Khu trồng rau an toàn P.Lĩnh Nam, Q.Hoàng Mai, Hà Nội nằm bên mương nước thải (Ảnh: Phan Hậu)
Hiếm như... rau an toàn!
Rau an toàn = Phun thuốc cực độc + thu hoạch trong ngày?
Nhiều nông sản bẩn “đội lốt” an toàn
Rau sạch vẫn phải rửa
Theo quy định của Bộ NN-PTNT, khu đất trồng RAT phải cách xa và không ảnh hưởng của các nguồn nước thải từ bệnh viện, khu công nghiệp, dân cư… Tuy nhiên, qua khảo sát thực tế Hà Nội vẫn còn nhiều vùng RAT nằm ngay cạnh nguồn nước ô nhiễm.
Ở vùng trồng RAT tại P.Lĩnh Nam (Q.Hoàng Mai, Hà Nội), dọc theo lô đất trồng rau là mương nước với lớp đất bùn đen đặc quánh, chứa toàn bộ nước, rác thải từ các khu dân cư dồn về đây. Vào ngày nắng, nước thải bốc mùi hôi nồng nặc. Ngay trên bờ con mương này là ruộng rau non xanh mơn mởn.
“Chúng tôi biết mương nước thải gần nơi trồng rau nhìn rất mất mỹ quan, nhưng đã kiến nghị nhiều lần lên chính quyền để cải tạo xử lý nhưng chưa được giải quyết. Nhưng nông dân ở đây chỉ tưới rau bằng nước giếng khoan do hợp tác xã bơm hằng ngày”, ông Lê Hồng Minh, Phó chủ nhiệm HTX dịch vụ nông nghiệp Lĩnh Nam phân trần.
Không riêng gì Lĩnh Nam, RAT trồng bên cạnh nguồn nước thải chăn nuôi, nước thải sinh hoạt đổ ra từ các khu dân cư cũng diễn ra ở khu vực Vân Nội, H.Đông Anh, Hà Nội.
Không chỉ có vậy, người dân còn vi phạm quy trình sản xuất, phun thuốc bảo vệ thực vật bừa bãi. Ông Minh cho biết trồng RAT là nghề truyền thống ở Lĩnh Nam. Ngoài ban quản lý HTX, cán bộ bảo vệ thực vật ở phường, còn có 34 tổ trưởng giám sát sản xuất. Có đội ngũ hùng hậu là vậy, nhưng ban quản lý vẫn không thể kiểm soát hoàn toàn nông dân có tuân thủ đúng quy trình sản xuất hay không. Các vi phạm chủ yếu là bón đạm, phun thuốc bảo vệ thực vật gần ngày thu hoạch rau. Nông dân để bao bì thuốc thực vật đã sử dụng rơi vãi vào nguồn nước rửa rau.
Ông Nguyễn Duy Hồng, Chi Cục trưởng Chi Cục Bảo vệ thực vật Hà Nội cho biết, quản lý sản xuất RAT rất khó khăn do nông dân sản xuất quy mô nhỏ, phân tán. Hà Nội đã có 5.100ha được chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm với 80.000 hộ sản xuất rau nhưng chỉ có 30% được huấn luyện IPM (học thực tế, thực hành trên đồng ruộng). Hiện còn khoảng 7.000ha chưa được chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm với khoảng 120.000 hộ sản xuất, tỷlệ được huấn luyện IPM rất thấp.
Tại vùng trồng RAT phường Cự Khối (Q.Long Biên, Hà Nội), khi hỏi về quy trình giám sát sản xuất, ông Lê Văn An, Chủ nhiệm HTX dịch vụ nông nghiệp phường Cự Khối lắc đầu thừa nhận “rất khó kiểm soát” cùng lúc hàng trăm hộ nông dân với nhiều loại rau khác nhau.
“Qua các đợt kiểm tra vẫn phát hiện một số trường hợp sử dụng thuốc bảo vệ thực vật không đúng cách. Có loại thuốc dù được cán bộ bảo vệ thực vật khuyến cáo không được phép sử dụng cho rau, chỉ dùng cho cây ăn quả có thời gian cách ly dài hơn, để đảm bảo an toàn nhưng nông dân vẫn phun cả cho rau”, ông An nói.
Rau từ Trung Quốc dán mác an toàn
Cũng theo thông tin từ đại diện các HTX trồng RAT, ngoài quy trình giám sát của địa phương, định kỳ hằng tháng Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội đều có cán bộ đi lấy mẫu đột xuất phân tích, kiểm tra tiêu chí điều kiện quy định đảm bảo an toàn, chất lượng sản phẩm, làm cơ sơ cảnh báo, nhưng quy trình này phải mất tới hàng tuần. Trong khi đó, ngày kiểm tra sát với thời điểm rau chuẩn bị vào vụ thu hoạch, nên đến khi địa phương nhận được kết quả thì nông dân đã bán hết rau rồi.
Theo Sở NN-PTNT Hà Nội, qua kiểm tra các vùng sản xuất RAT tại các quận, huyện Thanh Trì, Mỹ Đức, Ba Vì, Từ Liêm và Hà Đông trong 6 tháng đầu năm 2015 đã phát hiện 36 trường hợp vi phạm. Trong đó, 26 trường hợp vi phạm công tác vệ sinh đồng ruộng, 1 trường hợp sử dụng thuốc bảo vệ thực vật ngoài danh mục, 3 trường hợp sử dụng thuốc sai.
Cụ thể, thuốc dùng trên lúa nhưng dùng cho rau, 6 trường hợp phun thuốc không đúng quy trình an toàn. Cũng theo thông tin từ Phòng Cảnh sát môi trường TP.Hà Nội, qua kiểm tra tại vùng sản xuất RAT Vân Nội (H.Đông Anh), phát hiện rau có xuất xứ từ Trung Quốc nhưng được đóng gói, gắn mác RAT đưa vào tiêu thụ tại các siêu thị lớn.
Bình luận của bạn