Hàng giả từ Trung Quốc tràn vào EU

Ủy ban châu Âu thông báo, trong năm 2012, hải quan đã tịch thu được gần một tỉ euro hàng giả, chủ yếu đến từ Trung Quốc, gồm đủ loại, nhiều nhất là thuốc lá và dược phẩm. Trong bản báo cáo thường niên, Ủy ban châu Âu nhấn mạnh, số lần phát hiện hàng giả trong năm 2012 ở mức 90.000 vụ và số lượng hàng giả tịch thu được giảm mạnh, còn 39,9 triệu món so với năm 2011 là gần 115 triệu sản phẩm giả hiệu. Tuy nhiên, giá trị các món hàng tịch thu vẫn rất cao, lên đến 992 triệu euro. Từ 3 năm qua, số các vụ kiểm tra những gói hàng nhỏ gửi qua bưu điện hay qua đường chuyển phát nhanh đã tăng cao, song song với việc phát triển mua hàng qua internet.

Cũng như những năm trước đó, đại đa số hàng hóa tịch thu được có 64,5% từ Trung Quốc và 7,8% từ Hồng Kông. Về mặt giá trị, Trung Quốc chiếm đến 87% tổng trị giá hàng bị tịch thu.

Thuốc lá chiếm gần 31% trong số các loại hàng giả bị tịch thu. Ngoài dược phẩm và thực phẩm, hàng giả còn là đồng hồ, quần áo, giày dép, đồ chơi trẻ em, hàng điện tử. Khoảng 90% số hàng tịch thu đã được đem đi tiêu hủy.

Hàng giả từ Trung Quốc tràn vào EU 1
EU tiêu hủy thuốc giả.

Vào tháng 7/2013, Italy thông báo đã tịch thu khoảng 18 triệu món hàng giả đủ loại, chủ yếu đến từ Trung Quốc, trong khuôn khổ ba chiến dịch khác nhau tại Roma và tại Padoue ở miền Bắc Italy. Luca Gelormino - một viên chức cảnh sát địa phương cho biết, với 11 triệu món hàng tịch thu được ở Padoue, đây là chiến dịch quy mô nhất kể từ đầu năm nay tại Italy.

3 doanh nhân người Hoa chuyên nhập khẩu từ Trung Quốc các sản phẩm này, từ các mặt hàng kim khí gia dụng, đồ dùng nhà bếp, sản phẩm vệ sinh cá nhân cho đến đồ chơi trẻ em và văn phòng phẩm đã bị khởi tố. Các sản phẩm trên có chứng từ giả hay là chứng từ do các cơ quan không có chức năng cấp phát. Ông Gelormino nhận xét: “Điều đó trước hết có nghĩa là các sản phẩm này có thể nguy hiểm, thí dụ các loại dụng cụ nhà bếp hay đồ chơi trẻ em bằng nhựa mà chúng tôi phát hiện được sản xuất từ rác thải của châu Âu gửi sang Trung Quốc. Tiếp đến, khi tránh né các giấy chứng nhận cần thiết, các mặt hàng này có thể được bán với giá rất rẻ, cạnh tranh bất chính với những doanh nghiệp lương thiện”.

Tại Roma, qua hai chiến dịch khác nhau, cảnh sát lúc đầu đã tịch thu được trên 2,5 triệu đôi tất mang nhãn hiệu nổi tiếng Pompea của Italy, trên một chiếc xe tải mang bảng số Lithuania và trong một kho hàng, nơi chiếc xe trên xuống hàng. Những đôi tất này được sản xuất tại Trung Quốc và chuyển sang Anh nhờ các chứng từ giả. Giá trị của số hàng này ít nhất lên đến 4 triệu euro.

Trong chiến dịch thứ hai cũng tại Roma, cảnh sát tịch thu thêm 4 triệu mặt hàng khác, chủ yếu là mỹ phẩm, dụng cụ học sinh và sản phẩm gia dụng. Teodoro Gallone, một trong những người chỉ huy chiến dịch cho biết: “Chúng tôi đã quyết định tiến công thật nhanh khi nhận ra rằng một số mỹ phẩm có chứa chất độc hại”.

Theo INDICAM - một hiệp hội Italy đấu tranh chống hàng giả, các loại hàng giả chiếm từ 7 - 9% thương mại thế giới. Trên 50% các sản phẩm giả hiệu đến từ Đông Nam Á và tại Italy thì đại đa số hàng giả là quần áo.

Không chỉ sản phẩm thông thường, cảnh sát Liên bang Bỉ đã tịch thu hàng tấn đồng xu euro giả được cho là vận chuyển từ Trung Quốc qua lãnh thổ Bỉ vào Liên minh châu Âu. Những đồng euro giả này được buôn lậu vào Bỉ và hàng trăm tấn có thể đang được lưu hành trên thị trường. Hiện cảnh sát Liên bang Bỉ đang điều tra về sự việc này. Bỉ là một quốc gia nhỏ với dân số chỉ 6 triệu người, do vậy chỉ vài tấn đồng euro giả có thể ảnh hưởng lớn đến giá trị tiền tệ thực sự của Bỉ. Baron Baretzky, chuyên gia về an ninh toàn cầu cho rằng, mối đe dọa này có thể lớn hơn nhiều so với những gì chúng ta đang nghĩ. Các nhà điều tra Brussel lo sợ rằng Bỉ đã trở thành một “cửa ngõ” đưa đồng tiền euro giả lưu hành trong Liên minh châu Âu. Điều này có thể gây tổn hại đến danh tiếng của Bỉ.

Năm 2011, Ngân hàng Trung ương Đức Bundesbank đã bị lừa 29 tấn tiền xu euro giả từ Trung Quốc, trị giá 6 triệu euro. Kể từ đó, các nước châu Âu luôn cảnh giác với những lô hàng tiền xu euro giả từ Trung Quốc.

Theo tờ báo tài chính De Tijd, Bỉ là nước duy nhất không thắt chặt việc kiểm soát đồng tiền xu. Người ta nói rằng, nhiều máy rút tiền của Chính phủ còn chấp nhận cả đồng tiền euro giả.

doandoan
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Kinh doanh - Tiêu dùng