Empty
Empty

Khi những tò mò và thắc mắc về giới tính không được giải đáp bởi những người thân cận và đáng tin, trẻ sẽ tìm đến những nguồn thông tin khác như bạn bè và Internet. Nếu cha mẹ tiếp tục ngó lơ trẻ trong quá trình này, trẻ có thể “đi lạc” trong biển thông tin lệch lạc lúc nào không hay.

Không ít ông bố, bà mẹ đánh giá thấp tốc độ lớn về cả sinh lý và tâm lý của con trong tuổi dậy thì. Hệ quả là họ xem nhẹ và bỏ qua nhu cầu khám phá giới tính tự nhiên của trẻ. Vì thế, sốc luôn là phản ứng đầu tiên của cha mẹ khi bắt gặp con mình tiếp xúc với nội dung khiêu dâm hay liên quan tới tình dục.

Empty

Trong khi đó, khảo sát vào năm 2021 của UNICEF cho thấy, tại Việt Nam, tỷ lệ nam thanh niên quan hệ tình dục trước 15 tuổi là 0,2%. Tỷ lệ này ở nữ giới cao hơn, khoảng 0,9%. Thậm chí, có đến 8,9% phụ nữ từ 15-19 tuổi đã quan hệ tình dục với bạn tình hơn mình 10 tuổi.

Thực trạng quan hệ tình dục sớm có thể kéo theo nhiều hậu quả đáng tiếc như mang thai ngoài ý muốn và mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục. Không chỉ thiếu hiểu biết về cơ thể mình, các em còn thiếu hiểu biết về quan hệ tình dục an toàn. Ở nước ta, kết quả điều tra của Tổng cục Thống kê cho thấy, trong số khoảng 300.000 ca nạo phá thai được công bố ở Việt Nam, có đến 60-70% các ca nạo phá thai là phụ nữ ở độ tuổi 15-19 tuổi.

Empty

Ở độ tuổi đang lớn, việc tiếp xúc với các tư tưởng, thông tin lệch lạc về tình dục và giới tính cũng ảnh hưởng nghiêm trọng tới sự phát triển của trẻ. Những kỳ vọng không thực tế mà trẻ học qua phim, ảnh khiêu dâm sẽ cản trở khả năng xây dựng và duy trì các mối quan hệ lành mạnh trong tương lai. Nam thanh niên có thể xuất hiện khuynh hướng bạo lực và hành vi tiêu cực đối với nữ giới.

Đặc biệt, với trẻ ở tuổi dậy thì và vị thành niên, biện pháp cấm đoán đôi khi có thể gây phản tác dụng, khiến trẻ hình thành tâm lý chống đối. Trái lại, giáo dục giới tính đúng cách lại ngăn chặn hành vi quan hệ tình dục, giảm nguy cơ có nhiều bạn tình và khuyến khích việc sử dụng các biện pháp tránh thai như bao cao su. Theo nghiên cứu năm 2014 của UNESCO, trẻ em không được giáo dục giới tính đầy đủ dễ tổn thương trước các hành vi nguy hại như xâm hại tình dục.

Empty

Không chỉ ở Việt Nam mà tại nhiều quốc gia phương Đông, hầu hết cha mẹ còn e ngại chia sẻ những vấn đề liên quan đến tình dục và giới tính với con trẻ. Nhiều phụ huynh cho rằng việc này là “vẽ đường cho hươu chạy” và kém cần thiết so với bồi dưỡng kiến thức. Số khác mặc nhiên cho rằng, trách nhiệm giáo dục giới tính thuộc về nhà trường và các cơ sở giáo dục.

Theo hướng dẫn của Quỹ Dân số Liên hợp quốc, một chương trình giáo dục giới tính toàn diện cần đề cập 8 khái niệm cốt lõi:

Empty

Dựa vào các tiêu chí trên, có thể nói ít quốc gia có thể đáp ứng đầy đủ các nội dung trên trong chương trình giáo dục giới tính. Hầu hết chỉ tập trung vào các thông tin như giải phẫu sinh lý cơ thể nam và nữ trong môn Sinh học. Một số trường cung cấp bài giảng, tiết học ngoại khóa về phòng tránh xâm hại tình dục và quan hệ tình dục an toàn.

Empty

Theo tờ The Guardian, tại Hà Lan, giáo dục giới tính bắt đầu từ trẻ 4-5 tuổi. Theo luật, tất cả trẻ tiểu học ở Hà Lan phải được giáo dục giới tính. Nội dung học cũng rất đa dạng: Cách bày tỏ cảm xúc và đặt ra giới hạn, sự đa dạng về bản dạng giới và các mối nguy hiểm trên mạng. Thái độ cởi mở đối với giáo dục giới tính đã khiến số lượng trẻ vị thành niên mang thai ở Hà Lan thấp nhất trong Liên minh châu Âu (EU). Thanh thiếu niên Hà Lan thường bắt đầu quan hệ tình dục muộn hơn so với Mỹ hoặc các nước châu Âu khác.

Còn ở Anh, môn giáo dục giới tính là bắt buộc với trẻ tiểu học với kiến thức về mối quan hệ lành mạnh, tuổi dậy thì và các đảm bảo an toàn trên mạng Internet. Học sinh cấp 2 được dạy về bạo lực gia đình và bóc lột tình dục, các bệnh lây truyền qua đường tình dục và nội dung độc hại trên mạng. Ngay từ 9-10 tuổi, trẻ đã được dạy vấn đề từ hệ cơ quan sinh dục (thay đổi hormone, kinh nguyệt ở nữ, mộng tinh - cương dương và xuất tinh ở nam) đến các định kiến về giới tính.

Còn tại các nước châu Á, giáo dục giới tính thường được dạy khá muộn và dè dặt. Chương trình tại Trung Quốc chỉ đề cập tới cách phòng tránh lạm dụng tình dục. Tại Hàn Quốc, mỗi năm, học sinh từ tiểu học tới hết cấp 3 phải học 15 tiếng về giáo dục giới tính. Chỉ tiêu là vậy, nhưng theo Korea Times, bài giảng thường được thay thế bằng các video clip mà không có bất kỳ giải thích cụ thể nào.

Empty

Chương trình giáo dục của các nước châu Âu, dù được coi là cởi mở, cũng gặp không ít rào cản các yếu tố như văn hóa, tôn giáo. Nhưng nếu cả nhà trường và cha mẹ đều e ngại chia sẻ kiến thức giới tính, tương lai của trẻ sẽ phụ thuộc vào những nội dung mà con tự tìm hiểu qua bạn bè, qua mạng. Đặc biệt, dưới tác động của dịch COVID-19, trẻ phải tiếp xúc thường xuyên với mạng Internet, càng dễ “lạc lối” lúc nào không hay.

Nếu chương trình giáo dục giới tính tại nhà trường chưa đầy đủ, phụ huynh chính là người cần lấp đầy “lỗ hổng” kiến thức cho con. Và để làm được điều này, cha mẹ cũng cần phải học: Cập nhật những kiến thức về giới, về các bệnh lý có thể gặp phải, kỹ năng phòng chống xâm hại, xa hơn là bình đẳng giới và đa dạng về xu hướng tính dục.

Phụ huynh cũng cần học cách làm bạn với con, để kịp thời nhận ra những biến đổi trong tâm sinh lý và giúp trẻ mở lòng. Theo các chuyên gia, cha mẹ có thể tận dụng bất cứ cơ hội nào để cung cấp cho con những thông tin đơn giản, cần thiết về giới tính: Gặp người thân mang bầu, bắt gặp quảng cáo về dung dịch vệ sinh phụ nữ, khi xem một bộ phim tình cảm.

Hiện nay, trên thị trường có nhiều đầu sách uy tín về giáo dục giới tính phù hợp với từng độ tuổi. Đây là nguồn tài liệu tham khảo phù hợp với bậc phụ huynh còn đang bối rối về cách nói chuyện với con sao cho bớt “ngại”. Đừng quên rằng, đời sống tình cảm và tình dục lành mạnh cũng là yếu tố quyết định hạnh phúc của con bạn sau này.

sedfinal
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Yêu trẻ