Hai sát thủ đồng hành: Chiến tranh và dịch bệnh

Đại dịch COVID-19 vẫn song hành cùng cuộc chiến tranh Ucraina hiện nay (ảnh rferl)

3 địa phương đã triển khai tiêm vaccine COVID-19 cho học sinh lớp 6

Chăm sóc sức khỏe tinh thần cho trẻ trong đại dịch

Tiêu điểm Sức khỏe+ ngày 16/4/2022

Hậu COVID-19: Nguy cơ tổn thương thận ở người khỏi bệnh

Bài học không quên: Chất da cam

Tại Việt Nam chúng ta, khi chiến tranh kết thúc vào năm 1975, những căn bệnh ngoài da lạ xuất hiện và khó chữa, dù không gây tử vong, nhưng làm cho cuộc sống vốn khó trong chiến tranh, càng khó khăn hơn sau chiến tranh. Hầu như lúc đó ai cũng bị bệnh “ghẻ ngứa”này. Và đó chỉ là căn bệnh lây nhiễm cộng đồng nhẹ và nhanh chóng chữa khỏi. Còn giờ đây, sau gần 5 thập kỷ, di chứng của chất độc da cam vẫn không ngừng giáng lên số phận những trẻ mới sinh bất hạnh thời hậu chiến.

Năm 2014 trên sân tennis của chung cư HAGL ở Quận 2 TP.HCM tôi đã gặp một cựu binh Mỹ. Ông trở lại Việt Nam trong vai trò người nghiên cứu về các căn bệnh sau chiến tranh Việt Nam do chất độc diệt cỏ gây ra. “Chiến tranh gây ra mầm mống dịch bệnh mà khoa học chưa thể biết hết”, ông nói với tôi. Năm 1979, từng có một vụ kiện nhân danh hàng vạn cựu binh Mỹ nghi phơi nhiễm chất da cam khi tham chiến tại Việt Nam. Đã có nhiều trường hợp con cái họ bị dị tật do di truyền các chất độc da cam.

ky-1-bi-mat-sau-lan-khoi-khai-quang-2

Thùng hóa chất này có thể ảnh hưởng đến nhiều thế hệ người của Việt Nam và Mỹ (ảnh World Press))

Trong khi đó, Giáo sư, bác sỹ Nguyễn Thị Ngọc Phượng, Phó Chủ tịch Hội da cam Việt Nam, cho biết ở tuổi U80 bà vẫn không ngừng đấu tranh buộc những người rải chất da cam tại Việt Nam phải chịu trách nhiệm. Bệnh truyền nhiễm da cam không chỉ lây cho một thế hệ, mà còn kéo dài không biết đến bao lâu tại Việt Nam.

Chiến tranh gây ra đại dịch

Không chỉ chiến tranh tại Việt Nam. Lịch sử cũng ghi nhận hầu như tất cả các cuộc xung đột lớn nhỏ đều gây ra dịch bệnh sau đó. Trong cuộc chiến tranh chống Napoléon, quân đội Anh chết vì dịch bệnh gấp tám lần so với số binh sỹ tử vong trong chiến đấu. Số người chết vì các bệnh truyền nhiễm viêm phổi, thương hàn, kiết lỵ và sốt rét… chiếm 2/3 trong số ước tính 660.000 người tử vong trong cuộc nội chiến Hoa Kỳ. Hai năm sau chiến tranh số người chết vì dịch bệnh tương ứng số người chết trong suốt cuộc chiến tranh. Những bệnh truyền nhiễm chết người này được gọi là “đội quân thứ ba".

Chiến tranh thế giới lần thứ nhất (1914-1918) đã gây ra đại dịch cúm giết chết 100 triệu người, gấp đôi số người chết trong cuộc chiến.

Đối với thường dân, xung đột thúc đẩy các yếu tố dẫn đến gia tăng tỷ lệ mắc các bệnh truyền nhiễm, bao gồm cả sự chạy loạn quá đông, thiếu khả năng tiếp cận nước sạch, vệ sinh kém, thiếu nơi ở và thiếu thực phẩm.

Ngoài ra, chiến tranh làm sụp đổ mạng lưới y tế cộng đồng, phá hủy bệnh viện và cản trở các chương trình tiêm chủng hoặc phòng ngừa dịch bệnh.

Theo tạp chí y khoa uy tín thế giới Lancet (tháng 3/2022), hiện nay, 25 quốc gia bị ảnh hưởng bởi xung đột và chiến tranh vẫn cần hỗ trợ nhân đạo, chủ yếu ở châu Phi cận Sahara, trong đó bệnh nhiễm trùng hô hấp, bệnh tiêu chảy, bệnh sởi, sốt rét là nguyên nhân chính gây tử vong. Người ta ước tính rằng các bệnh truyền nhiễm (sau các cuộc xung đột, chiến tranh) gây ra tới 70% tổng số ca tử vong ở các quốc gia này.

Dịch tả, lỵ, viêm màng não, sốt tái phát và sốt phát ban đã gây ra tỷ lệ tử vong rất cao, trong khi bệnh lao và HIV / AIDS ngày càng lây lan nghiêm trọng. Gánh nặng này của cái chết và bệnh tật không chỉ ảnh hưởng đến khoảng 40 triệu người tị nạn trong nước, mà còn lây lan cho dân cư sống ở các nước lân cận.

Trong khi xung đột, các nhóm cư dân thường di tản hay sơ tán đột ngột và được tái định cư ở các khu cứu trợ chen chúc và thiếu thốn. Tỷ lệ tử vong tại đây cao hơn 60 lần so với tỷ lệ trước khi sơ tán.

151541379-8985ecf2-01f0-460b-9952-af18b836bf26

Châu Phi đang đối mặt với các vấn đề thiếu lương thực, thiếu thuốc chữa bệnh... (ảnh agi)

Năm 2018, một nhóm các nhà khoa học và chuyên gia chính sách của Đại học Stanford, Hoa Kỳ, do giáo sư Eran Bendavid dẫn đầu đã thực hiện một nghiên cứu xem xét xung đột vũ trang và tỷ lệ tử vong trẻ em ở châu Phi. Phân tích của họ đã kiểm tra hơn 15.000 sự kiện xung đột dẫn đến gần một triệu người chết trong khoảng thời gian 20 năm từ 1995 đến 2015. Họ phát hiện ra rằng nguy cơ trẻ sơ sinh chết trong vòng 50 cây số sau một cuộc xung đột vũ trang cao hơn nhiều so với trẻ sơ sinh sống bên ngoài khu vực xung đột ở Châu Phi. Hơn nữa, số trẻ sơ sinh tử vong cao gấp 3 đến 4 lần so với “số ca tử vong trực tiếp do xung đột vũ trang” (The Lancet.com, March 2022)

Trường hợp châu Phi

Để giảm thiểu bệnh tật và tử vong cần phải có một số biện pháp khẩn cấp phòng ngừa và kiểm soát có mục tiêu (ví dụ: chủng ngừa bệnh sởi, cung cấp nước sạch). Nhiều cái chết thương tâm xảy ra nếu không có các biện pháp kịp thời này. Ví dụ, sự bùng phát của bệnh tả và bệnh kiết lỵ ở Goma, Phi Châu, vào tháng 6 năm 1994, giết hơn 12.000 người tị nạn Rwandan chỉ trong 3 tuần.

Tuy nhiên, bối cảnh của các tình huống xung đột đã thay đổi trong thập kỷ qua, các trại tị nạn không còn là chuẩn mực vì dân số thường phân tán giữa các cộng đồng địa phương. Ở vài nước, chiến tranh đã dẫn đến "các trường hợp khẩn cấp” ảnh hưởng đến toàn bộ quốc gia và với các giai đoạn phục hồi kéo dài - ví dụ, Afghanistan, Angola, Somalia và Cộng hòa Dân chủ Congo. Rất thường xuyên, các cộng đồng phụ thuộc lâu dài vào các tổ chức phi chính phủ về dịch vụ y tế cơ bản. Ở Afghanistan, hơn 70% dịch vụ chăm sóc sức khỏe được cung cấp bởi các tổ chức như vậy. Xây dựng lại cơ sở hạ tầng y tế ở những quốc gia này cũng có thể được coi là ưu tiên nhưng nó hiếm khi nhận được sự đầu tư dài hạn cần thiết từ cộng đồng quốc tế.

Các chương trình phòng ngừa và kiểm soát xấu đi ở các khu vực bị chiến tranh tàn phá, do đó các bệnh truyền nhiễm như sốt rét, sốt vàng da, bệnh lao và bệnh AIDS; và các bệnh có thể phòng ngừa được bằng vắc xin như bệnh sởi. Cũng theo tạp chí y học Lancet, ở Afghanistan, bệnh sốt rét đã được kiểm soát tốt trước khi chiến tranh bùng nổ năm 1979. Nhưng, trong 20 năm qua, bệnh đã bùng phát trở lại, với 2-3 triệu trường hợp mỗi năm, tỷ lệ tử vong ngày càng tăng.

Ukarine 1

Các khu vực đang có xung đột thiếu nguồn cung y tế trầm trọng (Ảnh: Unicef)

Tại Cộng hòa Dân chủ Congo, bệnh trùng mũi khoan (trypanosomiasis) đã bùng phát như là hệ quả tức thời của cuộc xung đột. Năm 1930, hơn 33.000 trường hợp đã được ghi nhận, giảm xuống ít hơn 1.000 trường hợp vào năm 1959 sau khi tích cực truy vết các ca nhiễm và điều trị. Sau đó, xung đột vào những năm 1960 lại dẫn đến sự sụp đổ của chương trình kiểm soát và vào năm 2001, số trường hợp được ước tính là 40.000, với một tỷ lệ mắc bệnh trên 70% ở một số làng quê hẻo lánh. Tỷ lệ nhiễm HIV / AIDS ngày càng tăng ở các vùng chiến sự do thiếu thuốc tiêm ngừa, thiếu điều trị các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục, hoạt động mại dâm tăng và khan hiếm bao cao su cũng là những mối đe dọa lớn đối với sức khỏe lâu dài của các cộng đồng yếu thế và dễ vỡ này.

Vũ khí sinh học: Đe dọa diệt vong

Tỷ lệ tử vong và bệnh tật vượt quá cao từ các bệnh truyền nhiễm ở các nhóm dân cư bị ảnh hưởng bởi chiến tranh do thiếu điều kiện bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cơ bản. Năm 2001, hơn một nửa số các đợt dịch bùng phát có tầm quan trọng quốc tế xảy ra ở các vùng có xung đột vũ trang hay chiến sự. Ngoài ra, việc sử dụng không đúng thuốc kháng sinh và thiếu các biện pháp kiểm soát có thể thúc đẩy xuất hiện tình trạng kháng thuốc ở những nơi bị ảnh hưởng bởi chiến tranh.

Cuối cùng, sau sự cố bệnh than ở Hoa Kỳ trong tháng 10 năm 2001, ngày càng có nhiều lo ngại rằng các bệnh truyền nhiễm có thể được sử dụng chế tạo vũ khí sinh học. Nếu chiến tranh sinh học xảy ra, nhân loại sẽ ít hy vọng sống sót. Nhưng chúng ta mong tình huống ấy không bao giờ đến.

Ngược lại, những tiến bộ đang được thực hiện trong xây dựng hòa bình và tái thiết ở Afghanistan, Angola, Cộng hòa Dân chủ Congo và Đông Timor mang đến hy vọng cho tương lai. Vào đầu tháng 4 năm 2022, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết việc di dời hàng loạt người ở Ucraina làm ca nhiễm COVID-19 tăng cao, đồng thời cảnh báo rằng một số lượng lớn người có nguy cơ mắc bệnh nặng do nguồn cung cấp oxy đang ở mức cực kỳ thấp. Tiến sỹ Bruce Aylward, cố vấn cấp cao của WHO, cho biết trong một cuộc họp báo tại Geneva, cảnh báo rằng những người tị nạn đặc biệt dễ bị mắc bệnh hiểm nghèo và tử vong trong thời chiến. Có ít nhất ba nhà máy oxy lớn hiện đã đóng cửa do giao tranh. Tổng Giám đốc Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết nguồn cung cấp y tế được chuyển tới Kiev trước khi xung đột xảy ra, hiện không thể tiếp cận được. TGĐ Tedros kêu gọi một hành lang nhân đạo an toàn để cung cấp các vật tư y tế cực kỳ cần thiết cho Ucraina. Theo WHO, cũng có sự thiếu hụt thuốc điều trị ung thư và tiểu đường. Giám đốc WHO cho biết thêm việc di dời hàng loạt người sẽ làm gia tăng sự lây truyền COVID-19, đồng thời gây áp lực gia tăng lên các hệ thống chăm sóc sức khỏe ở các nước láng giềng.

107021624-1645975237886-gettyimages-1373118447-om2_1790_2022022724332013

Các đoàn người di cư làm tăng nguy cơ xuất hiện một làn sóng lây nhiễm COVID-19 mới ở Châu Âu (Ảnh: CNBC)

TGĐ Tedros cho biết tại cuộc họp báo: “Trước khi xảy ra xung đột, Ucraina đã trải qua một làn sóng nhiễm COVID-19. Tỷ lệ xét nghiệm thấp kể từ khi bắt đầu xung đột, có nghĩa là có khả năng lây truyền đáng kể mà không được phát hiện cùng với tỷ lệ tiêm chủng thấp. Điều này làm tăng nguy cơ một số lượng lớn người phát triển bệnh nặng”. Cơ quan cứu trợ của Liên Hợp Quốc đã cảnh báo rằng nguy cơ lây lan COVID-19 khác đang gia tăng khi hàng trăm nghìn người chạy trốn khỏi cuộc chiến để đến các nước láng giềng của Ucraina ở Ba Lan và các nơi khác ở châu Âu. Vào tháng 1-3/2022, Ucraina đã phải chịu mức tăng 555% các trường hợp nhiễm COVID-19, chủ yếu do biến thể Omicron. Cơ quan cứu trợ cảnh báo rằng một đợt bùng phát COVID-19, trên những người bị thương trong chiến tranh, sẽ gây áp lực lớn hơn nữa đối với hệ thống chăm sóc sức khỏe của Ucraina vốn đã quá mỏng manh.

 

 

Khi viết bài báo này tôi luôn cầu nguyện cho người dân tại các vùng chiến sự ở Ucraina, trong đó là đa số dân thường, phụ nữ và trẻ em, mong mọi sự an lành đến với họ.

Như vậy, câu chuyện về sức khỏe bền vững của con người cũng là câu chuyện dài về chiến tranh và hòa bình. Chắc trong chúng ta, không một người nào “minh mẫn về tinh thần và tráng kiện về sức khỏe” lại muốn chiến tranh.

Hòa bình chiến thắng!

 

TS. Trần Ngọc Châu
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin - Báo bạn