Bệnh tâm thần – Điều trị sớm để có hiệu quả tốt

Người mắc bệnh tâm thần cần được điều trị sớm để có hiệu quả tốt

Rau quả tốt cho sức khỏe tâm thần

Trên 400 triệu người bị rối loạn tâm thần

Phát hiện mới trong việc chữa bệnh tâm thần phân liệt

Bệnh nhân tâm thần: Gian nan vấn đề quản lý

Nguy cơ khó lường từ người tâm thần

Theo bác sỹ chuyên khoa, nếu được điều trị sớm, nhiều khả năng người bệnh sẽ trở lại cuộc sống bình thường.

Tự tử vì trầm cảm

Bác sỹ Lưu Quốc Thái - Trưởng khoa khám bệnh, Bệnh viện Tâm thần TP.HCM chia sẻ ông vẫn nhớ trường hợp một chàng trai trẻ, hơn 20 tuổi, ở Sóc Trăng bị bệnh tâm thần phân liệt nhưng người nhà chỉ đưa đến Bệnh viện Tâm thần thành phố điều trị khi bị thầy bùa “chê”. Hơn ba năm trước, khi phát hiện anh này có những biểu hiện bất thường như thường xuyên không ngủ đêm, ngồi lẩm nhẩm một mình... gia đình đã đưa anh đến một thầy bùa ở gần nhà điều trị vì nghĩ anh bị người âm nhập.

Khi tiếp nhận bệnh nhân này, bác sỹ Thái nhận định bệnh nhân đã mắc bệnh rất nặng nên chỉ điều trị ổn định, chứ không thể đưa bệnh nhân trở về cuộc sống như lúc đầu. 

Trong khi người dân ở tỉnh thường đưa người bệnh tâm thần đến những ông “thầy” chữa bệnh bằng bùa ngải, đấm đá... thì không ít người dân ở thành phố khi phát hiện người trong gia đình có biểu hiện tâm thần lại tránh né và không muốn cho hàng xóm, người quen biết. (Bác sỹ Lưu Quốc Thái - Trưởng khoa khám bệnh Bệnh viện Tâm thần TP.HCM).

 

Trường hợp khác là bệnh nhân T. (hơn 30 tuổi, chưa lập gia đình), có biểu hiện tâm thần như bỏ việc ở nhà, đi lòng vòng suốt đêm, thường ngồi ghi chép trong sổ sẽ gặp... những nguyên thủ quốc gia, lập tức ba mẹ T. đã xây riêng một phòng để nhốt anh vì sợ hàng xóm và người quen biết.

Thời gian đầu anh T. yên lặng ở trong phòng nhưng càng về sau càng muốn chống đối. Căn phòng không yên ắng như trước mà hàng xóm dần quen với tiếng la hét, phá phách của anh. Sau bảy năm nhốt anh T. trong phòng và biết không thể tiếp tục làm vậy được mãi, ba mẹ anh mới đưa anh đến khám tại Bệnh viện Tâm thần thành phố.

Bác sỹ chẩn đoán anh T. mắc bệnh loạn thần. Cũng do đến bệnh viện trễ nên việc điều trị ổn định cho bệnh nhân phải cần thời gian dài và bệnh nhân không thể trở về cuộc sống bình thường như những trường hợp được phát hiện, điều trị sớm.

Bác sỹ Thái còn cho biết đa số người bệnh trầm cảm đến bệnh viện điều trị trễ vì không biết mình mắc bệnh.

Những người mắc bệnh trầm cảm có triệu chứng điển hình của bệnh này như buồn chán, không muốn làm việc, mất ăn, mất ngủ còn dễ phát hiện, chứ nhiều người mắc bệnh trầm cảm chỉ có triệu chứng như nhức đầu, chóng mặt, hồi hộp, đau bao tử, rối loạn tiêu hóa, đi tiểu lắt nhắt, đau nhức cổ, gáy... thì rất khó phát hiện. Khi gặp những triệu chứng này, người bệnh thường đến chuyên khoa tai mũi họng, tim mạch, tiêu hóa, chấn thương chỉnh hình... khám.

Bác sỹ Bệnh viện Tâm thần TP.HCM tư vấn cho một bệnh nhân có biểu hiện tâm thần

Người mắc bệnh trầm cảm rất dễ nóng giận nên nếu không được điều trị sớm có thể bị mất việc, bỏ học, tan vỡ gia đình... Bác sỹ Thái kể có những cặp vợ chồng phải ly dị vì người vợ hoặc chồng mắc bệnh trầm cảm và người còn lại không thể chịu đựng được...

Bác sỹ Thái nhấn mạnh người mắc bệnh trầm cảm bị mất ngủ liên tục lâu ngày nếu không được điều trị có thể dẫn đến loạn thần. Những người trầm cảm có triệu chứng rối loạn tiêu hóa nếu không được điều trị đúng, sớm cũng sẽ dẫn đến suy kiệt cơ thể. Nguy hiểm hơn là trầm cảm lâu ngày còn có thể dẫn đến tự tử.

Để càng lâu tổn thương càng nhiều

Bác sỹ Thái cho biết rối loạn tâm thần (tâm thần phân liệt, rối loạn lưỡng cực, loạn thần...) là rối loạn các chất chuyển hóa thần kinh trong não.

Khi các chất này gia tăng sẽ làm tăng hoạt động cảm xúc, tư duy và khi tăng nhiều quá, hoạt động cảm xúc, tư duy liên tục sẽ gây ra sự suy yếu và tổn thương hệ thần kinh. Nếu không được điều trị tốt để giảm các chất này xuống thì các tổn thương sẽ nhiều lên. Do vậy, nếu để bệnh nhân nặng mới đến điều trị thì hiệu quả giảm rất nhiều.

Những người bệnh bị rối loạn lưỡng cực sẽ có những biểu hiện dễ phát hiện như vui hoặc buồn quá mức bình thường, còn bệnh rối loạn tâm thần phân liệt khởi phát triệu chứng bệnh từ từ nên rất khó phát hiện.

Đa số chỉ người nhà, người thân trong cơ quan mới phát hiện được người bệnh có những thay đổi tính tình, như trước đây hay đi chơi với bạn bè nhưng nay không đi nữa. Người bệnh cũng tự mình tách ra khỏi sinh hoạt của gia đình như đến bữa cơm không ăn cùng gia đình... Khi phát hiện những biểu hiện tâm thần, cách tốt nhất nên đưa người bệnh đến bệnh viện tâm thần để được khám.

Bác sỹ Thái khuyên để tránh mắc các bệnh tâm thần cần cân bằng cuộc sống bằng cách tránh áp lực công việc, biết cách nghỉ ngơi và chơi thể dục, thể thao.

Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin - Báo bạn