Bộ Y tế hướng dẫn khám sàng lọc tiêm chủng vaccine phòng COVID-19

Mỗi mũi tiêm thực hiện đều đảm bảo an toàn, hạn chế thấp nhất rủi ro - Ảnh: MOH

Ghi nhận gần 100 ca COVID-19 mới, TP.HCM bắt đầu chiến dịch tiêm 800.000 liều vaccine

Y tế tuần qua: Việt Nam phê duyệt thêm vaccine Pfizer

Bộ Y tế triển khai chiến dịch tiêm chủng quốc gia lớn nhất lịch sử thế nào?

Phản ứng phụ có thể xảy ra khi tiêm vaccine ngừa COVID-19

 Đây là chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 có sự đầu tư rất lớn của Chính phủ, góp phần đạt mục tiêu kép: Bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe người dân và bảo đảm phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

Với quy mô triển khai lớn nhất từ trước đến nay, công tác tiêm chủng được thực hiện ở tất cả các địa phương và các điểm tiêm ở các xã, phường.

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, Bộ Y tế đã thành lập Ban Chỉ đạo An toàn tiêm chủng, cho thấy có sự quan tâm đặc biệt của Bộ Y tế về vấn đề này. Ban Chỉ đạo An toàn tiêm chủng có những chuyên gia đầu ngành của lĩnh vực điều trị để tư vấn cho tuyến dưới, giúp việc điều trị kịp thời, tránh rủi ro khi tiêm.

Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 2995/QĐ-BYT về việc hướng dẫn tạm thời khám sàng lọc trước tiêm chủng vaccine COVID-19 và bãi bỏ Quyết định số 1624/QĐ-BYT đã ban hành trước đó (vốn chỉ áp dụng với vaccine phòng COVID-19 của AstraZeneca).

Phiếu sàng lọc sức khỏe trước tiêm chủng vaccine phòng COVID-19

Theo đó, các đối tượng sau phải được khám sàng lọc kỹ và cần được tiêm chủng tại bệnh viện hoặc cơ sở y tế có đủ năng lực hồi sức cấp cứu ban đầu:

- Người có tiền sử dị ứng với các dị nguyên khác.

- Người có bệnh nền, bệnh mạn tính được điều trị ổn định.

- Người mất tri giác, mất năng lực hành vi.

- Người trên 65 tuổi.

- Người có tiền sử giảm tiểu cầu và/hoặc rối loạn đông máu.

- Người có bệnh mạn tính có phát hiện thấy bất thường dấu hiệu sống:

+ Mạch: < 60 lần/phút hoặc > 100 lần/phút.

+ Huyết áp tối thiểu < 60 mmHg hoặc > 90 mmHg và/hoặc huyết áp tối đa < 90 mmHg hoặc > 140 mmHg.

+ Nhịp thở > 25 lần/phút và/hoặc SpO2 < 94% (nếu có).

Các đối tượng trì hoãn tiêm chủng gồm:

- Đang mắc bệnh cấp tính hoặc mạn tính đang tiến triển, chưa kiểm soát được.

- Những người bị suy giảm khả năng đáp ứng miễn dịch nặng, ung thư giai đoạn cuối, xơ gan mất bù...

- Trong vòng 14 ngày trước có điều trị corticoid liều cao (tương đương prednisolon ≥ 2 mg/kg/ngày trong ≥ 7 ngày), hoặc điều trị hóa trị, xạ trị.

- Đã mắc COVID-19 trong vòng 6 tháng.

- Phụ nữ mang thai và Phụ nữ đang nuôi con bằng sữa mẹ.

Theo Thứ trưởng Trần Văn Thuấn, đằng sau mỗi mũi tiêm là sức khỏe, tính mạng của mỗi con người. Để đảm bảo công tác tiêm chủng, ngành y tế phải nỗ lực từng khâu: Từ giám sát chặt chẽ việc bảo quản và vận chuyển vaccine để đảm bảo chất lượng tốt nhất từ khâu tiếp nhận, vận chuyển cho đến tận bàn tiêm; Đảm bảo tiêm chủng an toàn, đúng đối tượng; Xử lý nhanh chóng và hiệu quả các trường hợp phản ứng sau tiêm (nếu có).

Quỳnh Trang H+
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin - Báo bạn