"Tôi không làm được việc nặng nên đành phải hành nghề này chui lủi vậy thôi. Với lại không ngồi đây thì tôi cũng không biết bán ở đâu nữa, trong chợ, người ta mua chỗ cả", bà Thắm 61 tuổi giải thích. Bà đã bán hàng được 5 năm nay ở chân cầu Long Biên.
Đa số người bán hàng từ các tỉnh khác lên Hà Nội kiếm sống, không có vốn, không có tay nghề nên đành mưu sinh bằng nghề này. Ảnh: Nguyễn Hòa.
Chồng bà Thắm bỏ đi khi hai con còn bé dại. Các con bà giờ đã lập gia đình nhưng cũng không đủ sống với mấy sào ruộng ở quê. Bà Thắm đành lên thành phố mưu sinh vì không muốn làm con cái khổ.Chịu khó nhặt nhạnh, bà Thắm cũng kiếm được dăm ba chục nghìn mỗi ngày. Trừ tiền cơm 10.000 đồng một bữa, mỗi ngày bà bỏ ra được vài chục nghìn để cuối tháng trả 350.000 đồng tiền thuê nhà, điện nước.
"Nếu may mắn dư ra nữa, tôi giữ lấy phòng khi ốm đau, rồi thỉnh thoảng có công việc phải về quê, mua đồng quà cho các cháu", bà Thắm nói. Nghỉ một ngày không làm, bà Thắm sẽ bị đói. Vì thế, bà chẳng bao giờ dám về quê quá hai ngày.
Để có nguồn hoa quả thối, những phụ nữ làm nghề như bà Thắm phải tranh cướp, giành giật với nhau. Tại chợ đầu mối Long Biên, hoa quả không dùng được, chủ xe vứt đi thì mọi người xúm lại nhặt. Do ngày càng nhiều người làm nghề này, các chủ xe không cho miễn phí như trước mà bắt phải mua lại.
"Ai nhanh tay, nhanh mắt hơn sẽ nhặt được quả hỏng ít. Nhiều người nhặt đụng của nhau thì la ó, chửi bới, đánh đập giành hàng", chị Hương (quê Ninh Bình) kể.
Khách hàng là người có thu nhập thấp hoặc các cửa hàng bán nước ép, sinh tố. Ảnh: Nguyễn Hòa.
Chị Hương từ quê nhà lên thành phố mưu sinh được 6 năm. Chồng biệt tăm sau chuyến đi rừng đãi vàng, bỏ lại chị và 3 đứa con đang tuổi ăn học. Trông chờ vào vài sào ruộng ở quê không đủ sống, chị lên Hà Nội mong kiếm tiền nuôi con.
"Cứ tưởng kiếm tiền ở thành phố dễ lắm, ai dè không phải. Sáng sớm, tôi ra chợ tranh nhặt hoa quả thối với giá rẻ rồi đi bán cả ngày. Chiều tối, tôi khuân vác hàng hóa thuê trong chợ. Tiền bán hoa quả đủ ăn, thuê nhà. Còn lại, đến cuối tháng, tôi có tiền làm công bê vác để gửi về nuôi con", chị Hương tâm sự.
Biết việc bán hoa quả thối là không đảm bảo vệ sinh nhưng chị Hương vẫn làm. Nếu không có tiền thì con chị sẽ khổ. Người phụ nữ đã bao lần suy nghĩ, hay mua hoa quả tươi ngon về bán nhưng lại không có vốn ban đầu.
Những loại hoa quả bị hỏng một phần có giá rất rẻ, một kg táo chỉ khoảng 5.000 đồng. Ảnh: Nguyễn Hòa.
Các loại quả hỏng phải gọt bớt có khi tới một nửa, giá siêu rẻ. Chỉ 2.000 đồng là mua được một kg dưa vàng, 5.000 đồng một kg táo, 8.000 đồng cho một kg xoài tượng… Nếu trả khéo, giá còn giảm hơn nữa. Mua mà không trả giá, chủ hàng sẽ ưu ái cho thêm ít hoa quả chứ không lấy tiền.Những loại quả như mãng cầu, xoài, na, cam, quýt, nhìn qua thì tưởng lành lặn, cầm lên soi kỹ mới thấy đều bị thối ủng một phần. Bổ ra, có khi chúng thối hết cả bên trong.
Khách hàng của những người bán hoa quả thối chủ yếu là lao động nghèo. Chị Lan (công nhân, sống gần cầu Vĩnh Tuy) cho biết, chiều nào chị cũng đạp xe qua đây mua hoa quả về ăn. "Tôi biết hoa quả này không đảm bảo vệ sinh nhưng chẳng đủ tiền mua những loại lành lặn. Loại này ăn mãi thành quen, cũng ngon không kém gì loại lành lặn mà giá lại rẻ", chị Lan nói.
Cuối ngày mà vẫn chưa bán hết, người bán hàng sẽ đổ buôn cho những người đi mua trái cây làm sinh tố trong các quán cà phê.
Ông Trần Ngọc Trung, công an phường Đồng Xuân, cho biết khoảng vài tháng nay
phường có lệnh dẹp tình trạng buôn bán lấn chiếm lề đường nên vắng bóng nhiều người bán hoa quả
thối. "Trong thời gian nghỉ trưa, thay ca… ngắn ngủi vẫn có nhiều trường hợp chạy lên chân cầu dẫn
ngồi bán nên bộ phận quản lý lại phải nhắc nhở họ", ông Trung nói.
Bình luận của bạn