Hai mặt của tự chủ tài chính trong bệnh viện công

Lợi ích không thể phủ nhận

Lợi ích của cơ chế tự chủ tài chính là không thể phủ nhận được. Cơ chế tự chủ đã giúp cho các BVcó thể huy động vốn mua sắm trang thiết bị hiện đại, mà nếu chỉ trông chờ vào ngân sách chắc chắn còn lâu mới với tới được. Nhờ đó, người dân được khám - chữa bệnh bằng những kỹ thuật cao ngang tầm các nước có nền y học phát triển như mổ nội soi, ghép tạng... BV nâng cao chất lượng khám - chữa bệnh, tăng được thu nhập cho cán bộ công nhân viên, và về y đức cũng phần nào khắc phục thái độ ban ơn, cách hành xử nhiều khi hách dịch trong một bộ phận cán bộ y tế.

Người dân được khám chữa bệnh với các thiết bị y tế hiện đại khi các bệnh viện tự chủ tài chính

Trên thế giới đã có nhiều quốc gia áp dụng tự chủ tài chính và đạt được hiệu quả cao mà điển hình là Mỹ. Hệ thống bệnh viện tại Mỹ hoàn toàn dựa vào khoản thanh toán từ các quỹ BHYT, BHXH và thu viện phí trực tiếp hoặc thu phí đồng chi trả BHYT. Nhà nước chỉ cung cấp tài chính cho các bệnh viện qua chương trình bảo hiểm sức khỏe cho người cao tuổi (Medicare), và cho người nghèo (Medicail). Ngoài ra nhà nước trực tiếp tài trợ cho nghiên cứu y khoa và đào tạo bác sỹ. Cách tổ chức trên đã khuyến khích nền y tế phát triển và không ai có thể phủ nhận một điều là Mỹ đang là quốc gia đi đầu trên thế giới về áp dụng các tiến bộ y học và chăm sóc sức khỏe tốt nhất thế giới.


Mỹ là quốc gia đi đầu trên thế giới về áp dụng các tiến bộ y học

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng đã đưa ra lợi ích của việc để bệnh viện công tự chủ, hạch toán như công nghiệp trong hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm của Bộ Y tế: “Chúng ta tiến tới cho các đơn vị sự nghiệp công, mà ở đây tôi muốn nói chủ yếu là y tế giáo dục được hạch toán tiến tới cơ chế hạch toán tương tự như DN, có quyền tự chủ toàn bộ. Từ đó, tạo ra môi trường cho huy động nguồn lực xã hội tốt hơn, khắc phục những nhược điểm của xã hội hóa y tế trong bệnh viện hiện nay. Mục đích cuối cùng là để ngân sách nhà nước tập trung vào những dự án, địa bàn trọng điểm và những chính sách an sinh của Nhà nước hỗ trợ vào những đối tượng cần thiết.

"Người nghèo không dám ốm"

Chuyện bệnh nhân mỗi lần đi thăm khám bị bác sĩ chỉ định chụp, chiếu xét nghiệm tới chục loại không còn mới mẻ. Với cơ chế tự chủ tài chính, các bệnh viện công lập xem như một cuộc cải cách. Nhiều bệnh viện vốn dĩ có lượng bệnh nhân đông, ổn định coi đó là cơ hội để tăng thêm thu nhập của bệnh viện, cải thiện đời sống y bác sĩ. Hầu hết các bệnh viện công đều đua nhau mở các khoa dịch vụ, tăng nhập viện nội trú... Nói chung cái gì làm dịch vụ được thì cho dịch vụ. Tất cả các mức tăng này đều dồn vào người bệnh, người bệnh đã "khó" nay còn" khó hơn".


Bệnh nhân được chỉ định hàng chục xét nghiệm khi đi khám bệnh

Tự chủ hóa trong lĩnh vực y tế là cần thiết nhưng hầu hết các nhà đầu tư và các bệnh viện chỉ quan tâm đến lợi nhuận, gánh nặng về tài chính lại đổ thêm lên đầu người bệnh. Khác với các lĩnh vực khác người dân khó có sự lựa chọn việc có sử dụng dịch vụ y tế, cũng chẳng có hiện tượng mặc cả giá dịch vụ. Và dù muốn hay không khi ốm đau người bệnh vẫn phải đến bệnh viện , thầy thuốc chỉ định dịch vụ nào phải tuân theo dịch vụ ấy.

Tự chủ về tài chính như doanh nghiệp hẳn các bệnh viện sẽ phải làm mọi cách để “thu” có thể bù “chi”. Có lẽ người dân ai cũng biết rằng khu KCB dịch vụ chắc chắn "chiếm giường” của BV công, nếu ai đó nói "không đâu” thì chắc là không ai nghe được. Nhưng các kiến nghị yêu cầu xử lý các biến tướng của tự chủ trong y tế đã không được ngành y tế và các cơ quan chức năng giám sát, xử lý kịp thời. BV công được đà tự chủ tài chính chỉ chạy theo doanh thu để lạm dụng chỉ định các dịch vụ, để kê thêm giường bệnh kiếm nguồn thu "càng nhiều càng ít”.

Bệnh viện: Chỗ quá tải, nơi không bệnh nhân

Đối với các bệnh viện tuyến huyện hoặc bệnh viện ở miền núi khó khăn khi tự chủ về tài chính lại càng lớn. Đối tượng khám ở các bệnh viện này hầu hết là người có nghèo hay người dân tộc thiểu số vì vậy mức chi trả cho các dịch vụ y tế tại các bệnh viện này rất thấp. Điều này đã dẫn đến các bệnh viện tuyến dưới không đảm bảo nguồn thu dẫn đến chất lượng điều trị bị ảnh hưởng.


Qúa tải ở bệnh viện tuyến trên ngày càng trầm trọng
Các bệnh viện tự chủ đang cạnh tranh nhau để thu hút bệnh nhân ra khỏi hệ thống chăm sóc sức khỏe ban đầu, khuyến khích bệnh nhân bỏ qua việc điều trị ở tuyến dưới và lên tuyến trên điều trên điều này đã dẫn đến tình trạng quá tải ở các bệnh viện tuyến trên ngày càng thêm trầm trọng.

Những bất cập trong tự chủ tài chính của các bệnh viện công cần được khắc phục sớm nhằm bảo đảm quyền lợi của bệnh nhân. Một chính sách chỉ thực sự phát huy hiệu quả khi nó hướng về người bệnh. Những khó khăn mà người dân đang gặp phải cần được tháo gỡ và khắc phục. Đây là công việc khó, đòi hỏi sự kiên trì , quyết tâm của các cơ quan quản lý nhà nước và trên hết là cái “tâm” của các bệnh viện.

ctv1
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin - Báo bạn