Hòa hợp tiêu chuẩn ASEAN – không thể chậm chân được nữa!

Để biến tầm nhìn của AEC thành hiện thực thì các quốc gia thành viên đã đồng thuận lựa chọn 12 ngành nghề ưu tiên hòa hợp tiêu chuẩn, trong đó có ngành Thực phẩm chức năng.

Để các doanh nghiệp trong ngành và độc giả có thêm thông tin về các nội dung liên quan đến quá trình Hòa hợp tiêu chuẩn trong khu vực ASEAN cho Thực phẩm chức năng (TPCN) và Y học cổ truyền (YHCT), PV Health+ đã có cuộc phỏng vấn Thạc sỹ Đỗ Ngọc Thạch – Phó Tổng Thư ký kiêm Giám đốc đối ngoại – Hiệp hội TPCN Việt Nam (VAFF)


Thạc sỹ Đỗ Ngọc Thạch – Phó Tổng Thư ký kiêm Giám đốc đối ngoại VAFF (Ảnh: Lý Linh)

Nội dung “Hòa hợp tiêu chuẩn trong khu vực ASEAN” nên được hiểu là như thế nào, thưa ông?
Nội dung hòa hợp tiêu chuẩn trong khu vực ASEAN có mục tiêu là nhằm giảm thiểu các hàng rào kỹ thuật ảnh hưởng đến giao thương giữa các nước thành viên. Các đầu việc liên quan chính cần thực hiện là hòa hợp các tiêu chuẩn, quy định kỹ thuật và quy trình chứng nhận hợp quy, hợp chuẩn thông qua việc tham chiếu các kinh nghiệm quốc tế (nếu có) liên quan cũng như xây dựng và thực thi các thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau trên cơ sở các quy trình chứng nhận hợp quy và hợp chuẩn các ngành nghề được xác định trước.

Những ngành kinh tế nào đã được lựa chọn tham gia quá trình hòa hợp tiêu chuẩn này?
Có 12 ngành nghề được lựa chọn tham gia quá trình Hòa hợp tiêu chuẩn trong khu vực ASEAN, trong đó, ngành chăm sóc sức khỏe lại chia ra 4 ngạch để hòa hợp tiêu chuẩn là dược phẩm; mỹ phẩm; thiết bị y tế; TPCN và YHCT. Ngành TPCN và YHCT là một trong những ngành được xác định ưu tiên hòa hợp tiêu chuẩn vì các quốc gia thành viên của Hiệp hội ASEAN đã có sự đồng thuận là ngành TPCN và YHCT nếu được ưu tiên hòa hợp tiêu chuẩn thì sẽ tạo ra những tác động tích cực lớn lên giao thương giữa các nước và gia tăng những cơ hội việc làm. Và mục tiêu cần đạt là tới năm 2015 sẽ có một thị trường chung cho TPCN và YHCT trong khu vực ASEAN.

Vậy, với ngành TPCN, vấn đề hòa hợp tiêu chuẩn ASEAN nói riêng và quốc tế nói chung được đặt ra như thế nào?
TPCN là một ngành mới và có đặc thù riêng (có sự giao thoa giữa thực phẩm và thuốc) nên vấn đề quản lý, những quy định, hành lang pháp lý đối với ngành này vẫn đang hoàn thiện và chưa đầy đủ, kể cả trên thế giới. Đây là một vấn đề lớn của ngành TPCN.

Trở ngại lớn nhất đang diễn ra với quá trình hòa hợp tiêu chuẩn liên quan đến nội dung yêu cầu về hồ sơ đăng ký. Hiện vẫn chưa có sự đồng thuận về nội dung hồ sơ đăng ký sẽ bao gồm những gì. Đây cũng là trở ngại khiến quá trình hòa hợp tiêu chuẩn bị chậm lại.

Một trong những điểm sáng lớn nhất của quá trình hòa hợp tiêu chuẩn về TPCN và YHCT trong khu vực là thực tế các quốc gia thành viên của ASEAN nhìn nhận rất rõ vai trò quan trọng của cộng đồng doanh nghiệp trong quá trình xây dựng, phát triển và thực thi những tiêu chuẩn hòa hợp này. Chính vì vậy bên cạnh đại diện 10 quốc gia thành viên tổ công tác còn có mặt đại diện chính thức của: Liên minh các Hiệp hội TPCN trong khu vực ASEAN (AAHSA) và Liên minh các Hiệp hội YHCT trong khu vực ASEAN (AATMI).

Ngành TPCN Việt Nam có thể nhìn thấy trước những thuận lợi/khó khăn/thách thức như thế nào trong vấn đề hòa hợp tiêu chuẩn này, thưa ông?

Thị trường TPCN ASEAN đạt tổng giá trị là 4,8 tỷ đô la, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm (7 năm gần đây) đạt trên 10%, nhân lực liên quan trực tiếp đến ngành này là trên 10 triệu và gián tiếp là trên 30 triệu.
(Theo số liệu của Liên minh các Hiệp hội TPCN khu vực ASEAN (AAHSA) năm 2010)


Việc hòa hợp tiêu chuẩn giúp ngành TPCN có cơ hội để chủ động tham gia quá trình một cách chủ động và tích cực. Chúng ta có thể trực tiếp tham gia đóng góp, cùng xây dựng để chuẩn bị năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp mình. Khi quá trình hòa hợp được triển khai thực hiện thì ngoài việc bảo vệ thị phần trong nước, các doanh nghiệp TPCN Việt Nam còn có cơ hội xâm nhập và mở rộng các thị trường khác trong khu vực ASEAN.

Đối với người tiêu dùng và các doanh nghiệp việc hòa hợp tiêu chuẩn giúp họ tiếp cận đa dạng các sản phẩm và dịch vụ có chất lượng từ việc gia tăng cạnh tranh; tiếp cận dễ dàng và nhanh chóng các sản phẩm mới và tiên tiến với chi phí cạnh tranh; khả năng cạnh tranh công bằng hơn cho cộng đồng doanh nghiệp; giảm thiểu các thủ tục hành chính khi đem các sản phẩm và dịch vụ mới ra thị trường; tăng cường năng lực và các cơ hội kinh doanh cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa; chi phí cũng như thời gian giao hàng và dịch vụ trong khu vực ASEAN sẽ giảm.

Còn đối với các cơ quan quản lý nhà nước việc hòa hợp tiêu chuẩn giúp giảm thiểu các gánh nặng hành chính; chia sẻ trách nhiệm giữa cơ quan quản lý và nhà sản xuất nhằm đảm bảo các sản phẩm an toàn trong thị trường chung; giảm thiểu các hàng rào kỹ thuật trong thương mại; lưu thông dễ dàng các hàng hóa an toàn cho người tiêu dùng; gia tăng năng lực cạnh tranh toàn cầu của khu vực ASEAN.

Vậy, theo ông, các doanh nghiệp cần nhìn nhận/chuẩn bị như thế nào cho quá trình hòa hợp tiêu chuẩn này?
Năm 2010, theo số liệu của AAHSA giá trị thị trường TPCN ASEAN ước tính đạt 4,8 tỷ đô, trong đó, thị trường Việt Nam đạt gần 200 triệu đô ). Trong khi đó, Philippines khoảng 210 triệu, Singapore khoảng 350 triệu đô, cao nhất Malaysia gần 1,1 tỷ đô.. Như vậy, tính về độ lớn của thị trườngTPCN của Việt Nam so với với các quốc gia khác trong khu vực thì ta đang xếp khoảng thứ 6 trên tổng số 10 quốc gia thành viên của Liên minh Hiệp hội TPCN ASEAN.

Các doanh nghiệp nên nhìn nhận đây vừa là nguy cơ, vừa là cơ hội. Nguy cơ ở đây là nếu mình không chuẩn bị kỹ và chủ động thì chúng ta sẽ mất cả thị trường trong nước. Năm 2011, theo số liệu của Hiệp hội TPCN Việt Nam, tỷ lệ sản phẩm nhập khẩu và nội địa gần tương đương nhau (51.57% và 48.43%) thì đến năm 2012 tỷ lệ này có sự thay đổi theo hướng gia tăng ngày càng nhiều và nhanh của các sản phẩm nhập khẩu (tăng lên 58%) . Điều đó chứng minh là chúng ta đang bị mất thị trường. Cơ hội lớn nhất ở đây chính là thực tế thị trường ASEAN là mộtthị trường lớn (gần 600 triệu dân), nhưng nó đòi hỏi chúng ta phải nắm bắt được những quy định để chuẩn bị nâng cao năng lực cạnh tranh. Chính vì vậy, các doanh nghiệp cần chủ động và tích cực tham gia vào quá trình hòa hợp này bằng việc nắm bắt các thông tin, thỏa thuận mới liên quan đến những tiêu chuẩn hòa hợp chung, nắm bắt được lộ trình triển khai, chủ động cùng tham gia vào quá trình này, cùng với Tổ công tác của Bộ Y tế để tham gia vào quá trình một cách trực tiếp.

Khi nắm bắt được các quy định mới phải chuẩn bị cho doanh nghiệp của mình đáp ứng với các quy định đó như quy định nhà máy sản xuất phải đạt GMP về TPCN, quy định liên quan đến nguồn dược liệu, quy định về lưu hành sản phẩm, an toàn sản phẩm… Để làm được điều này sẽ phải có một lộ trình từ 3 – 10 năm nên nếu các doanh nghiệp không có sự chủ động triển khai ngay từ bây giờ thì sẽ muộn và có nguy cơ tuột mất cơ hội.

Cám ơn ông về cuộc trao đổi!

Theo thỏa thuận của các Bộ trưởng phụ trách kinh tế của các nước thành viên) lộ trình triển khai những tiêu chuẩn hòa hợp sẽ được bắt đầu từ 1/1/2015. Kế hoạch thực hiện cụ thể là: Năm 2012: Hoàn tất khung hành lang pháp lý và các hướng dẫn hòa hợp tiêu chuẩn trong TPCN và YHCT.
Năm 2013: Tiến hành việc ký kết các thỏa thuận nhằm triển khai các thỏa thuận tại từng quốc gia thành viên trễ nhất đến hết năm 2014.

Năm 2014: Thời hạn cuối trong việc thực hiện các thỏa thuận hòa hợp tiêu chuẩn tại các quốc gia thành viên. Đăng ký lại hoặc đăng ký mới các sản phẩm theo thỏa thuận hòa hợp chung.
Năm 2015: Cộng đồng kinh tế ASEAN chính thức có hiệu lực.

anhvan
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Góc nhìn quản lý