Lượng bán sụt nhẹ
Trao đổi với VietNamNet, ông Nguyễn Việt Cường, Chánh thanh tra Sở Y tế Hà Nội cho biết, cách đây hơn 2 tuần, Hà Nội cũng đã công bố quả kiểm nghiệm chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm đối với mặt hàng bún trên địa bàn thành phố.
Theo đó, các mẫu bún đã được lấy ngẫu nhiên tại 7 chợ ở nội thành Hà Nội, bao gồm các chợ Ngụy Như Kon Tum (quận Thanh Xuân), chợ Thanh Xuân Bắc (quận Thanh Xuân), chợ Triều Khúc (huyện Thanh Trì), chợ Thành Công (quận Ba Đình), chợ Ngọc Hà (quận Ba Đình), chợ Trung Hòa (quận Cầu Giấy), chợ Láng Hạ (quận Đống Đa).
Bún ở Hà Nội chưa phát hiện chất làm trắng tiponal - (Ảnh: C.Q) |
"Kết quả cho thấy các mẫu này đều đảm bảo an toàn. Cả 7/7 mẫu được kiểm nghiệm không phát hiện chứa chất làm trắng huỳnh quang (tinopal), không sử dụng chất bảo quản, không sử dụng hàn the và phooc-mon", ông Cường cho hay.
Một đợt kiểm tra khác lại tiếp tục được triển khai trong tháng 7 với 17 mẫu bún và bánh phở khác. Kết quả cũng cho thấy các sản phẩm không chứa chất làm trắng tiponal như đã phát hiện ở TP.HCM.
Các địa điểm được lấy mẫu bún để kiểm tra đều là các chợ dân sinh lớn trên địa bàn Thủ đô, trải đều khắp các quận có mật độ dân cư cao.
Tuy nhiên, kết quả này cũng chưa đủ sức để trấn an người tiêu dùng, đặc biệt là khi thông tin bún ở TP.HCM chứa chất độc hại được đưa trên các phương tiện truyền thông đại chúng.
Theo một tiểu thương bán bún ở chợ Thành Công (Hà Nội), lượng bán bún trong thời gian qua có dấu hiệu sụt giảm nhẹ.
Thay vì bán được 50 kg bún mỗi chiều thì hiện nay lượng này giảm còn khoảng 40 kg. Các quầy bán đồ ăn chín cũng bị tác động khi mà người dân chuyển sang dùng miến, bánh đa, hạn chế dùng bún.
Lý giải điều trên, tiểu thương này cho biết người dân hiện đang cảnh giác với các thông tin về bún.
Trước đó, lực lượng thanh tra cũng đã đến lấy mẫu bún của bà để kiểm tra và kết quả là không phát hiện chất độc hại.
"Nhưng bây giờ người ta mất lòng tin nhiều vào thực phẩm, ăn gì cũng sợ chất độc", bà nói.
Nói về kết quả kiểm nghiệm bún, bánh phở tại Hà Nội, chị Tiến, một người bán bún lâu năm ở chợ Vũ Thạnh (quận Đống Đa) lý giải: Người Hà Nội không thích bún trắng nõn và khá tinh tường khi mua bún (do đây là mặt hàng quen thuộc).
Ngoài việc xem xét chất lượng bún qua hình thức, bằng mắt thường (như độ to của sợi, độ kết dính, độ dẻo, khô) thì người mua cũng không "chuộng" bún quá trắng.
Hoang mang vì ăn gì cũng sợ độc
Chị Hoa, trú tại quận Ba Đình (Hà Nội) cho biết chị có cảm giác thực phẩm bẩn đang "bủa vây" lấy đời sống người dân, khi mà đâu đâu cũng phát hiện sự việc vi phạm, thực phẩm nào cũng chứa chất cấm có khả năng gây ung thư. Bản thân chị cũng không biết ăn gì cho an tòan.
"Tôi thường mua hàng ở chỗ người quen hoặc người nào bán lâu năm, có uy tín. Như vậy có thể cũng chỉ là giải pháp tâm lý vì thực chất mình cũng không biết họ lấy hàng từ đâu. Từ ngày có thông tin bún có chứa chất làm trắng, chất bảo quản, tôi hầu như không mua mà chuyển qua dùng mì gạo mỗi khi cần", chị nói.
Sau tin bún nhiễm độc tại TP.HCM, lượng khách giảm trên 50% |
Theo chị, có những loại thực phẩm biết là có chứa chất độc hại nhưng vẫn phải ăn vì không biết phải mua thực phẩm an toàn ở đâu, vì ngay cả đồ trong siêu thị cũng bị phát hiện sai phạm.
Chánh thanh tra Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Việt Cường cho biết trong thời gian tới, ngoài bún, bánh phở ra, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm thành phố sẽ tiếp tục kiểm tra, lấy mẫu các mặt hàng thực phẩm chín khác tại các chợ để kiểm nghiệm.
Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cũng đã thúc giục các địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng bún, bánh canh, bánh phở tươi.
Theo kế hoạch, từ nay đến cuối tháng 8/2013, các Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm trong cả nước sẽ tăng cường kiểm soát các sản phẩm này để đảm bảo an toàn cho người sử dụng. |
Bình luận của bạn