng ấy. Hãy tự nhắc nhở mình về nó nhiều lần. Dù sao chăng nữa, tôi nghĩ rằng cách tiếp cận này có thể giúp giảm bớt sự lo âu, nhưng điều đó không có nghĩa là nó luôn có hiệu quả."

...

Bàn về những "thuốc giải" cho sự lo lắng, Đức Đạt Lai Lạt ma đưa ra hai phương thuốc, mỗi cái có hiệu quả trên một bình diện khác nhau. Phương thuốc thứ nhất là chủ động tấn công vào sự chần chừ và lo lắng triền miên bằng cách áp dụng một tư tưởng đối nghịch: tự nhắc nhở mình rằng, nếu có một giải pháp cho vấn đề thì không cần gì phải lo lắng. Nếu không có giải pháp nào cho vấn đề thì lo lắng là điều vô nghĩa.

Giải pháp thứ hai là một phương thuốc có tầm mức rộng lớn hơn. Đó là biến đổi động cơ nền tảng của mình. Có một sự tương phản lý thú giữa cách tiếp cận động cơ con người của Đạt Lai Lạt ma và của tâm lý học Phương Tây.

...

 

 

Ở bình diện này, Đức Đạt Lai Lạt ma tập trung vào việc khai triển và sử dụng các động cơ học được để tăng cường "sự nhiệt tình và quyết tâm" của mình. Xét về một vài phương diện, điều này tương tự như cách nhìn của nhiều "chuyên viên động cơ hành vi" quy ước của phương Tây. Họ cũng tìm cách gia tăng sự nhiệt tình và quyết tâm của con người để hoàn thành các mục tiêu. Nhưng sự khác nhau nằm ở chỗ, Đạt Lai Lạt ma tìm cách xây dựng sự quyết tâm và nhiệt tình để dấn thân vào những hành vi toàn vẹn hơn và tẩy trừ những nét tiêu cực của tâm trí, thay vì nhấn mạnh vào việc đạt được những thành công thế tục, tiền bạc hay quyền lực. Và có lẽ sự khác nhau đáng kể nhất là, trong khi những "chuyên viên động cơ hành vi" bận rộn với việc thổi bùng lên ngọn lửa của những động cơ sẵn có để nhắm đến thành công thế tục, và các lý thuyết gia phương Tây bận tâm với việc phân loại các động cơ tiêu chuẩn của con người, thì mối quan tâm chính của Đức Đạt Lai Lạt ma lại nằm ở chỗ định hình lại và thay đổi động cơ nền tàng của con người để trở nên là động cơ lòng thương xót và nhân từ.

Trong hệ thống của Đức Đạt Lai Lạt ma nhằm rèn luyện tâm trí và đạt đến hạnh phúc, càng đến gần chỗ được thúc đẩy bởi lòng vị tha, người ta càng bớt sợ hãi hơn khi đối diện với những tình huống gây ra lo lắng cho dù đến cao độ đi nữa. Nhưng cùng một nguyên tắc ấy có thể áp dụng trong những trường hợp cụ thể hơn, ngay cả khi động cơ của người ta không hoàn toàn mang tính vị tha. Đứng lùi lại, chỉ cần bảo đảm rằng anh không nhằm làm hại ai, và động cơ của anh là chân thành, điều đó cũng có thể giúp giảm trừ nỗi lo lắng trong những tình huống thông thường mỗi ngày.

PV (lược trích)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Tâm thức