Giải pháp "hút " dân tham gia BHYT

PV: Bà có thể cho biết kết quả thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT giai đoạn 2009 - 2012?

Vụ trưởng Tống Thị Song Hương: Trước hết, phải khẳng định BHYT là một trong những chính sách an sinh xã hội quan trọng và là nguồn tài chính vững bền giúp chăm sóc sức khỏe của nhân dân. Sau 3 năm triển khai thực hiện, Luật BHYT đã đi vào cuộc sống và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Đến nay, cả nước đã có 59,3 triệu người tham gia BHYT, đạt tỷ lệ bao phủ 67% dân số. Quyền lợi của người tham gia BHYT được bảo đảm, công tác tổ chức KCB và thanh toán chi phí KCB BHYT đã được cải thiện cả về chất lượng và quy trình, thủ tục trong KCB. Người nghèo và các đối tượng chính sách xã hội, người có công, trẻ em dưới 6 tuổi đã được quan tâm trong tiếp cận, thụ hưởng các dịch vụ y tế ngay từ tuyến y tế cơ sở. Với việc triển khai các phương thức thanh toán chi phí KCB BHYT, tăng cường công tác thanh, kiểm tra trong quản lý, sử dụng quỹ BHYT, từ năm 2010 - 2012, quỹ BHYT tiếp tục cân đối thu chi và có kết dư, góp phần tạo ra nguồn tài chính ổn định cho công tác KCB.

Nhiều giải pháp
TS. Tống Thị Song Hương.

PV: Mặc dù BHYT là một trong những chính sách an sinh xã hội, nhưng dường như nhiều người dân vẫn chưa mặn mà với BHYT, thưa bà?

Vụ trưởng Tống Thị Song Hương: Trên thực tế, việc mở rộng đối tượng tham gia BHYT còn hạn chế, đến nay vẫn còn khoảng 33% dân số chưa tham gia BHYT. Đến cuối năm 2012, vẫn còn 18 tỉnh có tỷ lệ tham gia BHYT dưới 60%. Một số nhóm đối tượng bắt buộc phải tham gia BHYT nhưng tỷ lệ đạt thấp, trong đó có thể kể đến nhóm người lao động tham gia BHYT chỉ đạt 50%; học sinh - sinh viên mới đạt tỷ lệ 80%. Đặc biệt, người thuộc hộ cận nghèo được Nhà nước hỗ trợ 70% kinh phí (từ tháng 6/2012) nhưng đến cuối năm 2012 vẫn chỉ có khoảng 20% số người thuộc hộ cận nghèo tham gia BHYT.

Nguyên nhân của tình trạng trên là do hiệu quả của công tác chỉ đạo tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHYT còn hạn chế; một số địa phương chưa coi tỷ lệ bao phủ BHYT như một chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội của tỉnh; việc tổ chức cấp, đổi thẻ và quản lý thẻ BHYT còn chồng chéo; giá dịch vụ y tế thấp, người dân vẫn phải chi trả thêm tiền túi, chất lượng dịch vụ KCB BHYT chưa đáp ứng nhu cầu của người dân nên KCB BHYT chưa thực sự hấp dẫn, thu hút người dân...

PV: Vậy bà có thể cho biết ngành y tế và các cơ quan liên quan đã và sẽ có những giải pháp gì để nâng tỷ lệ người dân tham gia BHYT nhằm đảm bảo lộ trình thực hiện BHYT toàn dân?

Vụ trưởng Tống Thị Song Hương: Thực hiện mục tiêu BHYT toàn dân đòi hỏi phải có các giải pháp đồng bộ, thống nhất và sự cam kết của cả hệ thống chính trị. Để tạo nên sự hấp dẫn đối với người dân và duy trì tính bền vững của BHYT, một số nhiệm vụ trọng tâm trong triển khai chính sách BHYT cần tập trung thực hiện thời gian tới là: Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện văn bản pháp luật về BHYT, chuẩn bị tốt dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật BHYT trình Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp này. Thứ hai, đẩy mạnh công tác tuyên truyền với nhiều nội dung, hình thức phù hợp với các nhóm đối tượng khác nhau. Xác định rõ trách nhiệm của các cấp, ngành, chính quyền địa phương, các tổ chức liên quan trong thực hiện chính sách BHYT. Thứ ba, nâng cao chất lượng KCB, giảm quá tải, cải cách thủ tục trong KCB, đáp ứng sự hài lòng của người bệnh. Thứ tư, đổi mới chính sách tài chính y tế, điều chỉnh giá dịch vụ y tế theo hướng tính đúng, tính đủ phù hợp với đầu tư và trình độ chuyên môn ở từng tuyến kỹ thuật và phù hợp với khả năng chi trả của nhân dân. Thứ năm, tăng cường năng lực quản lý nhà nước về BHYT. Đẩy mạnh thanh, kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các vi phạm về KCB BHYT...

PV: Xin trân trọng cảm ơn Vụ trưởng!

linhly
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin - Báo bạn