Hoá tâm thần sau khi lấy chồng ngoại quốc

Gia cảnh nghèo khó của Huân sau khi trở về từ Hàn Quốc

Báo động gia tăng bệnh tâm thần ở người trẻ tuổi

15% dân số Việt Nam… tâm thần?

Thuốc điều trị tâm thần có thể gây chết người

Bệnh tâm thần – Điều trị sớm để có hiệu quả tốt

Có một thực tế đau đớn là, ở những nơi có nhiều ngôi nhà cao tầng mọc lên nhờ kiều hối của cô dâu Việt lấy chồng và định cư ở nước ngoài thì ngay tại những nơi đó, cũng có những cô dâu ra đi rồi lại trở về, mang theo cả bi kịch cuộc đời. Cùng với những vụ việc cô dâu Việt tử vong hoặc bị hại ở nước ngoài (đặc biệt là Hàn Quốc), đây chính là hồi chuông cảnh báo về một trong những hậu quả khôn lường của những cuộc hôn nhân chớp nhoáng, không tình yêu, chạy theo phong trào. Tuy nhiên, những sự thật đó gần như đã bị giấu nhẹm, chẳng ai muốn kể.

Đã hơn 6 năm nay, bà Đinh Thị Ngắn ở xã Lập Lễ (huyện Thủy Nguyên, TP. Hải Phòng) phải sống trong cảnh “già 62 chăm trẻ 27”. Cô gái 27 tuổi con gái bà ngắn là Đinh Thị Huân, hiện mắc chứng tâm thần, từng có chồng là người Hàn Quốc.

Năm 2006, Huân 18 tuổi, khỏe mạnh, hoạt bát. Nghỉ học, cô gái mới lớn ở nhà giúp mẹ và anh vá lưới. Gia cảnh nghèo khó nhưng bà Ngắn không vì thế mà mong con đi lấy chồng nước ngoài để kiếm vận may đổi đời. “Vậy mà vào một ngày, khi tôi đi ra sông bắt ốc, nó theo mối lái đi mất” – Bà Ngắn nhớ lại. Lúc đó, chẳng biết Huân đang ở đâu, chỉ có một cuộc điện thoại báo về gia đình rằng Huân đã “trúng tuyển” làm vợ của một người đàn ông Hàn Quốc. Cũng ngay hôm ấy, gia đình bà Huân được những người trong đường dây mai mối mang ô tô về đón ra một khách sạn ở Hải Dương để dự đám cưới của con gái. Khi đến nơi, gia đình bà mới biết người con rể hơn con gái bà tới 25 tuổi. Lúc đó, gia đình bà ngơ ngác nhưng mọi việc đã được thu xếp để thành “chuyện đã rồi”, vậy là bà lại phải chạy vạy vay mượn khắp nơi mới đủ 17 triệu đồng, lo trả tiền khách sạn và tiệc cưới. Để đi được Hàn Quốc, Huân phải học tiếng. Bà Ngắn lại tiếp tục lo cho con gái thêm 8 triệu đồng, cũng là tiền đi vay.

Huân và người chồng ngoại quốc hơn cô 25 tuổi

Từ ngày Huân theo chồng về Hàn Quốc cũng là bắt đầu những chuỗi ngày bà Ngắn sống trong lo âu. Nén tiếng thở dài, bà Ngắn kể: “Từ lúc nó đi, tôi không ngày nào ăn nổi một bát cơm. Con đi, mẹ ở nhà cũng héo hon. Tôi sụt còn đúng 37kg”. Rồi bà kể tiếp, khoảng 5 tháng đầu tiên khi Huân sang ở cùng chồng, hai mẹ con vẫn thường liên lạc. Bên đó, cô gái 18 tuổi kiếm tiền bằng công việc cắt bánh xe thuê. Những lúc ở nhà, Huân thường dọn dẹp, lau chùi nhà cửa. Nhà chồng Huân thử lòng người bằng cách để tiền hớ hênh ở trên gác. Có lần khi Huân đang lau sàn, trông thấy tiền để đó, chồng cô liền kéo ra đánh và bảo “Tiền của người khác để đó sao cứ dán mắt vào nhìn, tính lấy phải không?”. Đặc biệt, có nhiều lần, khi Huân ở nhà một mình, đã bị anh trai chồng (hơn Huân 27 tuổi) đánh đập và lạm dụng tình dục. Chuyện Huân bị đánh và bị nhét rẻ vào miệng để không kêu được cũng xảy ra. Vì vậy, mỗi khi thấy người anh, Huân lại chui vào góc nhà, dưới dây phơi quần áo để trốn nhưng không thoát được. Những câu chuyện đó Huân kể khi gọi điện về cho bà Ngắn, lúc đó mới được khoảng 3 - 4 tháng kể từ ngày Huân rời Việt Nam. Được 5 tháng, Huân gửi cho bà Ngắn 50 triệu đồng, là tiền công từ việc cắt vỏ lốp xe và bảo bà để ra 25 triệu trả nợ, số tiền còn lại cô dặn bà gửi tiết kiệm để chi tiêu. Sau đó Huân gọi về và bảo rằng có lẽ đó là khoản tiền cuối cùng cô có thể gửi, vì sức khỏe không tốt. “Từ đó trở đi, không hề có một cuộc gọi nào nữa. Ở Việt Nam, gia đình bặt tin con” – Bà Ngắn buồn rầu kể.

Linh tính người mẹ mách bảo có chuyện chẳng lành, bà Ngắn liên hệ với người cháu cũng lấy chồng Hàn Quốc để nhờ tìm hiểu thông tin về con gái. Và rồi bà như chết đứng khi nghe tin Huân đã phát bệnh cả năm trời mà không được chữa trị. Chồng Huân cũng không cho phép cô về Việt Nam bởi “đã mất tiền cưới vợ”. Gia đình vừa động viên, vừa dùng biện pháp đe dọa người chồng của Huân, mới đưa được cô về nước với điều kiện “phải tự lo tiền vé và chữa khỏi bệnh phải trả lại vợ”.

Từ năm 2009 đến nay, bệnh tình của Huân vẫn vậy. Bác sĩ cho biết, Huân bị trầm cảm kéo dài, bị đánh đập và suy nghĩ quá nhiều nên bị nhiễu loạn. Hoàn cảnh nhà bà Ngắn vốn khó khăn, nay lại gặp nghịch cảnh. Bà Ngắn phân trần, con cho dư ra được 25 triệu thì trở về, mất đến hơn 100 triệu tiền chữa trị rồi vẫn cứ như đứa trẻ, lơ ngơ, không biết gì cả. Kinh tế gia đình khó khăn, mỗi ngày bà chạy chợ được chừng 30 nghìn, không đủ chữa bệnh cho Huân, phải vay mượn nhiều nên bà bảo, chắc gia đình chỉ cố lo được cho Huân đến khi cô 30 tuổi, bằng không, cứ để Huân sống vậy. “Thôi cũng là cái số cháu nó không may, phải chịu” – bà Ngắn thở dài buồn bã.

Trường hợp của Đinh Thị Huân không phải là cá biệt. Riêng ở Lập Lễ, còn có gia đình nhà bà Đ., có một người con gái lấy chồng Đài Loan, một người lấy chồng Hàn Quốc. Cô gái lấy chồng Hàn Quốc sau khi đi được hơn 1 năm cũng phát bệnh tâm thần, hiện đã được đưa về nhà. Theo người dân địa phương, có lẽ do bị bạo hành nên cô đã bị ức chế tâm lý. Hiện tại, bệnh tình của cô vẫn không hề thuyên giảm, thường xuyên gào thét, đập phá.

Ở điều trị cùng bệnh viện với Huân, còn có một phụ nữ cũng trở về từ Hàn Quốc và bị sang chấn tâm lý do gia đình nhà chồng ép bỏ thai nhiều lần. Vì không thể chịu đựng được, cô đã tìm cách trốn về Việt Nam.

H'Lu H+
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Xã hội