Ghép tạng: 1 người cho trăm người chờ

Mới đây, Việt Nam lần đầu tiên thực hiện ca ghép đa tạng thành công, mở ra hy vọng mới cho những bệnh nhân suy tạng, đồng thời khẳng định tay nghề của đội ngũ y - bác sĩ nước nhà. Tuy vậy, tìm được nguồn tạng để ghép đang là vấn đề lớn.

“Nắng hạn chờ mưa”

Đã nhiều năm qua, chị H.T.L.T (40 tuổi, ngụ TP HCM) phải chạy thận nhân tạo (CTNT) 5 lần/tuần. Bác sĩ cho biết giải pháp này chỉ là tạm thời; về lâu dài, bệnh nhân phải tìm nguồn thận để ghép nếu không sẽ khó giữ được mạng sống. Trường hợp như chị T. không phải hiếm. Đã có nhiều người phải xem bệnh viện (BV) là nhà khi mắc căn bệnh này. Lý do là họ không đủ tiền để được thực hiện ca ghép nhưng chủ yếu là BV chưa tìm được nguồn tạng tương thích.

Tại các BV ở TP HCM, số bệnh nhân chờ ghép tạng rất lớn, trong tình cảnh như “nắng hạn chờ mưa”. Bác sĩ Phan Văn Báu, Giám đốc BV Nhân dân 115 (TP HCM), cho biết tại đây có hơn 1.500 người được lọc thận bằng phương pháp thẩm phân phúc mạc và 500 người CTNT vì suy thận quá nặng. Với khoảng 60 máy CTNT chạy hết công suất 4-5 ca/ngày vẫn chưa đáp ứng hết nhu cầu của hàng ngàn ca suy thận mạn thường xuyên điều trị tại đây. Trong 10 năm qua, BV chỉ mới ghép được hơn 60 ca suy thận nặng.

Theo PGS-TS Trần Ngọc Sinh, Trưởng Khoa Tiết niệu BV Chợ Rẫy, 100 người trong số hàng ngàn trường hợp CTNT tại đây đang mỏi mòn chờ có thận để ghép. Riêng về gan, PGS-TS-BS Nguyễn Tấn Cường, nguyên Trưởng Khoa Ngoại gan - Mật - Tụy BV này, cho biết tại đây có khoảng 1.000 trường hợp cần ghép gan mỗi năm nhưng nguồn tạng phù hợp chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay. Cái khó chính là việc hiến tạng ở nước ta còn rất ít, ngay cả đối với các trường hợp chết não.

Theo Bộ Y tế, cả nước hiện có hơn 72.000 ca suy thận mạn giai đoạn cuối. Nhu cầu ghép tạng ở Việt Nam rất lớn với 6.000 người bị suy thận mạn cần ghép thận, 5.000 người chờ ghép giác mạc và hàng ngàn người được chỉ định ghép gan. Cả nước có 13 trung tâm ghép thận nhưng trong 20 năm qua, số người được ghép chỉ khoảng 500.

Một ca ghép thận tại Bệnh viện Nhân dân 115 (TP HCM)

Nguồn tạng nhiều nhưng khó khai thác

Các chuyên gia cho biết ghép tạng là lựa chọn cuối cùng đối với những bệnh nhân bị suy gan, tim, thận giai đoạn cuối. Theo bác sĩ Tạ Phương Dung, Trưởng Khối Niệu - Ghép thận BV Nhân dân 115, đã có nhiều trường hợp tưởng như không thể cứu chữa được nhưng các bác sĩ đã giành lại mạng sống cho họ. “Nguồn tạng hiến là vô cùng quan trọng. Khi nhiều người hiến tạng hơn thì chắc chắn chi phí sẽ giảm; nhiều người bệnh giai đoạn cuối, trong đó có những người nghèo, được cứu sống” - PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế), nói.

Số liệu của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho thấy mỗi năm cả nước có hơn 10.000 người chết vì tai nạn giao thông. Chỉ riêng tại BV Chợ Rẫy, mỗi năm có khoảng 1.000-1.500 bệnh nhân chết não vì chấn thương sọ não. Tại BV Việt Đức (Hà Nội), con số này cũng xấp xỉ 1.000… Đây có thể nói là nguồn tạng cứu sinh cho nhiều người chờ chết vì một người chết hiến tạng có thể cứu được 4-5 người. Tuy nhiên, vì những lý do khác nhau, trong đó có vấn đề tâm linh, nhiều trường hợp chết não đã không được gia đình đồng ý hiến tặng. Thách thức này khiến ngành y tế chưa thể thực hiện được nhiều ca ghép tạng như mong muốn.

Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người (Bộ Y tế) vừa chính thức thành lập theo Quyết định số 2002/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ mang thêm hy vọng cho những phận đời chờ tái sinh. Trung tâm có chức năng tiếp nhận tạng hiến, quản lý, lưu trữ thông tin, tổ chức thực hiện điều phối về hiến, lấy và ghép mô, bộ phận cơ thể người giữa các ngân hàng mô và các cơ sở y tế trong phạm vi cả nước.

Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ Y tế cho rằng để công tác thu dung, quản lý nguồn tạng hiệu quả, phải có sự vào cuộc của nhiều bộ - ngành, địa phương; cần tuyên truyền vận động sâu rộng nhằm làm thay đổi nhận thức và hành vi của mỗi người dân.


Một kết quả khảo sát của ThS-BS Hoàng Thị Diễm Thúy (BV Nhi Đồng 2- TP HCM) cùng cộng sự về tiềm năng hiến thận trên địa bàn TP HCM được công bố gần đây cho thấy nhận thức người dân đã thay đổi lớn. Theo đó, trong 1.028 người (độ tuổi trung bình là 28) được khảo sát có tới 77% đồng ý hiến tạng sau khi chết; 63,8% đồng ý hiến tạng người thân sau khi chết. Những người không đồng ý hiến tạng là do áp lực gia đình, sợ, vấn đề tâm linh...

Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin