Tại buổi hội thảo chuyên đề "Kỷ nguyên mới trong chẩn đoán và điều trị ung thư" được Hội Ung thư Việt Nam phối hợp với Công ty AstraZeneca tổ chức tại TP HCM, các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực ung thư từ Pháp, Anh, Nhật Bản và Việt Namcùng khẳng định với điều kiện cơ sở vật chất, thuốc men và trình độ chuyên môn của bác sĩ trong nước hiện nay, việc chiến đấu với căn bệnh ung thư và kéo dài cuộc sống của bệnh nhân hoàn toàn khả thi. Điều này còn khả quan hơn khi nhiều nghiên cứu đã đưa ra những tiến bộ mới nhất xung quanh các liệu pháp điều trị ung thư vú, phổi và tiền liệt tuyến.
Hiện nay ung thư vú có chiều hướng trẻ hóa, diễn tiến nhanh và ác tính hơn. Tuy nhiên, các nhóm thuốc nội tiết cần thiết phục vụ mục tiêu điều trị của bác sĩ trên mọi đối tượng bệnh nhân đều được đáp ứng đầy đủ tại Việt Nam. Giáo sư - Tiến sĩ Robertson (Anh) cũng đã giới thiệu một hướng mới trong điều trị ung thư vú. Đó là kết quả điều trị của thuốc đồng vận GnRH trên bệnh nhân tiền mãn kinh, thuốc ức chế Aromatase trên bệnh nhân hậu mãn kinh mang lại lợi ích sống còn toàn bộ và giảm nguy cơ tái phát rõ rệt.
Giáo sư - Tiến sĩ Robertson cho biết thuốc điều hòa giảm thụ thể estrogen sẽ có mặt tại Việt Nam trong thời gian tới. Ông cũng cho biết nhóm thuốc này được điều trị trên những bệnh nhân ung thư vú tiến triển tại nhiều nơi trên thế giới đã đạt được nhiều kết quả thành công ngoài mong đợi.
Đối với ung thư tiền liệt tuyến, các chuyên gia trong nước và quốc tế đã chia sẻ một loạt tin vui từ những thành công mới trong phẫu thuật, xạ trị phối hợp nội tiết hỗ trợ kéo dài, mở ra rất nhiều cơ hội sống cho bệnh nhân. Với bước tiến này, vai trò liệu pháp nội tiết hỗ trợ càng được đề cao nhằm tối ưu hiệu quả, kéo dài thời gian sống và cải thiện chất lượng cuộc sống.
Hơn thế nữa, việc sử dụng thuốc đồng vận LHRH thay thế cho biện pháp phẫu thuật cắt tinh hoàn vừa đảm bảo hiệu quả điều trị mà tránh được những ảnh hưởng đến tâm lý bệnh nhân.
Xung quanh bệnh ung thư phổi không tế bào nhỏ (UTPKTBN), với kết quả tỷ lệ đột biến EGFR (thụ thể yếu tố tăng trưởng biểu bì) đến 51% trên bệnh nhân châu Á từ nghiên cứu PIONEER, Giáo sư Inoue (Nhật Bản) khuyến cáo nên xét nghiệm đột biến EGFR để xác định tình trạng đột biến cho mọi đối tượng bệnh nhân.
Từ đó, bác sĩ có cơ hội điều trị EGFR-TKI (thuốc ức chế thụ thể yếu tố tăng trưởng biểu bì) cho bệnh nhân có EGFR (+), giúp kéo dài thời gian sống bệnh không tiến triển, ít tác dụng phụ rõ rệt so với hóa trị, qua đó cải thiện chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân. Hiện nay, Việt Nam đã có thể thực hiện được xét nghiệm đột biến EGFR cũng như có đầy đủ liệu pháp EGFR-TKI dành riêng cho bệnh nhân UTPKTBN có EGFR (+).
Giáo sư Michel Bolla (Pháp) kêu gọi mọi người hãy thay đổi quan điểm rằng ung thư không phải là một bệnh mà là một phổ bệnh kéo dài xuyên suốt cuộc sống của bệnh nhân.
Những tiến bộ y học hiện nay đã cho phép phân loại bệnh rõ ràng và chi tiết, từ đó giúp bác sĩ
lựa chọn liệu pháp điều trị phù hợp với từng cá thể. Nhờ vậy, các bệnh nhân ung thư hoàn toàn có
quyền hy vọng không những có thể kéo dài thời gian sống, mà còn duy trì được thể trạng mạnh khỏe và
chất lượng cuộc sống tốt đẹp.
Bình luận của bạn