Dùng miếng dán tránh thai có gặp tác dụng phụ?

Miếng dán tránh thai vẫn có thể gây tác dụng phụ.

Thuốc tránh thai có làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim?

Đàn ông nghĩ gì về việc tránh thai?

Ra máu sau khi đặt vòng tránh thai phải làm sao?

Trì hoãn kinh nguyệt bằng thuốc tránh thai: Nên hay không?

Chào bạn,

Dùng miếng dán tránh thai là hình thức dùng thuốc ngấm qua da, sau đó lượng thuốc thấm vào máu và phát huy tác dụng. Miếng dán tránh thai được dán trực tiếp vào da vùng mông, bụng, lưng trên hoặc bắp tay. Dùng miếng dán theo chu kỳ kinh nguyệt. Một ngày sau hết kinh, dán miếng dán lên da và để nguyên trong 1 tuần. Vào ngày đó của tuần kế tiếp, bạn bóc miếng dán cũ ra và dán một miếng mới. Miếng dán mới có thể dán ở chỗ khác trên cơ thể. Trong tuần thứ 4 không dán miếng dán mới và kinh nguyệt xảy ra. Tuần tiếp theo, lặp lại quy trình. Lần đầu tiên dùng miếng dán phải dùng thêm một biện pháp tránh thai khác trong 7 ngày để phòng ngừa mang thai. Nếu các miếng dán kế tiếp được dán và bỏ đúng lúc, không cần dùng thêm các phương pháp tránh thai khác.

Miếng dán phóng thích liên tục hai hormon tổng hợp là progestin (norelgestromin) và estrogen (ethinyl estradiol), tương tự với hormone được cơ thể sản sinh tự nhiên. Cơ chế tránh thai và hàm lượng thuốc của miếng dán giống viên thuốc tránh thai và cũng có những tác dụng phụ như: Kích ứng nhẹ da ở vùng dán, đau đầu, cương vú, ra máu âm đạo bất thường, tăng cân nhẹ, buồn nôn và nôn, trướng bụng... Hơn nữa, do cơ chế thẩm thấu hormone trực tiếp vào máu, miếng dán tránh thai có thể tăng nguy cơ gây máu vón cục và bệnh tim mạch. Điều này là do lượng estrogen trong miếng dán ngừa thai và viên thuốc tránh thai hàng ngày tương đương nhau nhưng khi uống thuốc, hormone được chuyển hóa trong ruột trước khi đi vào mạch máu, còn khi dùng miếng dán, hormone đi trực tiếp vào mạch máu. Vì vậy, khi quyết định tránh thai bằng dùng miếng dán, chị em nên đi khám xác định xem mình có nguy cơ mắc bệnh tim mạch không. Đối với phụ nữ bị bệnh mạn tính như: bệnh về tim mạch, bướu cổ, tăng huyết áp, hoặc có khối u, đái tháo đường... không nên dùng miếng dán tránh thai và dĩ nhiên cũng không được dùng viên uống ngừa thai hỗn hợp có chứa estrogen, nhất là loại có hàm lượng cao, vì có thể gây ra tai biến.

Trong thư bạn phản ánh bị buồn nôn do thuốc tránh thai, nên khi dùng miếng dán có thể vẫn gặp tác dụng phụ này. Vì vậy, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ để có cách khắc phục hoặc lựa chọn biện pháp tránh thai phù hợp.

DS. Công Trí

Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Hỏi đáp Phòng bệnh & Điều trị