Táo Quân cuối năm là chương trình hội tụ tất cả những sự kiện đã diễn ra với một góc nhìn hài hước. Đó không đơn giản là một khoảng thời gian giải trí trong những giờ phút cuối cùng của một năm mà nó còn là thời điểm toàn xã hội nhìn lại những gì đã trải qua. Một năm 2013 đầy biến động và giống như bao năm khác, Táo Quân là chương trình hội tụ tất cả những sự kiện đã diễn ra với một góc nhìn hài hước.
Và có lẽ, một trong những ngành mà nhiều người đang chờ đợi được xem, đó là ngành Y tế.
Khác với các ngành nghề khác, Y tế có trách nhiệm trực tiếp đối với tính mạng người dân và do đó nếu như xảy ra sự cố thì hậu quả của nó thường rất đau thương, Đó là cái chết của một con người hay là sự ảnh hưởng đến sức khỏe của con người.
Khi một sự cố ngành Yxảy ra, trách nhiệm được ngay lập tức dồn về phía nhân viên Y tế mà đôi khi người ta không hiểu được rằng Y khoa là hữu hạn bởi đó là ngành khoa học "không bao giờ là 100%". Nếu như các nhà hóa học điều chế ra các chất, hợp chất và được phép thất bại, thậm chí có thể làm nổ tung cả phòng thí nghiệm đồ sộ thì hậu quả thường chỉ là sự mất mát vật chất, ngành Y lại không được phép thử nghiệm tùy tiện trên cơ thể con người, và do đó các phương pháp chẩn đoán, điều trị nếu xét về mặt khoa học chỉ cần có độ chính xác (accuracy) trên 70% đã là tốt lắm rồi. Các nghiên cứu về y khoa thường cũng chấp nhận mức sai lầm cho phép là 5% và các chẩn đoán, điều trị, do vậy luôn luôn có một mức độ sai lầm nhất định.
Nói như vậy không phải Y khoa chấp nhận sai sót 5% và nếu không may rơi vào nhóm 5% sai lầm thì chúng ta buộc phải chịu những hậu quả. Ngành Y hiện nay đang hướng đến nghiên cứu cá thể hóa, từ các thống kê quần thể chuyển thành nghiên cứu hệ gen và tác động của các yếu tố lên hệ gen trong quá trình hình thành bệnh tật cũng như điều trị bệnh. Tuy nhiên để có thể đạt được trình độ đó thì tôi cho rằng có thể mất đến vài trăm năm nữa.
Như vậy, từ giờ đến khi cá thể hóa được chăm sóc y tế, tất cả chúng ta bao gồm cả những nhân viên Y tế và Bác sỹ đều phải chấp nhận một rủi ro chung, đó là rủi ro của cuộc sống này. Rủi ro này đến từ cá nhân hay tập thể thì nhìn chung gốc rễ của nó vẫn phải xuất phát từ cả hai phía: nhận thức của xã hội về sức khỏe và trách nhiệm của nhân viên Y tế.
Song có một điều chắc chắn rằng, khi rủi ro xảy ra, đa phần chúng tôi, những nhân viên Y tế đều cảm thấy đau lòng. Nếu như rủi ro đó xuất phát từ sự tắc trách hoặc từ sự thiếu kiến thức chuyên môn của đồng nghiệp thì dù không liên quan chúng tôi cũng cảm thấy thực sự xấu hổ với xã hội. Nhưng nếu như rủi ro đó xuất phát từ sự thiếu hiểu biết của người dân về công tác phòng bệnh cũng như những kỹ năng sinh tồn cơ bản nhất thì điều đó còn khiến chúng tôi trăn trở hơn rất nhiều. Những biến cố vừa qua thực sự cũng khiến chúng tôi phải thức tỉnh trách nhiệm. Đó là trách nhiệm cơ bản nhất của một nhân viên Y tế trong việc thực hiện đúng và đủ những nhiệm vụ mình được giao. Đó là trách nhiệm của lương tâm một người làm ngành Y trong việc chăm sóc và giáo dục sức khỏe cho cộng đồng Việt. Đó còn là trách nhiệm đẩy mạnh truyền thông Y tế để người dân hiểu hơn về các công việc âm thầm mà nặng nhọc đang ngày đêm diễn ra trong ngành Y.
Một sự cố xảy ra cũng khiến gia đình của những người liên quan đau đớn. Mất con, mất mẹ, mất vợ, hay bất kỳ sự ra đi nào của người thân đều là nỗi đau lớn nhất của mỗi con người. Diễn biến của một cú sốc trong cuộc đời thường đi theo trình tự: từ sự phản kháng mạnh mẽ (đau đớn, khóc lóc, kêu gào, đập phá, kiện cáo…) cho đến sự suy sụp (mệt mỏi, buồn chán, ngại tiếp xúc, thiếu định hướng…) rồi cuối cùng có thể dẫn đến sự sụp đổ (quẫn chí, liều lĩnh…). Như vậy vào thời điểm này, có lẽ người nhà của những "cú sốc ngành Y" vừa qua đang trải qua giai đoạn một và hai. Và nếu như chúng ta không nghĩ trên quan điểm tâm lý của họ thì vô tình chúng ta lại khơi dậy và khoét sâu hơn những ám ảnh về "cú sốc cuộc đời", từ đó hậu quả tâm lý để lại có thể là cả đời hoặc dẫn đến sụp đổ. Tại các nước phát triển, tất cả những sự kiện có thể gây ám ảnh cho người liên quan (ví dụ: bố, mẹ, vợ, chồng, con cái…) đều được xử lý truyền thông trước để đảm bảo sự riêng tư và quyền cá nhân, đồng thời mục tiêu cao nhất là không gây thương tổn về tâm thần cho họ.
Có thể những người phải chịu trách nhiệm trực tiếp cho những vụ việc vừa qua đang ăn năn, đau đớn, hoặc bản chất của họ đã thay đổi đến mức không quan tâm đến hậu quả của những sai lầm mình đã gây ra, nhưng những người còn lại, bao gồm rất nhiều cán bộ nhân viên Y tế, gia đình và bạn bè của người đã mất, những con người tốt bụng và đồng cảm với những mất mát đó, đều không mong muốn khơi lại những nỗi đau. Trách nhiệm của tất cả đều đã rõ. Phán quyết của pháp luật chắc chắn sẽ minh bạch, ngành Y tế đang sôi sục hơn lúc nào hết để diệt trừ các tiêu cực trong nội bộ. Vậy thì có nên khơi lại những nỗi đau của hàng trăm ngàn người hay không? Tôi nghĩ là không.
Bình luận của bạn