Hệ lụy từ thiếu máu do suy thận mạn tính

TS. Nguyễn Tất Thắng cho biết bệnh suy thận mạn (STM) tiến triển qua nhiều giai đoạn trong một thời gian dài, vì vậy nó ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống của người bệnh. Suy thận là hậu quả của nhiều biến chứng như: đái tháo đường, tăng huyết áp, bệnh cầu thận và ống kẽ thận, bệnh hệ thống… Đặc biệt, thiếu máu do suy thận mạn tính có thể làm gia tăng khả năng bị các bệnh lý về tim mạch, đột quỵ, tăng nguy cơ suy thận mạn tiến triển đến giai đoạn cuối... Vì thế, việc điều trị thiếu máu cần được tiến hành sớm.

Lọc máu cho bệnh nhân suy gan thận

TS. Nguyễn Tất Thắng cũng phân tích, càng gia tăng bệnh nhân STM thì càng có nhiều bệnh nhân thiếu máu. Bởi thiếu máu là biểu hiện thường xuyên của STM và không hồi phục. Thận càng suy thiếu máu càng nặng và điều đáng nói là hầu hết bệnh nhân STM đều không biết mình đang bị thiếu máu ở các mức độ khác nhau, đó là một trong những nguyên nhân khiến tình trạng bệnh trở nên nặng hơn. Chính vì vậy việc điều trị thiếu máu cho những bệnh nhân này, đặc biệt ở giai đoạn sớm là một trong những vấn đề cần được quan tâm và là mục tiêu hàng đầu của các thầy thuốc để cải thiện chất lượng sống, tránh các biến chứng và tử vong cho người bệnh.

Phó Giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ Hà Phan Hải An, Phó Chủ tịch Hội Tiết niệu – Thận học Việt Nam cho biết, theo thống kê, tỷ lệ STM (giai đoạn 3-5 của bệnh thận mạn tính) là 3,1%. Chỉ tính riêng tỷ lệ STM giai đoạn cuối có nhu cầu điều trị thay thế thận ở Việt Nam mỗi năm có thêm khoảng gần 1 vạn người và trên thực tế, con số này có thể cao hơn nếu tính đến những trường hợp xét nghiệm nước tiểu bình thường nhưng chức năng thận đã suy giảm. Do đó việc thiếu máu do suy thận mạn là một vấn đề sức khoẻ đáng quan tâm.

CTV12
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin