Các ca bệnh đái tháo đường mới ở Indonesia đã tăng đáng kể trong những năm gần đây, đưa đất nước Vạn Đảo lên vị trí thứ 7 thế giới về số người mắc căn bệnh được coi là của lối sống hiện đại này.
Chủ tịch Hiệp hội Đái tháo đường Indonesia (Persadias), giáo sư Sidartawan Soedondo, cho biết số bệnh nhân mắc bệnh đái tháo đường tại nước này đã tăng từ 8 triệu người năm 2011 lên 8,5 triệu người năm 2013, trong đó 90% thuộc tuýp II (nghĩa là mắc bệnh do các yếu tố di truyền).
Trình bày tham luận tại "Diễn đàn Đái tháo đường toàn cầu" được tổ chức tại Jakarta ngày 18/1, giáo sư Soedondo lưu ý rằng trẻ em, thanh thiếu niên và người lớn trẻ tuổi đều rất dễ bị bệnh đái tháo đường tuýp II, trong đó thanh niên mắc bệnh này chủ yếu do lối sống không lành mạnh làm tăng nguy cơ bị béo phì, sự ảnh hưởng của đô thị hóa và việc thiếu hoạt động thể chất - những nhân tố góp phần vào bệnh đái tháo đường.
Giáo sư Soedondo cũng nhấn mạnh đến sự nguy hiểm của bệnh đái tháo đường thường bị bỏ qua, do người bệnh không thấy được các triệu chứng và bệnh chỉ được phát hiện sau khi đã trở thành mạn tính.
Theo ông Soedondo, tại Indonesia, khoảng 5,7% dân số mắc bệnh này và 70% không nhận thức được nguy cơ mắc bệnh tiểu đường từ chính lối sống hàng ngày. Kết quả là sự gia tăng hàng năm số trường hợp mắc căn bệnh này, cũng như việc tìm cách điều trị chỉ sau khi bệnh đã trở thành mạn tính.
Giáo sư Soedondo nhấn mạnh việc kiểm tra sớm và định kỳ nhằm phát hiện các yếu tố nguy cơ là hết sức cần thiết, để có thể kiểm soát và điều trị hiệu quả bệnh đái tháo đường.
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin
Bình luận của bạn