Hàng đông lạnh Trung Quốc: đủ chứng nhận vẫn đầy chất cấm

Và để xuất khẩu những mặt hàng này, không ít cơ sở nuôi cá xuất hàng dưới danh nghĩa của một công ty lớn vì công ty này đã được cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm của Cục Kiểm dịch và thanh tra Trung Quốc (CIQ).

Chăn nuôi bẩn

Nuôi cá bè ở Trung Quốc - Ảnh: AFP

Phi lê cá rô phi đông lạnh giờ xuất hiện đầy trong các siêu thị ở Mỹ và châu Âu. Chúng đến từ thành phố Trạm Giang - nơi xuất khẩu tôm và cá rô phi lớn nhất thế giới - thuộc tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc). Một chuyên gia thuộc Tổ chức Lương nông Liên Hiệp Quốc cho biết năng suất sản xuất cá rô phi tại Trung Quốc tăng mạnh trong vòng hai thập niên, từ 830.000 tấn vào năm 1990 lên 1,6 triệu tấn vào năm 1999 và đạt 3,5 triệu tấn vào năm 2008. Hiện nay năng suất đã có phần giảm nhẹ. Chỉ riêng ở quốc gia rộng lớn này, các cơ sở nuôi cá có thể đảm bảo được phân nửa sản lượng toàn cầu.

Cá rô phi là loại cá nuôi được ưa chuộng thứ ba trên thế giới, sau cá chép và cá hồi. Nhu cầu tăng nhanh khiến nhiều công ty xuất khẩu ở đây bất chấp các quy chuẩn để trục lợi. Dĩ nhiên các hộ chăn nuôi cũng có việc. Có điều họ than vãn đủ thứ từ giá thức ăn đến nhân công tăng cao. Vì thế họ làm đủ cách để có thể sống được với nghề nuôi cá. Những hộ nuôi ở Trạm Giang khẳng định họ không ăn cá rô phi mình nuôi “vì chúng không có vị ngon bằng cá biển”. Nhưng nếu chứng kiến cách họ sử dụng thuốc kháng sinh khi nuôi cá thì có thể suy diễn sự từ chối ăn của họ theo một cách khác.

Họ ra sức đối phó với cơ quan chức năng bằng cách liên tục thay đổi các chất kháng sinh thả xuống ao nếu như loại đó nằm trong danh mục các chất cấm. Steven, lãnh đạo của Công ty xuất khẩu Hi-Taste, thừa nhận: “Nếu đưa cho họ danh mục các chất cấm thì họ chuyển sang dùng thứ khác ngay”. Hơn nữa, khi xuất khẩu, các loại cá “thấm” hóa chất độc hại cũng khó bị phát hiện khi các công ty chế biến đã “làm sạch sẽ” và đem đông lạnh.

Ngoài ra, tiêu chuẩn an toàn thực phẩm của châu Âu đôi khi khác với Mỹ khi một số chất như carbon monoxide (CO) bị cấm ở châu Âu nhưng được cho phép ở thị trường Mỹ. Các nhà phân phối Mỹ yêu cầu dùng giải pháp này để thịt cá rô phi giữ được màu sắc tươi lâu hơn và ít biến đổi khi mang đi đông lạnh.

Bà Lucy Zhong - giám đốc kinh doanh của Nhà máy Go-Harvest - khẳng định một số đối thủ xuất khẩu của bà tại Trung Quốc đã chơi trò dùng CO để tẩm ướp nhưng không ghi rõ trên giấy tờ. Tuy nhiên bà xác nhận nhà máy mình có dùng loại hóa chất gây tê khi vận chuyển cá từ cơ sở nuôi về nhà máy chế biến. Cách này sẽ giúp hạn chế số cá bị chết ngộp hoặc da cá bị trầy xước làm giảm giá trị.


Một phụ nữ đang chọn cá trong siêu thị ở TP Tô Châu, Trung Quốc - Ảnh: AFP

Đủ mánh khóe

Để dễ dàng qua mặt hải quan Mỹ, một doanh nghiệp giấu tên của Ấn Độ, nhà cung ứng cho hai chuỗi siêu thị Walmart và Aldi, tiết lộ “bí quyết” lọt qua vòng kiểm soát gắt gao: chỉ việc chuẩn bị bảy container đủ tiêu chuẩn phục vụ việc thanh tra. Nếu như bảy container trót lọt thì 10-15 container tiếp theo sẽ không bị sờ gáy.

Để tuân thủ quy định của Liên minh châu Âu (EU) về tiêu chuẩn xuất khẩu, các nhà sản xuất thủy hải sản Trung Quốc buộc phải có giấy chứng nhận do Bắc Kinh cung cấp. Nhưng đó chỉ là lý thuyết: họ hoàn toàn có thể phù phép cá mua gom từ các hộ nhỏ lẻ thành cá của công ty lớn.

Steven không ngại tiết lộ mình biết “luồn lách” để xuất khẩu dưới danh nghĩa của một công ty khác có giấy chứng nhận của CIQ. Nếu như hải quan ở cảng châu Âu phát hiện một hóa chất bất hợp pháp nào đó có trong sản phẩm thì Hi-Taste chỉ việc trình giấy chứng nhận của công ty mà Hi-Taste “mượn danh”. Steven tiết lộ từng thành công theo cách này khi xuất hàng sang Tây Ban Nha dưới danh nghĩa của Công ty Kelong.

Ông chủ của Kelong cho biết công ty có khoảng 20 nhà cung ứng và được phía công ty đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm mà chính quyền Trung Quốc đề ra. Tuy nhiên, một số nơi không đáp ứng được các tiêu chí đó.

Nếu như một trong những khách hàng lớn của Kelong là Beaver Street Fisheries, nhà cung cấp cho chuỗi siêu thị Walmart của Mỹ, đặt hàng với số lượng lớn 10-15 container trong vài tuần thì Kelong buộc phải kiếm nguồn từ các công ty không có giấy chứng nhận của CIQ.

Song song đó, Steven cũng rất khôn ngoan trong chiến lược kinh doanh khi biết tận dụng mọi ngóc ngách để đem lại nguồn kinh tế ổn định nhất cho công ty của mình. Những sản phẩm cá đông lạnh bị lỗi như không còn nguyên vẹn hoặc ngả màu sẽ không nhập vào châu Âu mà thẳng tiến sang châu Phi. “Cách này là đơn giản nhất vì ở châu Phi không có ai kiểm tra cả” - Steven chia sẻ “kinh nghiệm”.

doandoan
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin