Báo động gia tăng dịch bệnh do nguồn nước ô nhiễm

Trong thời gian tới, bệnh sốt xuất huyết sẽ gia tăng do mùa mưa, nước tồn đọng nhiều. Ngoài ra, các bệnh truyền nhiễm khác như sởi, tay chân miệng… cũng sẽ tiếp tục bùng phát nếu không kịp thời có các biện pháp vệ sinh nguồn nước, môi trường và đảm bảo an toàn thực phẩm.

Các bệnh truyền nhiễm gia tăng


Một ca bệnh tay - chân - miệng đang được điều trị tại BV Nhi Đồng 1 (Ảnh: Hoàng Nhung)

Hầu hết những ca viêm não Nhật Bản tập trung ở các tỉnh phía Bắc. Tính đến nay cả nước có 565 ca viêm não, trong đó viêm não Nhật Bản B chiếm 140 ca và đã có 22 trường hợp tử vong do viêm não. Tỉnh Sơn La có số ca mắc cao nhất với 100 trẻ mắc hội chứng não cấp, trong đó có 34 ca viêm não Nhật Bản, tập trung nhiều nhất ở huyện Sông Mã và Quỳnh Nhai.

Tính từ đầu năm 2014, cả nước ghi nhận 13.000 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết tại 45 tỉnh, thành phố, trong đó 8 ca tử vong. Theo ông Nguyễn Chí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP. HCM, từ nay đến cuối năm, nguy cơ phát sinh dịch bệnh sốt xuất huyết và tay - chân - miệng là rất cao.

So với cùng kỳ năm ngoái, số ca mắc tay - chân - miệng nhập viện tăng khoảng 31%. Tính từ đầu năm 2014, cả nước ghi nhận 38.217 ca mắc, trong đó có 2 ca tử vong do bệnh tay - chân - miệng.

Ghi nhận về bệnh sởi cho thấy, trong tháng 7 cả nước có hơn 2.000 trường hợp sốt phát ban nghi sởi, 2 ca tử vong. Tính đến ngày 17/7, có 33.500 trường hợp sốt phát ban nghi sởi tại 63/63 tỉnh, thành phố, 147 trường hợp tử vong có liên quan đến sởi.

Nước “sạch” không đủ sạch


Nhiều cơ sở cấp nước không đảm bảo tiêu chuẩn về nồng độ các chất có trong nước

Theo thống kê của Trung tâm Y tế dự phòng TP. HCM, tính từ đầu năm đã có 3.500 ca tiêu chảy. Con số này tuy có giảm 33% so với cùng kỳ năm trước nhưng đáng chú ý là việc xuất hiện hai chùm ca bệnh tiêu chảy cấp tại huyện Bình Chánh trong tháng 7, làm 2 trẻ tử vong.

Bộ trưởng Bộ Y tế cho rằng, riêng với bệnh tiêu chảy cấp, việc phòng chống phải gắn chặt với đảm bảo nguồn cung cấp nước sạch và an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, nguồn nước sạch tại các thành phố lớn hiện nay nhiều nơi chưa đủ chuẩn (duy trì nồng độ Clo dư 0,3 – 0,5mg/lít) tại vòi sử dụng.

Theo kết quả kiểm tra của Cục Quản lý Môi trường (Bộ Y tế) tại 1.722 cơ sở cấp nước có công suất trên 1.000m3/ngày đêm, 18% các cơ sở không đạt chỉ tiêu lý hóa và 6% không đạt chỉ tiêu vi sinh.

Tại TP. HCM còn có đến ba nhà máy cung cấp nước trên 1.000 m3/ngày/đêm không đạt tiêu chuẩn vì có hàm lượng Mangan và sắt cao hơn mức cho phép. Bên cạnh đó, một số nhà máy có hàm lượng Clorua không đạt chỉ tiêu ở cuối nguồn nước, tại quận 8, cơ quan chức năng lại không tìm thấy Clorua. Bên cạnh đó, nhiều bồn cấp nước đã cũ và gỉ sét, tại một số xã thuộc huyện Bình Chánh còn tồn tại tình trạng cầu tiêu ao cá rất mất vệ sinh.

Bộ trưởng Bộ Y tế đề nghị UBND TP. HCM tăng cường giám sát công tác vệ sinh nguồn nước sinh hoạt, vì đây là nguy cơ phát sinh nhiều bệnh tật, dịch bệnh nếu bị ô nhiễm. Ngay trong tuần này, Bộ Y tế sẽ lập 5 đoàn kiểm tra về nước sinh hoạt và nước uống để phòng chống các bệnh lây qua đường tiêu hóa.


CTV9
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin - Báo bạn