Khó kiểm soát vì… làm tượng trưng?
Đó là thực tế được nhiều chuyên gia chia sẻ tại Hội nghị chuyên đề thực trạng và giải pháp quản lý an toàn thực phẩm được tổ chức mới đây. Theo Chi cục trưởng Chi cục Vệ sinh An toàn thực phẩm TP.HCM, hiện có khoảng 80% sản phẩm nông sản thực phẩm tại các tỉnh và TPHCM không thể kiểm soát được chất lượng trong quá trình nuôi trồng.
Theo ông Chi cục trưởng hiện trên địa bàn thành phố cũng như các tỉnh thành lân cận chưa có một quy trình chuẩn trong việc nuôi trồng, đánh bắt, chế biến các mặt hàng nông sản, thủy hải sản. Việc trồng trọt và chăn nuôi còn mang nặng tính tự phát nên rất khó khi kiểm soát chất lượng, truy nguyên nguồn gốc xuất xứ khi có sự cố xảy ra.
GS. Chu Phạm Ngọc Sơn, Phó chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật TP.HCM cho rằng tình trạng ngộ độc thực phẩm thường xuyên là do công tác quản lý thực phẩm còn lỏng lẻo, chưa có đủ khả năng kiểm định hết những hóa chất gây hại cho sức khỏe người tiêu dùng có mặt trong thực phẩm.
Các nhà quản lý và chuyên gia cho rắng, chính thực tế quản lý thực phẩm lỏng lẻo, “làm tượng trưng” kể trên đã tạo cơ hội cho nhiều cơ sở cố tình sử dụng những hóa chất độc hại, chất kích thích tăng trưởng trong thực phẩm, giả nhãn hiệu vì mục đích lợi nhuận.
Hàng nhập cũng chỉ… làm tượng trưng?
Không chỉ với hàng sản xuất trong nước, có vẻ việc quản lý, giám sát thực phẩm nhập khẩu cũng lỏng lẻo và làm tượng trưng. Theo đại diện Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng VII (đơn vị chịu trách nhiệm quản lý hoa, củ, quả nhập khẩu từ Trung Quốc qua Lạng Sơn), thì chỉ có khoảng 10% lô hàng nhập khẩu được lấy mẫu. Với các lô hàng bị đưa vào diện kiểm tra chặt thì Chi cục cũng chỉ lấy mẫu khoảng 30%-40%.
Con số kiểm soát đã thấp nhưng câu chuyện hậu kiểm tra là sự thực gây sốc hơn. Do tại Lạng Sơn chưa có phòng phân tích nên mẫu sẽ được gửi đi kiểm nghiệm và chờ có kết quả trong 7-10 ngày. Và trong thời gian này, hàng hóa đã được tiêu thụ hết và nếu có vấn đề gì thì người tiêu dùng… tự chịu.
Hoa quả Trung Quốc có phát hiện vấn đề thì cũng đã được tiêu thụ xong?
Đấy là chưa kể đến việc nhiều chất mới, lạ không có tên trong danh mục, nên không biết cấu trúc của nó thế nào để áp dụng phương pháp thử. Mà dường như số lượng chất mới , lạ lại áp đảo số lượng chất có trong danh mục. Đơn cử như thừa nhận mới đây của một nhà quản lý, ông biết có hàng nghìn chất bảo quản nhưng mới chỉ đưa vào danh mục được vài trăm.
Rõ ràng với cách làm như trên, dễ hiểu vì sao “từ đầu năm đến nay, cơ quan này chưa phát hiện mẫu hoa quả nào có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng tối đa cho phép” và “nhiều năm qua, Cục Bảo vệ thực vật đã phân tích các loại táo, lê nhập khẩu vào Việt Nam. Chúng tôi chưa phát hiện nguy cơ do việc sử dụng chất bảo quản độc hại trên các loại quả này”.
Cách nào để không còn… làm tượng trưng?
Theo GS Chu Phạm Ngọc Sơn, cơ quan quản lý cần phải có những công cụ sắc bén để phân tích, kiểm tra chất lượng thực phẩm, nhanh chóng phát hiện và ngăn chặn các mặt hàng chứa hóa chất hoặc chất lạ gây hại cho sức khỏe người tiêu dùng cũng như sớm tiêu hủy và xử lý.
Đương nhiên đây là câu chuyện cần nhiều thời gian. Và để chờ đến khi chúng ta có đủ khả năng kiểm soát hiệu quả như vậy, các chuyên gia cho rằng ít nhất chúng ta phải có hàng rào kỹ thuật chặt chẽ để ngăn thực phẩm nhập khẩu không an toàn.
Chỉ có việc dựng hàng rào kỹ thuật chặt chẽ mới ngăn bớt thực phẩm mất an toàn?
Bình luận của bạn